Sự thực về kinh tế Triều Tiên

06:55 | 26/02/2014

15,584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, nhiều người chỉ biết đến Triều Tiên qua những thông tin về nạn đói, người tị nạn và những vụ tử hình thảm khốc. Tuy nhiên, trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 2/2014, tác giả là Giáo sư Patrick Maurus, thuộc Viện Nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh phương Đông tại Paris đã cung cấp một góc nhìn khác về đất nước bí ẩn nhất thế giới. Hóa ra, nền kinh tế của nước này cũng không quá ảm đạm như người ta tưởng.

Năng lượng Mới số 299

Vụ xử tử nhân vật quyền lực số 2 của Bình Nhưỡng - ông Jang Song-thaek vào cuối năm ngoái thường được truyền thông phương Tây tuyên truyền như là một cuộc thanh trừng nội bộ giữa hai phe bảo thủ và đổi mới ở Triều Tiên. Tuy nhiên, theo Giáo sư Patrick Maurus, cuộc chiến quyền lực ở Bình Nhưỡng là giữa những nhà cải cách có tầm nhìn khác nhau về tương lai đất nước.

Sau một chuyến đi đến Triều Tiên, điều khó khăn nhất với vị chuyên gia khu vực, tác giả của cuốn sách “La Corée dans ses fables” này chính là truyền đạt những tiến bộ kinh tế gần đây ở Bình Nhưỡng với thế giới bên ngoài. Theo ông Maurus, tình hình đã dần được cải thiện trong những tháng gần đây và thậm chí, kinh tế đang có những bước phát triển tăng tốc. Hàng hóa đã chất đầy trên các kệ trong cửa hàng. Điện cũng đã về tới vùng ngoại ô. Cư dân ở các thành phố trên toàn quốc đều được làm kinh doanh. Thương mại đang phát triển dọc theo biên giới với Trung Quốc. Các đặc khu kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.

Hàng hóa được bày bán trong các quầy hàng lưu niệm trên đường phố Triều Tiên khá phong phú

Có thể nói, Triều Tiên đang rất tích cực đổi mới và những “sự cố” xảy ra gần đây là hậu quả của sự xung đột giữa một bên là những người “đổi mới theo kiểu Trung Quốc”, tức là làm kinh tế thị trường với một đảng lãnh đạo và một bên là những người thuộc thế hệ cũ. Họ ủng hộ cải cách nhưng phản đối việc bị mất quyền lực.

Trên bình diện kinh tế, Triều Tiên không quá nghèo nàn và khép kín như người ta tưởng. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Triều Tiên chiếm 67,2% tỷ lệ nhập khẩu của nước này, từ Hàn Quốc là chiếm 19,4% và từ Liên minh châu Âu (EU) là 3,6%. Hàng xuất khẩu của Triều Tiên đi Trung Quốc chiếm 61,6%, đi Hàn Quốc chiếm 20% và đi EU chiếm 4%. Danh sách các đối tác kinh tế quan trọng đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… ngày càng dài ra.

Trong lĩnh vực năng lượng, Triều Tiên đã có bước khởi động đầu tiên. Nhờ vào sự giúp đỡ của Hàn Quốc, Nhật Bản và nhất là Trung Quốc, Triều Tiên đã tiến hành khai thác các mỏ dầu, ở các vị trí khoan mới, được mở về phía tây nam Sinuiji, gần biên giới Trung Quốc. Nhiều đập nhỏ cũng được xây dựng. Triều Tiên đã tái lập cơ sở năng lượng của mình - một bước quan trọng đầu tiên làm tiền đề cho phát triển công nghiệp - mặc dù việc này đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

Đòn bẩy thứ hai của chế độ là cải cách nông nghiệp. Theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Triều Tiên, công việc khó khăn nhất đã được thực hiện. Nông dân đã có thể giữ lại sản phẩm mình làm ra để lo cho gia đình và bán ra thị trường thay vì nộp lại toàn bộ cho nhà nước và hưởng theo chế độ phân phối. Nạn đói ở Triều Tiên đang dần được giải quyết. Nhưng các tổ chức này lại không dễ thuyết phục các cơ quan quốc tế rằng, việc giao hàng thực phẩm cứu trợ cho người dân Triều Tiên nên được chấm dứt từ giờ để không làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đồng thời nên được thay bằng cơ chế hợp tác như ở các nước đang phát triển khác.

Việc thành lập các doanh nghiệp tư nhân có thể khó khăn hơn bởi quá nhiều người Triều Tiên vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Và mặc dù sản xuất lương thực, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống vẫn còn yếu nhưng hầu hết các sản phẩm cần thiết như: quần áo, đồ điện tử, trang sức, điện thoại di động, xe đạp… đều có đủ trong các cửa hàng lớn ở Bình Nhưỡng. Giá của chúng cũng không quá cao và nhiều người có thể mua được. Mặt khác, cửa hàng không còn chỉ dành cho các nomenklatura (tầng lớp tân quý tộc) khi chính sách giao dịch ngoại tệ được nới lỏng, có thể đổi được ngoại tệ trong tất cả các cửa hàng lớn và khách sạn.

Đó là chưa kể  Triều Tiên đã có trong tay 3 đặc khu kinh tế. Hàn Quốc dù đang xích mích với miền Bắc, nhưng lại là nhà cung ứng và bạn hàng thứ hai của Triều Tiên. Đặc khu kinh tế Kaesong cũng là một biểu hiện quan trọng cho quan hệ hợp kinh tế Nam - Bắc. Còn ở vùng ranh giới giáp với Trung Quốc, thương nhân Triều Tiên hoạt động sôi nổi ở hai thành phố Đan Đông và Diên Cát của hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm. Bên cạnh đó, các thành phố Trung Quốc, hơn bao giờ hết, đang thích ứng nhanh chóng với nhu cầu khuyến khích đầu tư, phát triển, mở rộng giao lưu kinh tế của Bình Nhưỡng. Ở Đan Đông, một đại lý du lịch cho biết, mỗi năm, họ tổ chức tour du lịch cho khoảng 4.000 du khách Trung Quốc. Điều này không xuất phát từ mục đích gì hơn là việc Bình Nhưỡng đang tìm cách kiếm tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế.

Đời sống tinh thần của người dân Triều Tiên cũng có những thay đổi đáng kể. Ngoài các kênh truyền hình nhà nước, phát sóng 12 giờ đồng hồ/ngày, từ năm 2013, người Triều Tiên đã có thêm một kênh truyền hình mới để lựa chọn - kênh Mansudae. Kênh phát sóng 10 giờ/ngày và vào các ngày thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật có chương trình chiếu nhiều bộ phim nước ngoài, thường là của các nước Đông Âu thuộc Liên Xô (cũ) và thể thao. Không có diễn giả, không có tin tức và không có truyền hình các buổi lễ trọng đại của nhà nước. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất là vào đêm Chủ nhật có chương trình chiếu các bộ phim tài liệu của các kênh nước ngoài. Vào tháng 10 năm ngoái, truyền hình Triều Tiên thậm chí đã phát sóng tin tức về cuộc bầu cử ở Đức, cuộc chiến giành giật Ukraine của Nga và phương Tây, vụ khủng bố con tin ở Kenya, các cuộc tấn công ở Iraq, đua motor ở Frankfurt… Rõ ràng, bây giờ, Triều Tiên không thể được coi là không biết gì về phần còn lại của thế giới nữa!

Theo nhận định của Giáo sư Maurus, trong tương lai, Triều Tiên thậm chí có trở thành “con rồng nhỏ” của châu Á nếu cứ tiếp tục đà cải cách này và đồng thời, thiết lập được “một nhà nước hiện đại”. Tuy nhiên, khó khăn đối với chế độ Bình Nhưỡng không chỉ có kinh tế mà còn cả về mặt ý thức hệ và pháp lý. Dù kinh tế Bắc Triều Tiên có vẻ đang được cải cách và đang phát triển, thế nhưng nó chỉ diễn ra trong thực tế đời sống, còn trên phương diện chính thức về ý thức hệ thì nhà cầm quyền chưa biết đặt tên cho nền kinh tế của mình là gì, tức là chưa thể cho nó một “danh phận” thật sự.

Linh Linh