Sai lầm khiến tàu sân bay Nhật nổ tung vì một quả ngư lôi năm 1944

12:52 | 30/10/2018

656 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tàu sân bay Taiho có giáp dày, nhưng lỗi thiết kế và quyết định sai lầm của sĩ quan khiến nó bị xé nát chỉ vì một quả ngư lôi.
sai lam khien tau san bay nhat no tung vi mot qua ngu loi nam 1944
Tàu sân bay Taiho tại khu vực Tawitawi, Borneo, tháng 5/1944. Ảnh: Armoured Carriers.

Sáng 19/6/1944, tàu ngầm USS Albacore (SS-218) của Mỹ phóng sáu ngư lôi nhằm thẳng tàu sân bay Taiho của phát xít Nhật trong trận Hải chiến Biển Philippine, trận chiến giữa các tàu sân bay lớn nhất trong Thế chiến II và cũng là chiến dịch quy mô lớn cuối cùng của hải quân Nhật thời kỳ này, theo War Is Boring.

"Vệt bong bóng trắng nổi lên trên mặt biển khi những quả ngư lôi lao tới", trung tá Shioyama Sakuichi, người sống sót trên tàu Taiho, kể lại. "Lệnh báo động ngư lôi được ban ra, loa phóng thanh trên đài chỉ huy liên tục phát mệnh lệnh và một số thủy thủ cảm thấy ớn lạnh".

Trong số 6 ngư lôi của tàu ngầm Albacore phóng ra, chỉ có một quả bắn trúng tàu sân bay Taiho, một quả bị phi công Nhật lái tiêm kích gần đó lao thẳng vào và phá hủy, bốn ngư lôi còn lại trượt mục tiêu.

Một quả ngư lôi dường như không gây thiệt hại gì đáng kể cho tàu sân bay Taiho, vốn có lớp giáp dày hơn nhiều so với các lớp tàu sân bay tiền nhiệm và có thể chịu được đầu nổ 300 kg của ngư lôi.

Thế nhưng 7 tiếng sau khi trúng ngư lôi, tàu sân bay Taiho nổ tung rồi chìm xuống biển với 1.650 thủy thủ và hàng chục máy bay, chỉ 500 người sống sót. Vào thời điểm bị đánh chìm, tàu sân bay Taiho mới hoạt động được ba tháng và đây là thiệt hại không thể khôi phục của hải quân đế quốc Nhật Bản.

Xét về mặt thiết kế, tàu sân bay Taiho rất khó bị đánh chìm với chỉ một ngư lôi. Tàu có lớp giáp dày hơn phần lớn các tàu sân bay của hải quân Nhật khi đó, ngoại trừ tàu sân bay Shinano vốn được chế tạo trên cơ sở phần thân của siêu thiết giáp hạm lớp Yamato.

Sàn đáp của tàu Taiho được bọc thép, thay vì lát gỗ như các tàu sân bay thế hệ trước của Nhật. Lớp sàn đáp bằng gỗ giúp tàu sân bay nhẹ hơn và ổn định hơn, nhưng lại dễ dàng bị bom địch xuyên thủng.

Năm 1942, một máy bay SBD Dauntless của Mỹ thả quả bom nặng 454 kg trúng tàu sân bay Kaga, xuyên thủng lớp sàn gỗ và kích nổ số nhiên liệu con tàu mang theo. Kaga là một trong 4 tàu sân bay Nhật bị tiêu diệt trong trận hải chiến Midway.

Sàn đáp bằng thép của Taiho khắc phục được nhược điểm này, đồng thời có thể phục vụ 84 máy bay chiến đấu cùng lúc. Vào năm 1944, hải quân Nhật cắt giảm số máy bay trên tàu sân bay này xuống 77 chiếc, trong đó có 27 tiêm kích, 27 oanh tạc cơ bổ nhào, 16 máy bay phóng lôi và ba trinh sát cơ.

Tuy nhiên, sàn đáp bọc thép cũng khiến trọng lượng của tàu sân bay Taiho tăng lên, khiến nó có lượng giãn nước lên đến 37.870 tấn và đáy khoang chứa máy bay của con tàu gần như nằm ngang mực nước biển.

Giếng thang máy vận chuyển máy bay từ khoang chứa lên sàn đáp có điểm thấp nhất nằm dưới mực nước biển, đây chính là lỗi thiết kế nghiêm trọng khiến con tàu chìm xuống biển khi chỉ mới trúng một ngư lôi dù được bọc thép rất dày.

Khi ngư lôi của tàu ngầm USS Albacore đánh trúng thân tàu Taiho, vụ nổ phá thủng lớp vỏ giếng thang máy và xuyên thủng khoang chứa xăng máy bay nằm ngay phía dưới giếng thang máy của tàu Taiho.

Giếng thang máy lúc này tràn ngập nước biển và hỗn hợp xăng máy bay. Đội kiểm soát thiệt hại trên tàu Taiho lúng túng đối phó với tình trạng của con tàu sau khi trúng ngư lôi, không ai nghĩ đến việc sử dụng bọt chữa cháy của hệ thống trong khoang chứa máy bay để phủ lên giếng thang máy, ngăn tình trạng xăng bốc hơi.

Sĩ quan chỉ huy kiểm soát thiệt hại của tàu Taiho sau đó ra lệnh tăng công suất hệ thống thông gió lên tối đa để đẩy khói từ vụ nổ ra khỏi khoang chứa máy bay. Quyết định sai lầm này khiến hơi xăng từ giếng thang máy theo hệ thống thông gió lan khắp các khoang tàu, biến Taiho thành một quả bom khổng lồ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào khi xuất hiện một tia lửa nhỏ.

Vụ nổ đầu tiên xảy ra vào lúc 14h30 và gần hai tiếng sau, một vụ nổ khủng khiếp xé nát tàu sân bay Taiho, khiến con tàu chìm xuống đáy biển.

Theo VnExpress.net

sai lam khien tau san bay nhat no tung vi mot qua ngu loi nam 1944

Tàu sân bay Nhật Bản: Không mạnh nhất nhưng sạch nhất thế giới

Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản không phải là tàu chiến to nhất, nhanh nhất hay mạnh nhất thế giới, nhưng toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 500 người hàng ngày phải đương đầu với “cuộc chiến” với bụi bẩn để biến Kaga thành tàu chiến sạch nhất.

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc