Sóng Biển Đông và sóng diễn đàn

07:00 | 09/06/2014

841 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Qua diễn đàn đối thoại Shangri-La vừa qua, Trung Quốc đã tự làm xấu đi hình ảnh của họ trên trường quốc tế.

Năng lượng Mới số 328

1. Đoàn cán bộ Quốc phòng, Quốc hội và học giả của Trung Quốc gồm 11 người dự Diễn đàn an ninh Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13 tại Singapore do Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Vương Quán Trung dẫn đầu.

Ngày cuối cùng của diễn đàn, ông Vương đã có bài phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể với những lời hoa mỹ, sáo rỗng về một Trung Quốc “yêu chuộng hòa bình, “hữu hảo” với láng giềng, chỉ “tự vệ” về mặt quân sự và theo đuổi con đường “phát triển hòa bình”. Ông dạy dỗ về công lý và bình đẳng giữa các quốc gia, đồng thời kêu gọi đối thoại, hợp tác thân thiện và xây dựng.

Trước khi đọc bài phát biểu ấy, ông Vương dành hơn 10 phút “trả đũa” những phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel mà ông này gọi là “khiêu khích” và “chĩa vào Trung Quốc”.

Ông Vương không thể đưa ra những dẫn chứng cụ thể nhằm bác bỏ một cách thuyết phục các chỉ trích của Nhật Bản và Mỹ nên ông bèn phủ nhận và quay ra công kích bằng những lời lẽ thiếu hẳn “tầm nhìn cường quốc”.

 Những lời lẽ hoa mỹ của ông Vương đã không thuyết phục được 400 đại biểu là học giả, nhà ngoại giao, quân sự đến từ hơn 30 quốc gia. Có đến gần 80% trong tổng số hơn 20 câu hỏi mà các đại biểu đặt ra như mũi tên hướng vào Trung Quốc. Các đại biểu đã yêu cầu ông Vương giải thích về tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò, cáo buộc của Bắc Kinh rằng Việt Nam “gây hấn và uy hiếp” giàn khoan Hải Dương - 981…

Nhưng để lảng tránh và câu giờ, ông Vương “chỉ chọn trả lời 1 hay 2 câu” với lý do thời gian hạn hẹp. Về đường lưỡi bò và Công ước Luật biển Liên hiệp quốc (UNCLOS), ông chỉ lặp lại những điều mơ hồ, vô nghĩa để biện minh rằng, Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 2.000 năm trước và UNCLOS chỉ có hiệu lực từ năm 1994 nên “không áp dụng được” đối với đường lưỡi bò. Ông Vương nêu quan điểm kỳ quái là UNCLOS “không áp dụng đối với các đảo và biển ở Biển Đông”. Phần lớn các chuyên gia thường xuyên dự Đối thoại Shangri-La thừa nhận “đây là phần đối thoại kịch tính nhất” họ từng thấy. Nữ thạc sĩ người Mỹ gốc Hoa Amy Chang từ Đại học Harvard nói: “Tôi tin là các lãnh đạo Trung Quốc không biết câu trả lời về đường 9 đoạn và họ cũng chẳng muốn trả lời trước thế giới. Điều đó tạo ra một khoảng trống cho sự nghi ngờ, mất lòng tin”.

Người Trung Quốc không biết có nhớ câu “Nói có sách, mách có chứng” hay không mà ở giữa một diễn đàn quốc tế như vậy lại cãi vã, không hề có chứng lý cụ thể để giải đáp cho thỏa đáng các câu hỏi của hàng chục đại biểu nêu ra? Giữa chốn ba quân, Trung Quốc lại cố tình lên giọng “nước lớn” hòng “Cả vú lấp miệng em” như vậy sao được! Với âm mưu độc chiếm Biển Đông, tự vẽ ra “đường 9 đoạn” rồi còn tự ý lập “vùng nhận dạng phòng không” để một mình thao túng luôn cả vùng trời trên đường 9 đoạn ấy, Trung Quốc đã động chạm đến quyền lợi không chỉ của các nước láng giềng mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lòng tham vô độ ấy của Trung Quốc khiến các nước bất bình và tạo nên bầu không khí sôi động tại diễn đàn. Cái kiểu cãi vã, không có căn cứ pháp lý như ông Vương khác gì kiểu cãi nhau ngoài chợ búa! Dư luận khắp thế giới một lần nữa nhìn thấy rõ hơn bản chất thâm căn cố đế của Trung Quốc là cậy thế nước lớn để “lấy thịt đè người”.

