Sóng gió dồn dập giữa Trump và Kim Jong-un

10:19 | 26/05/2018

2,954 lượt xem
|
Sau một năm căng thẳng, lãnh đạo Mỹ - Triều dự kiến gặp nhau với triển vọng phi hạt nhân hóa trong kế hoạch đầy mơ hồ.  

Năm 2017, bầu không khí căng thẳng bao trùm bán đảo Triều Tiên với những cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ngay từ khi mới nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi Triều Tiên như một trong những vấn đề cấp bách nhất với chính sách đối ngoại của mình, khi nhấn mạnh "Triều Tiên là mối đe dọa với thế giới, là vấn đề của thế giới".

Trong khi đó, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo, thể hiện chương trình vũ khí của nước này đang đạt được những thành tựu đáng kể. Dù hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc, Triều Tiên vẫn kiên quyết phát triển hạt nhân. Họ dường như muốn thách thức trực tiếp Washington trong bối cảnh chính quyền của Trump còn non trẻ và vẫn đang trong quá trình xác định phương cách đối phó với Bình Nhưỡng.

Căng thẳng được đẩy lên đỉnh điểm khi vào ngày quốc khánh Mỹ 4/7/2017, Triều Tiên lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) xuống biển Nhật Bản. Giới phân tích và tình báo Mỹ nói rằng vũ khí đó có thể vươn đến Alaska.

Tháng 8/2017, Bình Nhưỡng dọa tấn công vào đảo Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ tại tây Thái Bình Dương, nơi có căn cứ quân sự của Mỹ. Trump đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với Triều Tiên, tuyên bố nước này sẽ phải hứng chịu "lửa và thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy" nếu còn tiếp tục đe dọa Mỹ. Những tuyên bố của ông gây lo ngại rằng Mỹ sẽ sử dụng phương án quân sự với Triều Tiên mặc dù các quan chức như ngoại trưởng hay bộ trưởng quốc phòng đều nhấn mạnh Washington ưu tiên giải pháp ngoại giao.

Liên Hợp Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên nhằm vào gas, dầu khí, dệt may, hải sản và các giao dịch tài chính, với mục tiêu cắt giảm một phần ba doanh thu xuất khẩu hàng năm trị giá ba tỷ USD của nước này. Dù Triều Tiên đã bị Liên Hợp Quốc trừng phạt từ năm 2006, nỗ lực lần này đáng chú ý vì Trung Quốc - đối tác kinh tế chính của Triều Tiên, cam kết sẽ thực hiện chúng.

Tháng 9/2017, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử uy lực nhất. Trump sau đó gọi Kim Jong-un là "người tên lửa", "gã điên muốn tự tìm đường chết" tại bài phát biểu đầu tiên của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông còn đe dọa "hủy diệt hoàn Triều Tiên" nếu họ tiếp tục thách thức giới hạn của Mỹ.

Hai tháng sau, Triều Tiên thử ICBM mới có thể vươn đến lục địa Mỹ. Hành động khiêu khích này được đánh giá là có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường, đặc biệt là nguy cơ Trump quyết định tung đòn tấn công phủ đầu vào Triều Tiên.

Bước ngoặt

Tuy nhiên, mọi điều thay đổi vào tháng 2/2018, trong bài phát biểu mừng năm mới âm lịch, Kim Jong-un thể hiện mong muốn giảm căng thẳng và xích lại gần Hàn Quốc. Triều Tiên cử phái đoàn tham gia Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc. Tại sự kiện này, vận động viên liên Triều cùng nhau diễu hành dưới một lá cờ bán đảo thống nhất. Em gái Kim Jong-un, Kim Yo-jong, là người dẫn đầu phái đoàn quan chức Triều Tiên, đánh dấu lần đầu tiên một người trong gia tộc họ Kim đến Hàn Quốc sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Triều Tiên chuyển lời mời gặp Trump qua quan chức Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ nhanh chóng đồng ý. Ngày 9/3, ông thông báo trên Twitter rằng Triều Tiên cam kết sẽ phi hạt nhân hóa nhưng nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì chính sách gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng thông qua các lệnh trừng phạt cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trump đã quá hấp tấp khi nhận lời mời và có thể rơi vào bẫy của Triều Tiên, trong khi một số người khác ca ngợi ông là người dám làm những điều đột phá so với các lãnh đạo tiền nhiệm.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đầu tháng 4 bí mật đến Triều Tiên gặp Kim Jong-un nhưng đến giữa tháng Mỹ mới công bố việc này. Trump cho biết Pompeo đã tạo dựng mối quan hệ tốt với Kim Jong-un và lạc quan về triển vọng của cuộc họp thượng đỉnh.

