Tại sao Chánh án Iftikhar Mohammad Chaudhry nghỉ hưu?

18:18 | 02/01/2014

955 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Mohammad Chaudhry quyết định về hưu (12/12/2013, đúng sinh nhật lần thứ 65) khiến dư luận Pakistan cho rằng, Tòa án tối cao nước này đã mất đi người đứng đầu độc lập.

Ủy ban Quốc tế các Thẩm phán có trụ sở ở Geneva, Thụy sĩ cho rằng, nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Mohammad Chaudhry đã củng cố cho nhân quyền tại Pakistan. Sở dĩ nói như vậy vì ông Iftikhar Mohammad Chaudhry đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết lập tính độc lập của ngành tư pháp tại Pakistan và lãnh đạo một phong trào pháp lý trên toàn quốc trong việc lật đổ Tổng thống xuất thân từ quân đội Pervez Musharraf và đã thành công. Vì sự tỏa sáng của Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Mohammad Chaudhry nên người kế nhiệm sẽ vất vả cho dù ông Tassaduq Hussain Jilani được các quan sát viên pháp lý mô tả là một “nhà quý tộc”.

Bất tuân thượng lệnh

Khi đương nhiệm, ông Pervez Musharraf từng yêu cầu ông Iftikhar Mohammad Chaudhry từ chức, nhưng Chánh án Tòa án tối cao đã từ chối. Đây là sự chống đối chưa từng có tại Pakistan bởi trước đó ngành tư pháp luôn được coi ủng hộ quân đội. Chính vì sự bất tuân thượng lệnh của Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Mohammad Chaudhry nên Tổng thống Pervez Musharraf đã sa thải ông và hàng trăm thẩm phán khác bằng cách công bố tình trạng khẩn cấp.

Nhưng quyết định kể trên đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối trên toàn quốc. Sau đó, Tổng thống Pervez Musharraf thất bại trong cuộc bầu cử khiến nhà lãnh đạo này phải từ chức. Điều này đồng nghĩa với cuộc tranh đấu của Tối cao tối cao với quân đội và các cơ quan tình báo Pakistan đã có kết quả.

Ông Iftikhar Mohammad Chaudhry

Ngày 20/8/2013, tại thành phố Rawalpindi, gần thủ đô Islamabad, Tòa án chống khủng bố (ATC) ở Pakistan đã chính thức buộc tội cựu Tổng thống Pervez Musharraf có liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto cách đây hơn 6 năm (tháng 12/2007) và giới báo chí không được phép vào phòng xét xử. Đây là lần thứ hai ông Pervez Musharraf phải hầu tòa để đối mặt với những cáo buộc liên quan tới vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Việc kết án ông Pervez Musharraf được coi là động thái chưa từng có tiền lệ ở Pakistan bởi có một quy định bất thành văn rằng, các lãnh đạo xuất thân từ quân sự là bất khả xâm phạm.

Theo cáo buộc của công tố viên, ông Pervez Musharraf bị kết án với 3 tội danh: giết người, âm mưu giết người và tạo điều kiện thuận lợi cho hành động giết người. Luật sư Afshan Adil, người đại diện cho ông Pervez Mushrraf cho rằng, mọi vụ án chống lại cựu Tổng thống đều là dàn dựng.

Dư luận cho rằng, phiên tòa kể trên được tiến hành theo lệnh của Thủ tướng Nawaz Sharif bởi sau khi lên nắm quyền, ông đã chỉ đạo thành lập (27/6/2013) một ủy ban điều tra những tội trạng của ông Pervez Musharraf trong thời gian cựu Tổng thống cầm quyền. Và Chánh án Toà án tối cao Iftikhar Mohammad Chaudhry được coi là người trợ giúp đắc lực để đưa ông Pervez Mushrraf đứng trước vành móng ngựa.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Chaudhry Nisar, ủy ban kể trên gồm 4 thành viên là các quan chức cấp cao của Cơ quan Điều tra liên bang, có nhiệm vụ điều tra tính hợp hiến của lệnh tình trạng khẩn cấp mà ông Pervez Musharraf ban bố năm 2007 và lệnh quản thúc tại gia đối với một số thẩm phán đã từ chối tuyên thệ theo Lệnh Hiến pháp lâm thời. Được biết, dưới thời Chánh án Iftikhar Mohammad Chaudhry, Tòa án tối cao liên lục yêu cầu giới hữu trách tiết lộ tung tích của hàng trăm người bị mất tích do nhân viên an ninh giam giữ.

Những quyết định tạo dấu ấn

Hơn 4 năm trước (16/12/2009), quyết định của Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Mohammad Chaudhry được coi là phát súng khai hỏa cho những bất ổn trên chính trường Pakistan. Bởi theo quyết định kể trên, Tổng thống Asif Ali Zardari, Bộ trưởng Nội vụ Rehman Malik, Bộ trưởng Quốc phòng Chaudhry Ahmed Mukhtar cùng hơn 30 chính khách và 8.000 người khác (những đối tượng được hưởng lợi từ lệnh ân xá dưới thời cựu Tổng thống Pervez Musharraf) đứng trước những cáo buộc tham nhũng. Cách đây hơn 7 năm (3/6/2006), Toà án Tối cao từng ra lệnh bắt ông Asif Ali Zardari và bà Benazir Bhutto vì tội khai man tài sản trước Ủy ban bầu cử. Ông Asif Ali Zardari được xóa bỏ mọi cáo buộc tham nhũng, tạo điều kiện để tranh cử và trở thành Tổng thống sau thỏa thuận giữa cựu Tổng thống Pervez Musharraf với cố Thủ tướng Benazir Bhutto.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif

Cựu Tổng thống Asif Ali Zardari từng cam kết phục chức cho ông Iftikhar Mohammed Chaudhry trong vòng 30 ngày kể từ khi nhậm chức, nhưng việc này không diễn ra. Bởi khi đó đảng cầm quyền PPP lo ngại trước việc tái xuất chính trường của cựu Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Mohammed Chaudhry bởi ông là người quyết định cho phép ông Nawaz Sharif hồi hương sau gần 8 năm bị đảo chính và sống lưu vong.

Ngay sau quyết định hôm 16/12/2009 của Chánh án Tòa  án tối cao Iftikhar Mohammad Chaudhry, đảng đối lập Liên đoàn Hồi giáo Pakixtan-N (PML-N) đã yêu cầu Tổng thống Asif Ali Zardari từ chức. Ông Iftikhar Mohammad Chaudhry được Thủ tướng Yousuf Raza Gilani phục chức Chánh án Toà án tối cao hôm 21/3/2009 dưới sức ép của đảng PML-N. Và ông Nawaz Sharif đã đấu tranh không mệt mỏi để phục chức cho Chánh án Tòa án tối cao.

Với chiến thắng của đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N) tại cuộc tổng tuyển cử hôm 11/5/2013, ông Nawaz Sharif đã trở lại nắm quyền lần thứ 3. Từng bị thất sủng sau cuộc đảo chính quân sự tối 12/10/1999, bị bắt giam và sống lưu vong ở nước ngoài, nên ông Nawaz Sharif hiểu rõ những việc “cần làm ngay” sau khi trở lại nắm quyền. Theo giới truyền thông, tuy ông Nawaz Sharif không thể bỏ qua việc phải sống lưu vong sau cuộc đảo chính của ông Pervez Musharraf, nhưng Thủ tướng đương nhiệm không thể “muốn làm gì cũng được” cho dù quyết tâm “trả mối thù” đối với cựu Tổng thống Pervez Musharraf.

Mối quan hệ với Thủ tướng đương nhiệm

Tuy chỉ là Chánh án Tòa án tối cao, nhưng việc phục chức của ông Iftikhar Mohammed Chaudhry (21/3/2009) đã tạo ra một bước ngoặt mới trong lịch sử chính trường Pakistan bởi dòng họ và người có tên Chaudhry từng làm Tổng thống và Thủ tướng tại quốc gia Nam Á đầy biến động này. Mặc dù không thể trở thành Tổng thống và Thủ tướng, nhưng ông Iftikhar Mohammed Chaudhry đã giúp ông Nawaz Sharif trở lại nắm quyền.

