Sân bay nhỏ - xu hướng đô thị hiện đại

15:12 | 05/04/2021

63 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi hàng loạt sân bay nhỏ thua lỗ, công suất khai thác thấp, thì mới đây Sở GTVT TP HCM lại đề xuất xây dựng sân bay nhỏ tại Cần Giờ và Thủ Đức.

Tuy nhiên, không ít ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia đã bày tỏ, đề xuất xây dựng sân bay nhỏ cho trực thăng, máy bay cỡ nhỏ... có nhiều yếu tố hợp lý và đúng xu hướng phát triển của những đô thị hiện đại.

Phần lớn sân bay nhỏ không khai thác hết công suất.p/(Máy bay ATR72 của VNA khai thác đường bay đến Côn Đảo. Ảnh: Thanh Bình)
Phần lớn sân bay nhỏ không khai thác hết công suất. (Máy bay ATR72 của VNA khai thác đường bay đến Côn Đảo)

Người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thị Hồng Nhung - Giám đốc Công ty CP IBlockchain cho rằng, việc xây dựng sân bay nhỏ trong TP sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác triển khai hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và phát triển kinh tế. Đặc biệt, các khu đô thị mới nổi lên như: Thủ Đức, Cần Giờ, Củ Chi… đang một ngày thay da đổi thịt thì cũng rất cần phải có sân bay trực thăng sử dụng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

"Công tác quy hoạch cũng cần phải tính trước các phương án trong tương lai. Việc xây dựng mạng lưới giao thông của TP ngày càng hiện đại là rất cần thiết. Tuy nhiên, đề án cũng cần xét về tính hiệu quả trong khai thác đường bay, cần cân nhắc kỹ đến yếu tố của cả vùng để phát huy hiệu quả chung, trong đó, hãy đặt quyền lợi của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” - bà Nhung nói.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, Việt Nam đã có 22 sân bay, trong đó có 9 sân bay quốc tế. Theo dự thảo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 26 sân bay và đến năm 2050, con số này sẽ là 30 sân bay.

Về nhu cầu thực, so sánh với các nước trong khu vực, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillipines, Malaysia, Thái Lan có mật độ trung bình 1,4 -1,8 triệu người trên mỗi sân bay. Con số 4,4 triệu người trên một sân bay của Việt Nam cho thấy Việt Nam thực sự cần thêm sân bay để phục vụ phát triển.

sdg
Việc cấp cứu bằng đường hàng không rất cần thiết trong bối cảnh kẹt xe, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, điều trị các bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng cao và đặc biệt là mô hình y tế du lịch phát triển. (Ảnh minh họa)

Chỗ thừa, chỗ thiếu

Tuy nhiên trên thực tế chỉ có khoảng 30% số sân bay đang khai thác có lợi nhuận. Số liệu năm 2019 của Bộ GTVT cho thấy, các sân bay lớn đang quá tải. Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Phú Bài đều đang bị quá tải từ 120% đến trên 150%. Trong khi đó, số đông sân bay còn lại rất ế ẩm. Sân bay Phú Quốc cũng chỉ đạt công suất 53%, Cần Thơ 26%, Cà Mau chỉ phục vụ 18,5% công suất một năm, Rạch Giá 16% và Điện Biên chỉ đạt 19% công suất.

Về đề xuất xây dựng sân bay nhỏ tại Cần Giờ và Thủ Đức, theo Sở GTVT TP HCM, đây là một ý tưởng về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, trong tương lai khi các cơ sở y tế xây dựng mới đều phải có thiết kế sân bay trực thăng. Việc cấp cứu bằng đường hàng không rất cần thiết trong bối cảnh kẹt xe, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, điều trị các bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng cao và đặc biệt là mô hình y tế du lịch phát triển.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP HCM, cho rằng, chúng ta đang bàn đến đô thị Thủ Đức, hướng tới trung tâm tài chính trong khu vực thì chắc chắn cần phải xây dựng sân bay trực thăng. Hiếm có một trung tâm tài chính thế giới nào mà lại không có sân bay trực thăng. Còn ở Cần Giờ đang phát triển du lịch cao cấp, cũng phải có sân bay trực thăng.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp