Tái diễn căng thẳng Nga-Ukraina

09:54 | 10/12/2015

5,047 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quan hệ giữa Moskva và Kiev trong vài tháng qua bớt căng thẳng nhờ tình hình chiến sự tại miền đông Ukraina giảm nhiệt. Tuy nhiên, từ giờ cho đến hết tháng 12/2015, mối quan hệ này đang và sẽ tăng nhiệt trở lại.
tin nhap 20151210095040
Tổng thống Nga Putin đã lệnh cho Chính phủ đệ đơn kiện nếu Ukraina không trả nợ. Trong ảnh: Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraina tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vừa qua ở Paris, Pháp

Sau nhiều tuần im ắng, hôm 8/12, Moskva và Kiev lại bắt đầu cuộc đọ sức mới nhưng lần này trên vấn đề nợ nần của Ukraina.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của các kênh truyền hình Nga hôm qua, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố: "Tôi có cảm giác rằng Ukraina sẽ không trả nợ, bởi họ là những kẻ ăn cắp lừa đảo. Họ từ chối hoàn trả tiền, còn các đối tác phương Tây của chúng ta không những không giúp giải quyết mà còn cản trở việc thanh toán nợ".

Theo ông Medvedev, nợ của Ukraina với Nga là vấn đề chủ quyền và nhất thiết phải hoàn trả. Nhưng IMF từ lâu vẫn giữ lập trường không rõ ràng. "Đây là chuyện hết sức nhảm nhí, là sự dối trá trắng trợn" - Thủ tướng  Medvedev nhận xét.

Cũng trong ngày hôm qua, IMF đã đưa ra chuẩn mực, cho phép chính quyền Ukraina “xù nợ” công mà không bị trừng phạt.

Phản ứng trước quyết định trên, ông Medvedev tuyên bố đó là một âm mưu chính trị và cảnh báo rằng Nga sẽ đòi hoàn trả nợ thông qua Tòa án Quốc tế.

Nếu Kiev từ nay đến ngày 20/12/2015 không trả nợ Nga 3 tỷ USD thì Nga tuyên bố Ukraina quỵt nợ. Giới phân tích cho rằng nếu bị tuyên bố “xù” nợ như vậy, Ukraina sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi vay tiền thị trường tài chính quốc tế, trong đó đặc biệt là Ukraina sẽ không nhận được các kế hoạch trợ giúp vay vốn từ IMF.

Trong một phản ứng mới nhất, ngày 9/12, Tổng thống Putin ra lệnh kiện Ukraina vì khoản nợ 3 tỷ USD. “Đã bốn năm rồi – quá đủ để giảm thiểu những rủi ro. Tôi không thể hiểu nổi. Do đó, tôi cho phép kiện Ukraina”- ông Putin nói. Đây là khoản nợ mà Moskva đã cho Kiev vay vào năm 2013, khi cựu Tổng thống Victor Yanukovich còn nắm quyền.

Giải thích nguyên nhân sâu sa dẫn đến việc tái diễn căng thẳng trên, giới quan sát cho rằng Moskva tăng áp lực với Kiev như vậy để tỏ thái độ với việc thỏa thuận Ukraina là thành viên liên kết của Liên minh châu Âu chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 31/12.

Chính thỏa thuận này cách đây 2 năm là nguồn cơn làm bùng phát khủng hoảng Ukraina, dẫn đến cuộc nội chiến ly khai liên miên và bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters