Tấm lòng nhân hậu vì người nghèo

11:00 | 24/06/2013

1,213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ấn tượng về chị là một phụ nữ trung niên có nụ cười hiền từ, dù là doanh nhân nhưng lúc nào cũng xuất hiện trước mọi người với chiếc áo bà ba giản dị, đậm chất Nam Bộ. Không chỉ vượt qua số phận nghèo khó để vươn lên, chị còn được nhiều người nhắc đến bởi tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia với những người nghèo, có hoàn cảnh éo le, không gặp may mắn trong cuộc sống.

Người phụ nữ ấy là chị Tăng Kim Thợn (còn gọi là chị Bảy Thuận, hiện cư ngụ tại phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP HCM). Sinh ra tại một vùng quê nghèo, hẻo lánh ở cù lao Long Khánh, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cuộc sống vất vả khó khăn trên vùng đất thuộc “rốn lũ” Đồng Tháp Mười khiến nhiều người phải bỏ quê tha phương cầu thực, trong đó có gia đình chị. Khi lên TP HCM lập nghiệp, với nghị lực vượt khó, cần cù cộng với may mắn, gặp nhiều thuận lợi trong công việc kinh doanh đã giúp chị và gia đình có cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay.

Từng trải qua tuổi thơ cơ cực nên chị thấu hiểu hoàn cảnh của những người nghèo neo đơn, trẻ em cơ nhỡ. Chính vì thế, khi công việc kinh doanh đi vào ổn định cũng là lúc chị dành phần lớn thời gian chăm lo, giúp đỡ cho những số phận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Chị Tăng Kim Thợn (tức Bảy Thuận) - người luôn chung tay góp sức cùng xã hội lo cho người nghèo, thiếu may mắn trong cuộc sống

Vài năm trước, trong khi không ít người lao vào thị trường bất động sản để đầu tư kinh doanh thì chị lại mua gần 10.000m2 đất tại xã Bình Mỹ (một xã nghèo thuộc huyện Củ Chi, TP HCM) với mục đích giản đơn là làm cơ ngơi giúp người nghèo, trẻ em cơ nhỡ có cuộc sống ổn định. Chị đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nước tương chay với các mặt hàng chính: Nước tương, chao, tương hộp… cung cấp cho các bếp ăn từ thiện, các chùa có nhu cầu. Phần đất còn lại chị tổ chức gieo trồng rau xanh, nhất là rau muống nhưng không phải để bán mà là để giúp cho các bếp từ thiện có rau sạch an toàn.

Ngoài cơ sở sản xuất tương thủ công, chị còn dành trên 1.000m2 đất ở xã Bình Mỹ để xây dựng cơ ngơi nhằm cưu mang các trẻ em nhỏ cơ nhỡ và lao động có hoàn cảnh cô đơn, thất nghiệp, không có công ăn việc làm ổn định. Trong đó, có trường hợp như chị Lê Thị Sạch (51 tuổi, quê Đồng Tháp, có cha là liệt sĩ). Vốn là nạn nhân chất độc dioxin nên thần kinh của chị Sạch không bình thường, lúc tỉnh lúc mê, gia đình lại đơn chiếc, chị thường lang thang ngoài đầu đường xó chợ, bệnh tật triền miên. Thấy hoàn cảnh éo le nên chị Bảy Thuận đã đưa chị về nuôi dưỡng.

Anh Lê Văn Nhôm là anh ruột của của chị Lê Thị Sạch từ cù lao Long Khánh (Đồng Tháp) khi đến thăm em gái tại Bình Mỹ đã chia sẻ: “Khi được chị Bảy Thuận đưa về nuôi dưỡng thì đã bệnh tình của Sạch đã đỡ hơn nhiều. Thỉnh thoảng Sạch còn tham gia công việc cơm nước cho công nhân đang làm việc tại lò tương. Gia đình tôi mang ơn chị Bảy nhiều lắm!”.  

Một ngày cuối tuần, chúng tôi đến mục sở thị cơ ngơi sản xuất tương chao nước chấm “phi lợi nhuận” ở huyện Củ Chi mà chị đầu tư gây dựng giúp cho người nghèo. Chúng tôi có dịp chứng kiến các lao động làm tương theo phương pháp thủ công trông rất sạch sẽ, vệ sinh từ bao bì nhãn mác, kiểm định chất lượng an toàn… Đặc biệt cơ sở sản xuất tương tại chỗ các mặt hàng phục vụ ăn chay không những cung cấp cho các bếp ăn từ thiện mà còn là nguồn hàng chay hỗ trợ miễn phí cho sinh viên, công nhân nghèo tại địa bàn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Riêng tại xã Bình Mỹ (Củ Chi, TP HCM) mỗi tháng chị hỗ trợ 200kg gạo và các thực phẩm khác cho các đối tượng nghèo. Bên cạnh đó, các tổ chức từ thiện như: Cháo từ thiện, cơm từ thiện tại các bệnh viện quận, huyện ở TP HCM luôn được chị nhiệt tình hỗ trợ giúp đỡ để giúp cho bệnh nhân nghèo vùng quê lên TP HCM điều trị giảm bớt khó khăn.

Bên cạnh cơ sở sản xuất tương chao từ thiện, trong nhiều năm qua, cùng với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Ban Tôn giáo, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, chị đã đặt chân đến hàng trăm địa chỉ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Bình Phước… để xây cầu, tặng nhà, giúp đỡ người nghèo và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Và theo thống kê, qua các thư ngỏ cảm ơn, xác nhận của các tổ chức từ thiện cho thấy đến nay có trên 100 hộ dân ở khắp các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long được chị Bảy Thuận giúp đỡ bằng tiền mặt, hiện vật… để sửa chữa nhà ở khi mùa mưa lũ, mùa nước nổi về.

Còn nhớ, trong chuyến đi từ thiện đến vùng Miệt Thứ của tỉnh Kiên Giang, thấy đường sá giao thông nông thôn ở đây khó khăn khôn bề, nhất là các em đi lại học hằng ngày bằng xuồng con ba lá rất chông chênh hoặc đò máy đuôi tôm, chị Bảy Thuận đã chi hàng chục triệu đồng xây dựng cầu xi măng kiên cố nối hai bờ kênh (tại Kênh 9 thuộc huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) cho các em và bà con vơi đi nhọc nhằn.

Đối với bà con nghèo sinh sống trên quê nhà của chị Bảy Thuận ở cù lao Long Khánh, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thì từ đầu trên, xóm dưới ai ai cũng nể phục chị về tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ người nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở để an cư lạc nghiệp trong nhiều năm qua.

Ngoài việc xây, sửa chữa nhà ở cho người nghèo thì chị còn thường xuyên hỗ trợ hàng ngàn ký gạo cho các tổ chức nấu cơm từ thiện tại các bệnh viện tại TP HCM và bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ở TP HCM và các tỉnh  Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An…

Mỗi chuyến đi về chị lại trăn trở: “Tôi mong xóa bớt những nỗi đau, nhọc nhằn của người dân trên những vùng quê nghèo. Việc làm của tôi cũng chỉ là phần rất nhỏ giúp cho bà con nghèo vượt qua khó khăn vươn lên cùng cộng đồng trong cuộc sống mới”.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi lại hình dung về những chuyến đi làm từ thiện của chị, với nụ cười thường trực trên môi, với chiếc áo bà ba giản dị sẽ mang hơi ấm đến với người nghèo khắp nơi.

Quốc Thái - Thế Vinh