Sắp có tắm máu ở Trung Đông?

13:00 | 05/01/2016

5,285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những đám cháy âm ỉ ở Trung Đông kéo dài từ nhiều thế kỷ qua do xung đột tôn giáo dai dẳng có nguy cơ bùng phát thành ngọn lửa lớn khi mà hai cường quốc khu vực, Iran và Arập Xê út, “dẫn theo” nhiều đồng minh lao vào nhau.
tin nhap 20160105125454
Người biểu tình Iran phản đối việc giáo sĩ Nimr al-Nimr bị Arập Xê út hành quyết, ngày 4/1/2015

Lửa đã cháy lan

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 2/1/2016 khi Arập Xê út tử hình 47 người bị phán xét là khủng bố. Điều đáng nói là trong đó có 5 người Hồi giáo dòng Shiite, gồm một giáo sĩ nổi tiếng. Arập Xê út là vương quốc Hồi giáo theo dòng Sunni, người Shiite ở đây chỉ là thiểu số. Còn tại Cộng hòa Hồi giáo Iran, người Shiite là đa số, Sunni là thiểu số. Có nhiều quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông mà dòng Shiite chiếm đa số, nhưng Iran lại là nước đầu tiên lên tiếng phản đối hành động trên của Arập Xê út vì nhiều lý do.

Chỉ vài giờ sau khi Arập Xê út hành hình 47 người, tối 2/1, người Iran đã xuống đường biểu tình chống Arập Xê út mà đỉnh điểm là họ đập phá đại sứ quán Arập Xê út tại Tehran và lãnh sự quán tại thành phố Mahshad. Ngay lập tức, Arập Xê út tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Hai ngày sau, Riyad tuyên bố cắt đứt luôn quan hệ thương mại và hàng không với Tehran. Cùng lúc, nhiều quốc gia đồng minh của Arập Xê út cũng thông báo cúp kênh ngoại giao hoạc hạ cấp quan hệ với Iran. Cụ thể ngày 4/1, Bahrain và Sudan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, còn Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất hạ cấp quan hệ ngoại giao với Tehran.

Phía bên Iran cũng lôi kéo được các đồng minh tham gia lên án hành động của Arập Xê út. Nhật báo có trụ sở tại Kuwat miêu tả vụ hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr của Arập Xê út là "tội ác". Muhammad Abd-al-Jabbar al-Shabbut, nhà báo của tờ Al-Sabah cho rằng: "Việc hành quyết giáo sĩ Al-Nimr sẽ phản tác dụng và đây chỉ nên là phương án cuối cùng". Cùng quan điểm, bài báo của Al-Adalah, Iraq, khẳng định: "Hành quyết Al-Nimr không giúp giảm căng thẳng tại Arập Xê út. Nó chỉ càng khiến bạo lực gia tăng". Báo Al-Thawrah của Syria, đả kích giới chức Arập Xê út: "Chế độ dưới sự quản lý của quốc vương al-Saud vi phạm quyền con người, kìm hãm tự do ngôn luận và quyền tự do cá nhân, đồng thời sử dụng biện pháp chặt đầu man rợ như thời Trung cổ".  Trong khi đó, Nasri al-Sayigh, phóng viên của báo Al-Safir, Leban, nhận định: "Những báo cáo về quyền con người ở Arập Xê út nổi bật là sự tàn bạo. Người dân của vương quốc này sống trong sự áp bức. Arập Xê út là vương quốc của bóng tối". Đây là những quốc gia hoặc có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số hoặc là địch thủ của Arập Xê út.

 Sở dĩ Arập Xê út phản ứng mạnh với Iran là vì cách Tehran xử lý khủng hoảng và những phát biểu của giới giáo chức nước này. Ngoại trưởng Arập Xê út khẳng định, nước này có quyền hành quyết giáo sĩ Al-Nimr vì cáo buộc “kích động, tổ chức các nhóm khủng bố, cung cấp vũ khí và tiền cho khủng bố”. Ông Al-Nimr, bị kết tội xúi giục bạo loạn và những tội khác vào năm 2014, cũng là một nhân vật lãnh đạo quan trọng trong những cuộc biểu tình của người Shiite hồi năm 2011 ở miền đông Arập Xê út. Ngoài ra Ryad còn cho rằng Tehran đã không kiểm soát người biểu tình để họ leo rào vào đập phá cơ sở ngoại giao của Arập Xê út, như vậy là vi phạm công ước quốc tế về ngoại giao đoàn. Ryad còn nặng lời nói đó là hành động bao che khủng bố của Tehran. Về phần mình, chính quyền Iran lên tiếng chỉ trích những người biểu tình trong nước nhưng lại cho rằng những người bị xử tử thực chất là thành phần đối lập ở Arập Xê út và họ bị dán nhãn khủng bố.

Tại Iran, Đại giáo sĩ Ayatollah Ahmad Khatami, nói với hãng tin Mehr rằng vụ xử tử này phản ánh điều ông gọi là “bản chất tội phạm” của gia tộc cai trị Arập Xê út và nói rằng Arập Xê út sẽ phải gánh chịu "sự báo thù của thần thánh" vì xử tử ông Al-Nimr. Đại giáo sĩ Ayatollah Ahmad Khatami là lãnh tụ tinh thần của người Hồi giáo Iran nên những tuyên bố của ông có tác động rất lớn với giáo chúng nước này.

Cục diện Trung Đông đang thay đổi

Theo Le Monde, vụ xử tử 47 người ở Arập Xê út là có 2 mục tiêu. Thứ nhất là bóp nghẹt sự ủng hộ dành cho các phần tử thánh chiến Sunni vừa không làm phật lòng người Sunni ôn hòa. Aimeen Dean, chuyên gia người Arập Xê út, cho rằng hành quyết Al-Nimr là “phương án đỡ tệ nhất đối với Riyad. Nếu bị bỏ tù, ông ta sẽ trở thành anh hùng trong lòng tín đồ dòng Shiite. Người Sunni ở Arập Xê út sẽ rất giận dữ bởi làm vậy khiến Arập Xê út có vẻ như sợ Iran và dòng Shiite”.

Riyad biết rõ giết 4 người Shiite sẽ gây phản đối ở nước ngoài nhưng họ tin có thể kiểm soát tình hình trong nước. Theo tính toán của họ, hành động này có thể trấn an cộng đồng người Sunni thiểu số rằng chính quyền đứng về phía họ. Tuy luôn lo ngại Iran, nước Hồi giáo dòng Shiite, gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông song hoàng gia Arập Xê út tin rằng chính sự nổi dậy của người Sunni trong nước mới là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền hành của họ.

Ngoài ra, cũng có nhà phân tích cho rằng đây là phản ứng của Ryad dành cho Mỹ vì theo Arập Xê út, trước giờ Mỹ thường nhượng bộ Iran, nhất là liên quan tới thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 7/2015.

Căng thẳng giữa Iran và Arập Xê út đang khiến cả thế giới lo ngại vì lò lửa Trung Đông vốn cháy âm ỉ từ nhiều thế kỷ qua có nguy cơ bùng phát thành đám cháy lớn. Ngoài xung đột tôn giáo, cả Iran và Arập Xê út  đều đang muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo và có quan điểm rất khác biệt về trật tự và ổn định khu vực Trung Đông. Hai nước đã đối đầu quân sự gián tiếp khi ủng hộ các thế lực đối lập trong các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Yemen, Bahrain và Liban.

Lãnh đạo thế giới đồng loạt lên tiếng kêu gọi các nước kiềm chế tối đa. Trong khi Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp kêu gọi Riyadh và Tehran hạ nhiệt thì Nga tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải.

Khủng hoảng Syria đang kỳ vọng vào một thỏa hiệp chính trị vào cuối tháng 1/2016. Thế nhưng, khi hành quyết những giáo chức Shiite, Arập Xê út xem Iran là kẻ thù và như vậy dự án Liên minh rộng lớn chống IS trong đó có Nga và Iran tham gia khó có thể thực hiện. Xem ra tính toán của Arập Xê út có thể lôi kéo cả Trung Đông, đang chìm trong máu lửa, vào vòng xoáy bạo lực mới đầy bất trắc.

tin nhap 20160105125454

Thêm một bằng chứng về thói đạo đức giả của Mỹ

Mỹ chỉ tỏ ra quan ngại và khuyên Arập Xê út cùng Iran kiềm chế sau khi Arập Xê út xử tử 47 “phần tử khủng bố” mà theo Tehran đó là những “thành phần bất đồng quan điểm”. Nếu Arập Xê út không phải là đồng minh của Mỹ thì có lẽ đã “ăn đủ” mọi hình thức trừng phạt từ Washington.

tin nhap 20160105125454

Iran và Arập Xê út bên bờ vực chiến tranh

Ngay sau khi Arập Xê út xử tử 47 người bị kết tội khủng bố, trong đó có một giáo sĩ nổi tiếng theo Hồi giáo Shia, hôm nay người biểu tình Iran đã tấn công, đốt cháy Đại sứ quán Arập Xê út tại Tehran.

H.Phan

Theo AFP. AP, Reuters, CNN