Trước và sau khi ông Iftikhar Mohammed Chaudhry được phục chức, giới bình luận từng đưa ra nhiều cảnh báo và ông Nawaz Sharif đã tận dụng tối đa vấn đề này. Ngay sau khi được phục chức, ông Iftikhar Muhammad Chaudhry đã bắt tay vào việc nhằm giải quyết các vụ án tồn đọng. Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Mohammad Chaudhry là người quyết định cho phép ông Nawaz Sharif hồi hương sau gần 8 năm bị đảo chính và sống lưu vong. Quyết định này đã tạo điều kiện để ông Nawaz Sharif trở lại chính trường, trở thành Thủ tướng đương nhiệm.

Trong số 24 Thủ tướng, ông Nawaz Sharif là người nổi tiếng và tai tiếng nhất. Kể từ khi trở thành Thủ tướng thứ 12 của Pakistan (từ 6/11/1990), ông Nawaz Sharif luôn là “ngòi nổ” cho những cuộc tranh cãi trên chính trường. Tính đến nay, trong số 24 Thủ tướng mới có ông Nawaz Sharif tái cử nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp những chỉ trích từ phe đối lập. Ông Nawaz Sharif cũng là Thủ tướng chấp chính lâu nhất, là Thủ tướng được ca ngợi, ủng hộ nhiều nhất tại Pakistan.

Một trong những nguyên nhân khiến ông Nawaz Sharif được mọi người ca tụng bởi trong thời gian nắm quyền đã làm nhiều chuyện hiếm thấy tại Pakistan: dám cách chức Tổng thống, giành lấy quyền giải tán Quốc hội, cách chức Chánh án Tòa án Hiến pháp khi người này đề nghị mở lại cuộc điều tra trước những cáo buộc tham nhũng đối với mình (ngày 18/7/1993, ông Nawaz Sharif phải từ chức vì cáo buộc tham nhũng), cách chức người tiền nhiệm của cựu Tổng thống Pervez Musharraf...

Dư luận từng cho rằng, sau 9 năm cầm quyền (1999-2008), cựu Tổng thống Pervez Musharraf đã giúp dòng họ Bhutto có cơ hội tái xuất chính trường. Tuy không thể quay trở lại nắm quyền sau khi hồi hương, nhưng cái chết của bà Benazir Bhutto đã tạo điều kiện thuận lợi cho chồng lên nắm quyền - giúp cựu Đệ nhất phu quân Asif Ali Zardari trở thành Tổng thống. Đồng thời gián tiếp tạo điều kiện để ông Nawaz Sharif trở lại nắm quyền sau khi bị lật đổ năm 1999. Cựu Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Pervez Musharraf từng được Thủ tướng Nawaz Sharif đặc biệt trọng dụng, nhưng chính ông đã tiến hành cuộc đảo chính hôm 12/10/1999 để lên nắm quyền trong 9 năm (1999-2008).

Ông Iftikhar Muhammad Chaudhry sinh ngày 12/12/1948, là Chánh án Tòa án tối cao thứ 18 của Pakistan, được những người ủng hộ coi là “người đầu tiên trong lịch sử Pakistan chứng tỏ mình là Chánh án của nhân dân”. Có người từng lạc quan cho rằng, nếu tình hình biến chuyển theo chiều hướng có lợi thì ông Iftikhar Mohammed Chaudhry hoàn toàn có cơ hội nối nghiệp cha ông, lên nắm quyền trên cương vị Tổng thống hoặc Thủ tướng.

Sở dĩ nói như vậy vì dòng họ và người có tên Chaudhry làm Tổng thống và Thủ tướng khá nhiều. Ông Chaudhry Muhammad Ali là Thủ tướng thứ 4 (từ 12/8/1955 đến 12/12/1956). Ông Fazal Ilahi Chaudhry là Tổng thống thứ 5 (từ 13/8/1973 đến 16/9/1978). Ông Chaudhry Shujaat Hussain là Thủ tướng thứ 21 (từ 30/6/2004 đến 20/8/2004). Tuy chỉ làm Thủ tướng chưa đầy 2 tháng, nhưng trong những người mang dòng họ và tên Chaudhry, chỉ có ông Chaudhry Shujaat Hussain là còn sống, 2 người trước đều đã chết.


Quốc Tuấn - Khắc Dũng