"Sức nóng" trước thềm Kỳ họp thứ 4

16:12 | 05/10/2022

2,915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10. Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét nhiều nội dung lớn, quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh. Cử tri và nhân dân cả nước đang mong chờ những quyết sách đúng- trúng- kịp thời của Quốc hội.

Điều gì sẽ được quyết định tại Kỳ họp thứ 4?

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành thông báo số 1460/TTKQH-TK về việc triệu tập Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Kỳ họp Quốc hội

Như vậy, chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức diễn ra. Theo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án quan trọng luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.

Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).

Nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Quốc hội cũng sẽ xem xét công tác nhân sự; quyết định vấn đề quan trọng khác (nếu có) và xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Khó nhất, được mong chờ nhất

Sau nhiều lần cho lùi cho hoãn, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian trình đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong 7 dự án luật được cho ý kiến lần đầu có dự án luật rất quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Chủ tịch Quốc hội lưu ý các các cơ quan của Quốc hội cần khởi động ngay việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp thứ 4. Cần tổ chức rất nhiều tọa đàm, hội thảo về các dự án luật sẽ trình Quốc hội, nhất là với các luật rất khó như Luật Đất đai (sửa đổi).

Chính phủ cũng đang rốt ráo chỉ đạo các cơ quan tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hàng loạt sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn lớn, nhỏ… từ trung ương đến địa phương được tổ chức xung quanh các nội dung của dự thảo Luật quan trọng này. Thềm Kỳ họp thứ 4 đang nóng lên với hàng ngàn ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội… đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hướng tới một bộ luật hiệu quả, minh bạch, công bằng…

Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022

Tiêu biểu tại Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022 do Quốc hội tổ chức vừa qua đã dành hẳn một Phiên hội thảo chuyên đề để bàn về chủ đề: “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”. Có thể nói đây là một dự án luật dành được sự quan tâm hết sức đặc biệt của dư luận. Trường hợp dự án Luật được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua Luật, có nghĩa là đạo luật quan trọng này có thể được thông qua vào giữa năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Hiếm có dự án Luật nào lại nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng như vấn đề về đất đai. Có đến 4 Nghị quyết của Đảng và một Kết luận của Bộ Chính trị đề cập vấn đề về sửa đổi Luật Đất đai. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, sửa Luật Đất đai là khó nhất, nhưng cũng được trông đợi nhất, cần huy động sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, các lực lượng khác trong xã hội.

Thạc sĩ Trương Đắc Bình, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam dưới góc độ doanh nghiệp chia sẻ, tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa họ có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Ngược lại, nếu không tiếp cận được tín dụng, thì nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tài sản mới. Rất nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi việc sửa đổi Luật Đất đai, với kỳ vọng sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật.

Thạc sĩ Trương Đắc Bình, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được cử tri kỳ vọng, mong chờ nhiều nhất đó là việc bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, thế nào là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường là một câu hỏi tương đối khó trả lời. Theo ông, việc này không đơn giản, phải căn cứ vào kết quả đấu giá đất của Nhà nước và các giao dịch thành công trên thực tế để xác định mức giá phổ biến. Tuy nhiên, cần lưu ý kết quả đấu giá đất trong nhiều trường hợp là giá ảo, thổi giá. Ngoài ra, để có dữ liệu về giá đất đối với giao dịch thành công, cần quy định các giao dịch bất động sản phải được thực hiện qua sàn giao dịch. Tuy vậy, giới chuyên gia cũng cho rằng, việc xác định theo giá thị trường cũng có 2 mặt đó là có thể thu được nhiều thuế hơn từ đất nhưng khi thực hiện đền bù thì điều này cũng sẽ làm tăng chi phí đầu tư, xây dựng lên rất nhiều, khiến lợi thế về đầu tư không còn hấp dẫn và chuyển thành trở ngại cho sự phát triển.

Cũng tại Kỳ họp này, liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương đối với khu vực công, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại. Tuy nhiên, nhận định đây là vấn đề cấp thiết, do đó, tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian bàn về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được, nên chăng cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở. Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới…

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam

[PetroTimesMedia] Đoàn phóng viên chuyên trách Quốc hội đến thăm và làm việc tại Vietsovpetro[PetroTimesMedia] Đoàn phóng viên chuyên trách Quốc hội đến thăm và làm việc tại Vietsovpetro
Phân cấp cụ thể, minh bạch, rành mạch về trách nhiệmPhân cấp cụ thể, minh bạch, rành mạch về trách nhiệm
[PetroTimesMedia] Chủ tịch Quốc hội lo bất cập khi hợp đồng dầu khí nhiều cấp phê duyệt[PetroTimesMedia] Chủ tịch Quốc hội lo bất cập khi hợp đồng dầu khí nhiều cấp phê duyệt

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc