Rồng tạo vật huyền thoại

08:08 | 10/02/2024

115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong 12 con giáp hay trong tứ linh, rồng là con vật duy nhất thuộc trí tưởng tượng của con người. Tạo vật huyền thoại này đã tồn tại trong nền văn minh nhân loại hàng nghìn năm, biểu tượng cho quyền uy và những năng lực đặc biệt
Rồng tạo vật huyền thoại
Rồng tạo vật huyền thoại

Theo “Bách khoa toàn thư - biểu tượng và hoa văn Tạng truyền” của Nhà xuất bản Tôn giáo, tôn giáo nhất thần (chỉ thờ một vị thần) của vùng Trung Đông và châu Âu mô tả rồng (tiếng Phạn ngữ: Vritra, Tạng ngữ: ‘Brug, Hán ngữ: Lung) là quái vật tàn bạo, canh giữ kho báu bí mật, bắt cóc trẻ em và quyến rũ trinh nữ. Thánh Michael và thánh George là các hiệp sĩ hủy diệt quyền lực của rồng, tiêu diệt cái ác và giải thoát cái thiện - thể hiện thông qua tính ngây thơ con trẻ, trinh tiết của các thiếu nữ đồng trinh hay các kho báu thiêng.

Trong văn hóa phương Đông, rồng tượng trưng cho sức mạnh nam tính và tính dương của bầu trời, của sự thay đổi, của năng lượng và của sự sáng tạo.

Hình ảnh cơ bản của rồng Trung Hoa xuất hiện lần đầu trên các bản khắc của thời đồ đá mới, khoảng thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Có thể nói rồng là một trong những biểu tượng sớm nhất của loài người. Rồng được coi là biểu tượng của bộ tộc, có đầu lợn, thân rắn và đuôi ngựa.

Sử sách Trung Hoa phân chia Ngũ phương Thiên đế với các biểu tượng: Hoàng đế Hoàng Đế lấy vân (mây) làm biểu tượng; hoàng đế Viêm Đế lấy hỏa (lửa) làm biểu tượng; hoàng đế Chuyên húc lấy thủy (nước) làm biểu tượng; hoàng đế Đại Hạo lấy long (rồng) làm biểu tượng; hoàng đế Thiếu Hạo lấy phượng hoàng làm biểu tượng. Mỗi một triều đại đó xuất thân từ các bộ tộc khác nhau, nhưng biểu tượng của các triều đại này đều được tìm thấy trên các phù hiệu vương triều và thiết kế thêu kim tuyến.

Rồng và phượng hoàng, tượng trưng cho vua và hoàng hậu Trung Hoa, với ý nghĩa là sự hợp nhất của trời (rồng) với đất (phượng hoàng), được các nhà khảo cổ coi là có nguồn gốc từ lợn và gà lôi. Người ta tìm được hóa thạch khủng long ở Trung Hoa và sa mạc Gobi, đây được coi là nguồn cảm hứng để mô tả hình dáng to lớn và hung bạo của rồng.

Kinh Dịch là văn bản sớm nhất mô tả rồng, trong đó nhắc tới đặc tính tự nhiên khó nắm bắt của linh vật này. Rồng được coi là “loài thay hình đổi dạng”, có khả năng biến đổi hình dáng theo ý muốn. Rồng có thể tự tàng hình, thu nhỏ kích thước xuống bằng con nhộng hay vươn to ra như bầu trời. Vào ngày xuân phân, rồng hướng lên bầu trời và ở đó tới ngày thu phân, khi đó rồng đi xuống hồ sâu, chui xuống bùn và nằm ở đó cho đến mùa xuân tiếp theo. Là 1 trong 4 linh vật Phật giáo, rồng xanh da trời hay xanh ta-quai (màu đá lục tùng Tây Tạng) tượng trưng cho năng lượng của mùa xuân và hướng Đông của bình minh.

