Tại sao môi trường Trung Quốc ngày càng tệ hại?

07:00 | 16/03/2013

2,735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tại sao Trung Quốc ngày càng xơ xác bởi những thảm họa môi trường vô phương cứu vãn? Tại cơn lốc phát triển bằng mọi giá, tại sự thờ ơ của giới chức địa phương, tại thói quen sinh hoạt nhếch nhác của số đông cộng đồng…? Để đầy đủ hơn, còn phải kể đến vài nguyên nhân nữa…

Ăn chặn tiền dự án môi trường

“Ông có “ngon” thì thử nhảy xuống dòng sông này bơi trong 30 phút đi, tôi sẵn sàng trao cho ông 300.000 tệ!” - đó là lời thách đấu của một doanh nhân tại Ôn Châu dành cho viên chức lãnh đạo chính quyền địa phương vào hạ tuần tháng 2/2013. Trước đó vài ngày, một doanh nhân Chiết Giang cũng đưa ra thách thức tương tự. Tất nhiên chẳng “ông quan” nào dám mạo hiểm sinh mạng để “nhảy vào chỗ chết” như vậy (trong khi món “tiền tuất” thật ra chẳng đáng là bao - khoảng 100 triệu đồng Việt Nam)!

Phải nói là tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc đã vượt xa đỉnh điểm của báo động. Nó đã trở thành một vấn đề có thể được xếp vào phạm trù an ninh quốc gia! Cuối tháng 2/2013, lần đầu tiên, Bộ Môi trường Trung Quốc đã phải thừa nhận sự tồn tại của những ngôi làng ung thư; và trước đó vài tuần, tình trạng không khí ô nhiễm nghiêm trọng tại một loạt thành phố Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, đã xuất hiện trên trang nhất nhiều tờ báo thế giới.

Trẻ em tại nhiều vùng quê ở Trung Quốc phải uống nước từ những nguồn như thế này

Ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc đã bức bách và gây phẫn nộ đến mức người ta buộc phải cho xả một số thông tin, vốn được xem là “tiêu cực” và “nhạy cảm”, như một giải pháp tình thế mang tính trấn an. Đó là lý do độc giả Trung Quốc lần đầu tiên mới biết những chuyện đại loại như gia đình bà Triệu Phi Hồng, Giám đốc Viện Y tế cộng đồng và Nước sinh hoạt Bắc Kinh, chưa bao giờ dám dùng nước máy để đun uống, pha trà hay nấu cơm trong suốt… 20 năm qua, mà thay vào đó là dùng nước đóng chai! (globaltimes.cn, 15/1/2013).

Cuộc thăm dò năm 2005 tại 509 thành phố cho biết, chỉ 23% nhà máy có hệ thống xử lý nước thải. Một báo cáo cho thấy thêm, hiện tại, 1/3 lượng nước thải công nghiệp cùng 2/3 nước thải gia đình đều được tống thoải mái ra môi trường tự nhiên. Sông Dương Tử - một trong những huyết mạch sống còn đối với nước nông nghiệp lẫn nước sinh hoạt - đã gồng mình lãnh 40% lượng nước thải của toàn Trung Quốc và 80% trong số đó tất nhiên chưa được xử lý. Dòng Hoàng Hà - nơi cung cấp nước cho hơn 150 triệu người và 15% đất nông nghiệp Trung Quốc - cũng chứa 2/3 lượng nước không an toàn cho sinh hoạt

Tại sao Trung Quốc bất lực với ô nhiễm môi trường? Muốn giải quyết môi trường, vấn đề không chỉ nằm ở những hoạch định kế sách phát triển kinh tế, trong đó yếu tố bảo vệ môi trường không được loại bỏ khỏi những tham vọng chỉ tiêu mà còn phải rà soát và chấn chỉnh lại nạn tham nhũng, trong đó có tình trạng doanh nghiệp hối lộ giới chức địa phương để dự án được thông qua và tình trạng viên chức bảo vệ môi trường ngửa tay nhận đút lót.

Cuối năm 2009, Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc tiết lộ, từ năm 2001 đến 2007, khoảng 59 triệu USD được chi cho các chương trình bảo vệ nguồn nước và làm sạch 3 con sông lớn cùng 3 con hồ lớn đã bị biển thủ bởi giới chức phụ trách bảo vệ môi trường tại các địa phương. Đó là chưa kể 661 triệu USD bị đánh cắp, bị “dùng sai mục đích” hoặc chưa bao giờ được dùng (Washington Times, 12/11/2009).

Chính phủ trung ương từng chi khoảng 1,3 tỉ USD trong 7 năm để làm sạch các dòng Liêu Hà, Hoài Hà và Hải Hà, cùng Thái Hồ, hồ Điền Trì (còn gọi là hồ Côn Minh) và Sào Hồ. Với ngân sách lớn như vậy, giới chức bảo vệ môi trường đã thi nhau “đục”. Họ đã biến thành những con kền kền rỉa cái xác thối của môi trường! Sau 5 năm, tình trạng ô nhiễm Thái Hồ lại ở cấp độ IV vào năm 2012 và có thể chuyển sang cấp độ V trong năm 2013 để lại được cấp ngân sách làm sạch! Trong một vụ cụ thể tại tỉnh Cát Lâm, một chánh thanh tra môi trường ở thành phố Tứ Bình đã bị kết án hai năm tù tội biển thủ 17.000USD tiền thuế môi trường.

Cảnh sát môi trường - nghề hốt bạc

Ở Trung Quốc, “cảnh sát môi trường” là một trong những nghề dễ hốt bạc nhất. Địa phương nào càng ô nhiễm nặng thì họ càng dễ “làm luật”. Họ chẳng cần biết rằng, tại nước họ, có đến 43% dân số phải đi bộ gần 2km mới kiếm được nước sạch. Họ không cần quan tâm những thông tin đại loại trong 500 thành phố lớn nhất Trung Quốc, không đến 1% là đáp ứng chuẩn môi trường của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nơi bị ô nhiễm nặng nhất là Bắc Kinh (Nam Đô nhật báo, 29/2/2013).

Họ đã miễn nhiễm với những hàng tin như: Tháng 9/2012, theo Bộ Y tế Trung Quốc, tỷ lệ trẻ sơ sinh dị tật năm 2011 đã tăng lên 1,53% so với 1,09% năm 2000 và 0,87% năm 1996 (China Daily, 22/2/2013)… Hơn 4.000 nhà máy, 200 mỏ than và gần 3.000 giếng dầu tiếp tục gây ô nhiễm khi tống hơn 387.600m3 chất thải cực độc vào những con sông lớn mỗi ngày đã vô hình trung trở thành những “bầu sữa ngọt” đối với “cán bộ môi trường” hủ hóa. Với 10.000USD, chúng sẵn sàng cấp ngay giấy chứng nhận an toàn môi trường cho ai có nhu cầu (zimbio.com, 7/3/2012).

Và bởi cái xấu đã trở thành “hệ thống”, nạn tham nhũng trong giới chức bảo vệ môi trường Trung Quốc cũng “tiến hóa” đến giai đoạn của “tham ô có hệ thống”, khi giới chức bảo vệ môi trường địa phương cấp quận phải “cúng” cho “mấy anh” bảo vệ môi trường cấp tỉnh rồi cấp tỉnh cũng phải “biết điều” với cấp thanh tra trung ương. Hơn ai hết, là “dân trong nghề”, họ biết rõ địa phương nào đang có “vấn đề” về môi trường. Cán bộ cấp dưới do vậy không thể qua mặt cấp trên. Tóm lại là họ biết tỏng lẫn nhau và để cùng tồn tại, họ đã thiết lập, bất thành văn, một hệ thống chung chi cho nhau. Cuối cùng, chỉ có người dân là chịu thiệt!

Trong khi đó, việc kiểm tra trong nhiều trường hợp chỉ thực hiện chiếu lệ, cốt để có hồ sơ “báo cáo lên trên”. Cái “mánh” phổ biến nhất là chỉ hớt trên mặt nước để đo nồng độ ô nhiễm, dù người có kiến thức hạn chế cũng biết rằng, những hóa chất độc hại và chất gây ung thư thường kết tủa và lắng sâu bên dưới, nơi sinh đẻ của hàng ngàn loại cá, những loại thủy sản sẽ hiện diện trên hàng triệu bàn ăn khắp Trung Quốc với khoảng 300 tấn/ngày.

Wall Street Journal (1/2/2013) cho biết, một trong những sự kiện tham nhũng trong giới chức bảo vệ môi trường gần đây đã xảy ra tại thành phố Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô. Theo báo chí Trung Quốc (mà phiên bản báo mạng của những tờ này phải lột bài không lâu sau khi xuất hiện), hơn 30 viên chức địa phương và cán bộ môi trường tại Nam Thông đã dính vào đường dây hối lộ để bao che cho những trường hợp vi phạm bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm từ bộ máy tổ chức

Tại sao Trung Quốc bất lực với ô nhiễm môi trường? Ngoài vấn đề tham nhũng, còn nữa là chuyện ô dù. Một trong những sự kiện mới nhất có thể kể đến vụ bê bối ở thành phố Hàm Đan (tỉnh Hà Bắc). Theo New York Times (2/3/2013), vụ việc bắt đầu khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt ở một con sông, khiến giới chức địa phương yêu cầu dân chúng ngưng dùng nước máy, dẫn đến sự hỗn loạn xã hội nghiêm trọng. Nguyên nhân là vụ tràn hóa chất của Công ty Phân bón Thiên Tích nằm ở thượng nguồn, thuộc thành phố Trường Trị (tỉnh Sơn Tây), bắt đầu xảy ra vào ngày 31/12/2012, gây ảnh hưởng ít nhất 28 ngôi làng và loạt thành phố có cư dân hơn một triệu, trong đó có Hàm Đan.

Một con sông ô nhiễm khủng khiếp tại Quý Tự, Quảng Đông (ảnh của nhiếp ảnh gia Trung Quốc Lô Quảng)

Kết quả điều tra được Tân Hoa Xã công bố ngày 20/2/2013 cho biết, một ống dẫn bị “lỗi” đã gây ra vụ rỉ khoảng 39 tấn aniline (chất gây ung thư) từ Nhà máy Thiên Tích, tràn vào dòng Trọc Chương rồi đổ vào dòng Chương Hà dẫn đến tỉnh Hà Bắc lẫn Hà Nam. 39 nhân vật liên quan, trong đó có Thị trưởng thành phố Trường Trị, Trương Bảo đã bị mất ghế.

Khảo sát riêng của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) Đông Á cho biết thêm, có đến 100 nhà máy than - hóa chất nằm ở thượng nguồn dòng Trọc Chương. Nội việc những nhà máy này ngốn nước sông đã gây ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng. Những nhà máy lớn như Thiên Tích dùng đến 2.000-3.000 tấn nước/giờ - tương đương lượng nước mà hơn 300.000 người dùng trong một năm! Sau khi “uống cạn” nước sông, Nhà máy Thiên Tích lại xả ra hơn 6 triệu tấn nước thải/năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực hạ lưu trong đó có Hàm Đan.

Hội Bơi lội mùa đông Hàm Đan đã kiện Thiên Tích vào ngày 9/1/2013, đòi bồi thường hơn 3 triệu USD, nhưng nhà chức trách Hàm Đan sau đó yêu cầu Hội Bơi lội rút đơn kiện. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ, người đang ngồi ghế quyền Tỉnh trưởng Sơn Tây, nơi có thành phố Trường Trị, nơi có Nhà máy Thiên Tích, lại là Lý Tiểu Bằng, con trai của “đại lão tiền bối” Lý Bằng!

Chính phủ trung ương Trung Quốc đang tiến hành kế hoạch đại quy mô với việc đào một hệ thống dẫn thủy khổng lồ để đưa nước vượt khoảng 1.800km từ các tỉnh phía nam lên phía bắc cung cấp cho thủ đô lẫn 17 thành phố lớn khác. Khi hoàn thành, dự án có thể cung cấp nước ngọt cho hơn 300 triệu gia đình. Vấn đề ở chỗ, nguồn nước ngọt tại các tỉnh phía nam hiện ô nhiễm trầm trọng và Bắc Kinh vẫn chưa có giải pháp để làm sạch nguồn nước trước khi đưa lên phía bắc.

Như vậy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước khắp lãnh thổ Trung Quốc chắc chắn ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, như đã nói, vấn đề bây giờ là cần làm sạch “nguồn” cán bộ bảo vệ môi trường, làm sạch nguồn máy tổ chức nói chung, thậm chí trước khi nghĩ đến việc làm sạch các nguồn nước!

Nguyễn Cao Trí