Sự đeo bám của lịch sử

07:10 | 20/08/2015

1,552 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 15-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) đã bày tỏ sự bất bình trước việc 3 Bộ trưởng thuộc nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến thăm đền Yasukuni, nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tinh thần Nhật Bản

Tinh thần Nhật Bản

15-8-2015 là cột mốc tròn 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng đồng minh. Khắp nước Nhật vẫn còn nạn đói. Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles từng nói, Nhật không thể kỳ vọng trở thành nhà xuất khẩu cho thị trường Mỹ vì “họ không làm được những thứ chúng ta cần”.

Thủ tướng Shinzo Abe tuy không đến đền Yasukuni, nhưng có gửi đồ lễ và cử phụ tá là nghị sĩ Koichi Hagiuda tới viếng thay.

Trước đó (14-8), trong bài phát biểu nhân dịp 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Thủ tướng Nhật Bản tuy bày tỏ “nỗi đau cùng cực” về “những tổn hại và đau khổ không thể đo được” mà Tokyo từng gây ra trong thời kỳ chiếm đóng các nước châu Á, nhưng ông Shinzo Abe cũng nhấn mạnh, các thế hệ người Nhật Bản sau này không cần phải tiếp tục xin lỗi về những sai trái trong quá khứ.

Ngoài ra, ông Shinzo Abe cũng không trực tiếp đề cập tới vấn đề “phụ nữ mua vui”, chỉ khẳng định “chúng tôi sẽ khắc ghi quá khứ, khi phẩm giá và danh dự của nhiều phụ nữ bị tổn hại nghiêm trọng”. Và bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe đã nhận được những phản ứng khác nhau.

Sự đeo bám của lịch sử
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh)

Ngày 15-8, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã hoan nghênh bài phát biểu của ông Shinzo Abe - nó giúp các nước khác dễ chấp nhận cam kết của Nhật Bản cho một tương lai tốt đẹp hơn; đồng thời cho rằng, lời xin lỗi của Thủ tướng Nhật Bản được xây dựng trên những tuyên bố của chính phủ tiền nhiệm.

Cũng trong ngày 15-8, tờ Japan Times dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Ned Price cho biết, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đồng tình với Thủ tướng Nhật Bản khi ông Shinzo Abe bày tỏ sự hối lỗi sâu sắc về những gì Tokyo đã gây ra trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Không chỉ thể hiện sự ủng hộ, Mỹ còn đánh giá cao về những đóng góp của Nhật Bản trong 70 năm qua. Trong khi đó tờ Wall Street Journal không đánh giá cao bài phát biểu của ông Shinzo Abe, thậm chí còn coi đó là “thông điệp đầy thách thức”.

Tân Hoa xã, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) và Yonhap đều cảm thấy thất vọng đối với phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe.

KCNA coi bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản là “một sự nhạo báng không thể tha thứ đối với nhân dân Triều Tiên” và những lời lẽ của ông Shinzo Abe “không phải là một sự thú nhận và xin lỗi thành thật”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại đã bày tỏ lập trường của Trung Quốc với Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe.

Theo đó, Nhật Bản cần đưa ra lời giải thích rõ ràng về tính chất, cũng như trách nhiệm của quân phiệt Nhật trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đưa ra lời xin lỗi chân thành đối với nhân dân các nước bị hại, đoạn tuyệt với lịch sử xâm lược, không được đưa ra bất cứ sự che đậy nào trong vấn đề quan trọng này.

Sự đeo bám của lịch sử
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

Ngày 15-8, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye coi tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe chưa được như Seoul mong đợi và Tokyo cần phải có những hành động chân thành để hỗ trợ những cam kết của mình.

Đồng thời nhấn mạnh, Nhật Bản cần giải quyết “càng sớm càng tốt” vấn đề phụ nữ châu Á bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh. Trước đó (14-8), Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã kêu gọi Nhật Bản có “hành động chân thành” đối với vấn đề lịch sử.

Ngày 3-8, Hãng Kyodo cho biết, khi tiếp Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), ông Katsuya Okada, bà Park Geun-hye đã hối thúc Thủ tướng Shinzo Abe kế thừa quan điểm đúng đắn về lịch sử từng được thể hiện trong những tuyên bố của các chính phủ trước đó.

Nhưng trước đó (30-7), trang DongA.com dẫn tuyên bố của bà Park Geun-ryong, em gái Tổng thống Park Geun-hye, nguyên Chủ tịch Quỹ Giáo dục Hàn Quốc cho rằng, “việc Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đòi Nhật Bản xin lỗi vấn đề trong quá khứ là không thỏa đáng”.

Bởi theo bà Park Geun-ryong, Nhật Bản đã chính thức xin lỗi 4 lần, bao gồm cả việc Thiên hoàng Hirohoto dù 90 tuổi cũng phải cúi đầu xin lỗi cựu Tổng thống Chun Doo-hwan. Đồng thời cho rằng, việc Hàn Quốc chỉ trích các chính trị gia Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni là "can thiệp vào công việc nội bộ của Nhật Bản".

Chính phủ Hàn Quốc chỉ phản ứng yếu ớt sau tuyên bố gây sốc của bà Park Geun-ryong.

Vẫn theo mạng DongA.com, ngày 14-8, Tổng thống Park Geun-hye đã bất ngờ quyết định thăm Trung Quốc đúng dịp Bắc Kinh tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai vào ngày 3-9, nhưng chỉ dự mít tinh, không xem duyệt binh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se từng tuyên bố, Seoul sẵn sàng đẩy mạnh nỗ lực hướng tới một chương mới trong mối quan hệ với Tokyo sau nhiều năm theo đuổi cách tiếp cận “chậm nhưng chắc".

Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết, Seoul và Tokyo sẽ nối lại các hoạt động giao lưu quân sự từ nửa cuối năm nay trong bối cảnh 2 bên nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.

Theo giới truyền thông, ngày 5-8, Vụ trưởng Vụ Chính sách quốc tế Yoon Soon-ku, Trưởng đoàn Hàn Quốc đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Atsuo Suzuki và đây là lần gặp thứ 21 giữa hai bên nhằm đánh dấu việc nối lại kênh đối thoại quốc phòng Hàn Quốc - Nhật Bản vốn bị gác lại từ năm ngoái do những bất đồng xung quanh vấn đề lịch sử và chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước.

Giới bình luận cho rằng, quan hệ Tokyo và Seoul cải thiện là nhờ sự can thiệp của Washington. Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kenichiro Sasae từng bày tỏ sự hài lòng về việc hợp tác giữa Seoul và Tokyo trong việc giải quyết những khác biệt về một trong những vấn đề từ thời kỳ chiến tranh. Đại sứ Hàn Quốc Ho Young-ahn cũng đưa ra nhận xét tương tự.

Washington muốn thấy 2 đồng minh thân cận nhất tại châu Á giải quyết những vấn đề lịch sử để 3 nước có thể đối phó hữu hiệu với những thách thức an ninh nghiêm trọng và hiện hữu trong khu vực này, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tờ The Korea Times từng dẫn lời Giáo sư danh dự Masao Okonogi của trường Đại học Keio cho rằng, quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản xấu đi có thể là “sản phẩm phụ” từ ảnh hưởng và tác động của Trung Quốc.

Tuấn Quỳnh

Năng lượng Mới 449