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề tranh chấp Biển Đông và đòi hỏi thực hiện COC lại được nhiều quốc gia lên tiếng để chất vấn Trung Quốc và đòi hỏi Trung Quốc phải giải trình trước diễn đàn như vậy. Cũng không phải các nước đứng hẳn về Việt Nam để đưa ra những chất vấn Trung Quốc trước hành động ngang nhiên đưa giàn khoan và hàng trăm tàu thuyền sang gây hấn trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam mà đó là thể hiện sự bất bình của các nước với hành động sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang chủ mưu và cố tình vi phạm.

Qua diễn đàn đối thoại Shangri-La vừa qua, Trung Quốc đã tự làm xấu đi hình ảnh của họ trên trường quốc tế.

2. Giữa lúc Biển Đông dậy sóng hơn một tháng nay, giàn khoan và hàng trăm tàu thuyền các loại của Trung Quốc vẫn ngày đêm lồng lộn chống phá lực lượng chấp pháp của Việt Nam ở Hoàng Sa thì Trung tướng Vương Quán Trung phát biểu tại diễn đàn an ninh Shangri-La về sự kiện này càng bộc lộ bản chất và âm mưu chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Điều đó càng thôi thúc chúng ta phải đề cao cảnh giác, củng cố quốc phòng và kiên trì đấu tranh để bảo vệ quyền và chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc lấn chiếm.

Sóng Biển Đông đã dội về tới diễn đàn Quốc hội. Và một thông tin mới nhất: Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo, Quốc hội dự kiến dành 16.000 tỉ đồng cân đối ngân sách năm 2013 để chi hỗ trợ cảnh sát biển, hỗ trợ các ngư dân bám biển và sẽ quyết định ngay tại kỳ họp này. Đó là nguồn cổ vũ động viên to lớn và kịp thời đối với ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển.

Ông Đỗ Văn Đương, đại biểu TP HCM ủng hộ mạnh mẽ dự kiến này và đề nghị, trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế xã hội tại kỳ họp này, cần có nội dung về các biện pháp giữ vững chủ quyền, trật tự xã hội. Cần thiết phải dành 16.000 tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa cho cảnh sát biển, kiểm ngư đang suốt ngày quần thảo với Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời, đại biểu Đương còn đề nghị tạm dừng các dự án liên quan đến nhu cầu sử dụng dân sự sắp tới; tạm dừng xây trụ sở mới của các bộ ngành, địa phương… Nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài để tập trung nguồn lực cho bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống, tôi sẽ không đi nước ngoài nữa”, ông Đương thẳng thắn nói.

Lời hứa chân thành của vị đại biểu TP HCM nhận được sự ủng hộ của nghị trường. Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cũng cho rằng 16.000 tỉ đồng dành riêng cho biển đảo là chưa đủ và đề nghị cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại…

Hơn một tháng nay, khí thế sôi sục của toàn dân cả nước hướng về biển đảo thể hiện tinh thần yêu nước bằng những việc làm cụ thể. Đó là tín hiệu đáng mừng!

Một thực trạng kéo dài từ lâu nay là ngư dân yêu biển, gắn bó với biển khơi nhưng kẹt nỗi không có kinh phí đầu tư đóng mới phương tiện đủ sức vươn khơi. Với hơn 1 triệu ngư dân, hàng nghìn tàu thuyền đánh bắt hải sản nhưng số lượng tàu có công suất 400 CV trở lên còn quá ít, hầu hết là tàu công suất nhỏ. Tàu vỏ sắt lại càng hiếm hơn. Như vậy làm sao bà con ngư dân đi biển xa, đánh bắt dài ngày và tham gia gìn giữ chủ quyền biển đảo được! Thực tế gần đây cho thấy, bên cạnh các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư làm nhiệm vụ chấp pháp thì ngư dân với những đoàn thuyền đánh bắt hải sản cũng thật sự là đội quân hùng hậu, sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Vì thế, chính sách hỗ trợ ngư dân sắp tới là biện pháp kịp thời, hợp lòng dân, sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả hơn trong nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền Tổ quốc.

Bùi Đức