Ngày 21/4, Kim Jong-un tuyên bố dừng thử nghiệm tên lửa, hạt nhân, đánh sập bãi thử hạt nhân và tập trung vào phát triển kinh tế. Triều Tiên sau đó thể hiện một loạt dấu hiệu giảm căng thẳng. Cuộc họp lịch sử giữa Tổng thống Hàn Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự (DMZ) vào ngày 27/4 mở ra hy vọng chính thức kết thúc Chiến tranh liên Triều 1950 -1953. Về mặt lý thuyết, Hàn - Triều vẫn trong tình trạng chiến tranh vì giữa hai nước chỉ có thỏa thuận đình chiến chứ không có hiệp ước hòa bình.

Trong khi Bình Nhưỡng đang xích lại gần Mỹ và Hàn Quốc thì Trung Quốc được cho là lo ngại bị ngồi ngoài lề những nỗ lực này. Thực tế, dù Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Triều Tiên, quan hệ hai bên dần lạnh nhạt sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền vì chương trình vũ khí của nước này. Bắc Kinh dường như muốn thể hiện rằng mối quan hệ giờ đây đã được sửa chữa khi họ và Bình Nhưỡng liên tiếp tổ chức hai cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Kim Jong-un trong vòng 6 tuần, vào ngày 27/3 và 7/5. Kim Jong-un cũng muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của Bắc Kinh để gia tăng lợi thế trên bàn đàm phán với Trump.

Khi Kim Jong-un vừa trở về từ Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 9/5 đến Bình Nhưỡng gặp ông và đạt được thành công ngoại giao khi Triều Tiên đồng ý thả ba tù nhân Mỹ. Khác với những ngôn từ gay gắt trước đây, Trump dùng những từ có cánh để nói về Kim Jong-un, gọi ông là "người rất đáng kính trọng" và cảm ơn ông về việc trao trả công dân. Trump ngày 10/5 công bố cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra vào ngày 12/6.

Dù Triều Tiên có nhiều dấu hiệu tích cực, giới chuyên gia vẫn lo ngại về ý đồ của họ vì trong quá khứ nước này từng vài lần rút lại cam kết, khiến các nỗ lực phi hạt nhân hóa đổ bể. Họ cho rằng Triều Tiên khó có thể chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" như Mỹ mong muốn. Một số người nhận định Trump đang quá háo hức về việc gặp Kim Jong-un và có thể chấp nhận nhượng bộ Triều Tiên, mặc dù Tổng thống Mỹ khẳng định ông sẵn sàng bỏ về nếu cuộc đối thoại không đi đúng hướng mình mong muốn.

Đổi giọng

Khi chỉ còn hai tuần là đến ngày diễn ra cuộc gặp lịch sử, Triều Tiên đột ngột đổi giọng khi hủy một cuộc gặp cấp cao với Hàn Quốc để phản đối một cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Họ cũng dọa hủy họp Trump - Kim nếu bị Mỹ thúc ép từ bỏ hạt nhân. Bình Nhưỡng kịch liệt chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khi ông này nói rằng sẽ áp dụng "mô hình Libya" trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Từ lâu Bình Nhưỡng đã lo sợ có số phận giống Libya vì chưa đầy 10 năm sau khi Muammar Gaddafi từ bỏ hạt nhân, ông ta bị giết trong một cuộc nổi dậy được NATO hậu thuẫn.

Trump sau đó cố gắng xoa dịu Triều Tiên bằng cách tuyên bố sẽ không áp dụng mô hình Libya và hứa hẹn sẽ không lật đổ chính quyền Kim Jong-un. Tuy nhiên, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence lại làm Triều Tiên tức giận khi đe dọa sẽ áp dụng mô hình Libya nếu Kim Jong-un không chấp nhận đi đến một thỏa thuận. Bình Nhưỡng chỉ trích ông Pence "ngu ngốc và thiếu suy nghĩ" đồng thời dọa xem xét lại cuộc họp Trump - Kim.

Trong những ngày trước đó, Washington đã ngày càng nghi ngờ Bình Nhưỡng khi phái đoàn tiền trạm của Triều Tiên không đến dự cuộc họp lập kế hoạch tại Singapore. Quan chức Mỹ lo lắng rằng Trump sẽ bị bẽ mặt nếu kế hoạch họp được xúc tiến nhưng Kim cuối cùng không xuất hiện.

Với những nghi ngại này, Trump đã rất tức giận khi được thông báo về bình luận của Triều Tiên dành cho phó tổng thống Mỹ. Ông nhanh chóng tuyên bố hủy cuộc gặp dự kiến vào ngày 12/6 và viết thư cho Kim Jong-un, nói rằng "sự tức giận và thù địch công khai trong tuyên bố gần đây nhất" của Triều Tiên đã dẫn đến quyết định này. Đáp lại, Bình Nhưỡng cho biết họ vẫn cởi mở trong việc giải quyết vấn đề với Washington "bất kể theo cách nào và bất cứ lúc nào".

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, Trump lại nói rằng cuộc họp vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/6. Thực tế, ngay trong lá thư thông báo hủy họp, Trump để mở khả năng gặp Kim Jong-un khi viết: "Nếu ông đổi ý về hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất này, xin đừng chần chừ gọi điện hoặc viết thư cho tôi".

Vnexpress

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc