Tại sao người ta lại bầu ông?

07:00 | 14/11/2014

7,874 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thảo luận về dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND, ĐBQH đoàn Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị thủ tục cho người tự ứng cử cần cụ thể hơn nữa. Luật Bầu cử gần đây mở ra cơ chế cho người tự ứng cử, để khắc phục tình trạng thiếu dân chủ, nhưng điều này đang được làm quá dễ dàng, dù tự ứng cử đã trở thành một thông lệ trên thế giới.

Năng lượng Mới số 374

Thảo luận về dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND, ĐBQH đoàn Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị thủ tục cho người tự ứng cử cần cụ thể hơn nữa. Luật Bầu cử gần đây mở ra cơ chế cho người tự ứng cử, để khắc phục tình trạng thiếu dân chủ, nhưng điều này đang được làm quá dễ dàng, dù tự ứng cử đã trở thành một thông lệ trên thế giới. ĐBQH Phạm Quang Nghị cho rằng: Tôi chưa thấy nước nào tự ứng cử dễ như ở Việt Nam. Cứ tự mình làm hồ sơ rồi ghi tên vào danh sách. Người tự ứng cử không phải qua lựa chọn, bình xét, đánh giá xem có đáp ứng yêu cầu không hoặc có làm điều này nhưng còn hình thức. Ông Phạm Quang Nghị nhận xét, người ứng cử tự đánh giá mình có khả năng, nhưng phải có người khác đánh giá xem có phù hợp không. Vì thế cần phải có tổ chức đánh giá, nếu là địa bàn dân cư phải có tổ dân phố. Chí ít cũng phải có người phản đối, trong trường hợp người tự ứng cử có vấn đề tâm thần, sức khỏe, lý lịch thì người ta sẽ không đồng ý. Trên thế giới có cơ chế phổ thông là ứng viên  phải có ít nhất bao nhiêu chữ ký đồng ý mới cho ứng cử.

TS Trần Du Lịch cũng nhận xét: Tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì “một người mới từ bệnh viện tâm thần về cũng ứng cử được”. Trong ngôn ngữ dân gian những người này được gọi là “người ẩm IC, chập mạch”...

Ông Hoàng Hữu Phước

Tại buổi thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa kiến nghị cần bổ sung quy định hồ sơ ứng cử phải có giấy khám sức khỏe tâm thần, chứ nếu để người tâm thần bất ổn lọt vào Quốc hội thì “hậu quả rất khó giải quyết, vì nhiệm kỳ kéo dài tới 5 năm”. ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị những người ra ứng cử phải có lý lịch tư pháp và bên cạnh việc khám sức khỏe tâm thần phải có trắc nghiệm tâm lý.

Có vẻ lạ lùng khi các ĐBQH đề cập đến chuyện sức khỏe tâm thần với ứng viên. Không lẽ ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất lại có ai đó hạn chế về năng lực hành vi dân sự hay sao? Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam các ĐBQH bàn tới việc xây dựng “bức tường lửa” để chặn các ứng viên “bất bình thường về sức khỏe tâm thần” khỏi lọt vào cơ quan quyền lực Nhà nước này.

Thì ra, các ĐBQH đã đề xuất bổ sung quy định trên để phòng ngừa những trường hợp “tưng tửng” ứng cử làm mất thời gian của đơn vị bầu cử, tốn tiền của dân và hy hữu nhất là đề phòng việc ai đó lọt vào tới Quốc hội luôn thì hậu quả đúng là không biết đâu mà lần.

Không lẽ ĐBQH bỗng dưng phát hiện nguy cơ có người tâm thần phân liệt đương nhiệm không quậy trong nghị trường mà lại tưng tửng quậy ồn ào, châm chọc, chê bôi, chế diễu ĐBQH khác làm ảnh hưởng đến Quốc hội.

Nhân bàn về nói năng, viết lách của một ông Tây là Giáo sư Joel Brinkley và ông ta là Nghị sĩ Quốc hội Hoàng Hữu Phước, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, cả hai ông giống nhau đến kỳ lạ: Đều phải hứng chịu những trận mưa đá của đông đảo công chúng và cộng đồng mạng. Và khủng khiếp hơn, đều bị công chúng đề nghị sa thải, đuổi khỏi trường đại học và phế truất khỏi nghị trường.

Nhà thơ viết tiếp: “Ông Tây là khách vãng lai, không hiểu thấu đáo người Việt nên đã nói càn, ta chả chấp làm gì. Chỉ tiếc ông nghị Hoàng Hữu Phước, một người có trình độ thạc sĩ, đại diện cho dân, ở một cơ quan quyền lực cao nhất, sang trọng vào bậc nhất lại làm những việc dưới tầm văn hóa, mà ta không thể hình dung đấy lại là một nghị sĩ Quốc hội… Việc ông Phước viết bài về ông Quốc trên blog của mình cũng không có gì sai, nếu ông chỉ tranh luận theo đúng nghĩa để tìm ra chân lý vì lợi ích chung. Nhưng điều đáng bàn và cũng chính là lý do khiến công chúng nổi giận là ông không tranh luận mà lợi dụng tranh luận để bôi nhọ và hạ nhục một ĐBQH khác. Có lẽ cũng vì điều này mà nhiều luật sư nhìn thấy trong việc làm rất không bình thường của ông Phước có dấu hiệu của tội làm nhục người khác”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu ĐBQH nhiều khóa, nhận xét ĐBQH Phước đã hành xử một cách lỗ mãng, không phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa thông thường chứ chưa nói đến văn hóa nghị trường. GS Thuyết nhấn mạnh: “Trong cuộc sống, mọi người đều có thể có những ý kiến khác nhau, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng chỉ những người kém văn hóa mới dùng những lời lẽ nặng nề, phản cảm, chợ búa để phỉ báng nhau… Sự hiểu biết của ĐB Phước về pháp luật rất hạn chế. Khi công kích ĐB Dương Trung Quốc về chuyện chất vấn tại kỳ họp vừa qua, ông Phước đã làm trái quy định tại Điều 49 Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, ông Phước còn quên rằng, Điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định ĐB phải “gương mẫu” trong việc chấp hành hiến pháp và pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và “tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt câu hỏi: “Chả lẽ sự tha hóa về đạo đức đã lan đến cả chốn linh thiêng, sang trọng vào bậc nhất của quốc gia sao? Thật có lý khi nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khoa Điềm, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã phải ngỡ ngàng trong một câu hỏi viết về ông Hoàng Hữu Phước: “Tại sao người ta lại bầu ông vào Quốc hội?”.

Chịu, không trả lời được!

Bảo Dân