Giống như long thần Ấn Độ, rồng huyền thoại Trung Hoa luôn gắn kết mạnh mẽ với dự báo thời tiết và có liên hệ cụ thể với mây dông và bão điện từ. Chớp nhằng nhịt xuất hiện từ móng rồng, còn chớp như quả cầu phun ra từ miệng rồng. Âm thanh của rồng là sấm, chớp là sự đau đớn không dứt trong mây bão đen ngòm, mưa như trút đổ xuống từ vảy rồng lấp lánh. Bốn loại châu báu trong móng rồng tạo nên hạt sương và hạt mưa khi rồng siết chặt lấy châu báu. Mai rùa được dùng để dự báo thời tiết và người ta khấn cầu ngọc rồng khi trời hạn hán. Máng xối nước còn được gọi là “rồng sống”; bão táp hay gió lớn được gọi là “rồng treo”; sóng thủy triều và động đất dưới biển được coi là cơn giận dữ của 1 trong 4 con rồng đại dương.

Biên niên sử Trung Hoa ghi nhận một vài ví dụ về các họa sĩ vẽ rồng nổi tiếng; đây là các họa sĩ được dân chúng thỉnh cầu vẽ rồng khi có hạn hán, thường là vẽ trên 4 bức tường của một sảnh đặc biệt được dựng bên cạnh long trì. Những con rồng được vẽ sống động đến mức dường như chúng sắp trở thành các tạo vật sống, phá hủy bức tường trong những cơn thịnh nộ sấm chớp và mưa sẽ rơi xuống long trì. Tranh rồng là bộ môn nghệ thuật chính trong nghệ thuật Trung Hoa cổ đại, đặc biệt là thời Ngũ Đại thập quốc (907-960 sau Công nguyên) và thời Tống (960-972 sau Công nguyên), khi trường phái vẽ rồng và cá xuất hiện.

Có hơn 70 đặc điểm khác nhau khi mô tả về 9 cá thể rồng: Rồng trên không, rồng tinh thần, rồng có cánh, rồng cuộn mình, rồng có sừng, rồng có vòi, rồng màu vàng, rồng nước và rồng bảo vệ kho báu.

2. Có hơn 70 đặc điểm khác nhau khi mô tả về 9 cá thể rồng: Rồng trên không, rồng tinh thần, rồng có cánh, rồng cuộn mình, rồng có sừng, rồng có vòi, rồng màu vàng, rồng nước và rồng bảo vệ kho báu. Về cơ bản, rồng có 3 khúc và 9 đặc điểm cơ thể. 3 khúc gồm từ đầu tới chân trước, từ chân trước tới ngực và từ ngực tới đuôi. 9 đặc điểm cơ thể gồm: Có đầu giống đầu lạc đà; có sừng giống sừng hươu; mắt giống mắt yêu quái, mắt thỏ hay mắt tôm; cổ giống cổ rắn; có vảy cá; rốn giống con trai hay con ếch khổng lồ; tai như tai bò; chân trước và bàn chân giống của hổ; móng của đại bàng. Dọc theo lưng là sống lưng với 81 vảy lưng giống như thằn lằn; lông cuộn và bay như bờm ngựa. Râu rồng giống như râu cá chép, nằm ở phía trên môi; lông mày dựng ngược; có đám râu nhỏ dưới cằm; mắt nhìn trừng trừng hoang dại; các nếp nhăn nằm phía trên mũi; một đám vảy lấp lánh ở hàm, đầu gối và đuôi; có sừng hình trụ giống của hươu; lưỡi như ngọn lửa xuất phát từ phía trước chân. Rồng uốn mình tạo ra lớp lớp mây, móng rồng nắm chặt 4 viên ngọc như ý.

Rồng năm móng được minh họa trên phù hiệu của các hoàng đế Trung Hoa. Các quan trong triều đeo phù hiệu rồng bốn móng, các quan phẩm trật thấp hơn dùng phù hiệu rồng ba móng. Rồng năm móng hoàng gia là quy định bắt buộc dưới triều Nguyên (1271-1368), khi nhà vua ban lệnh cấm thường dân mặc hay sử dụng các vật có vẽ rồng. Chính thức thì chỉ rồng năm móng mới đích thực là rồng, còn rồng bốn móng chỉ được coi là trăn hay mãng xà.

Chỉ có 3 chủng loại rồng: Rồng có sừng đầy quyền lực; rồng sấm chớp của bầu trời, khi gầm rú và chuyển động tạo ra sấm chớp; rồng không có sừng dưới đại dương; rồng chiao có vảy, ẩn mình trong hồ và các hang động trên núi.

Con số 9 huyền thoại có mối quan hệ về mặt số học với rồng. Rồng có 9 chủng khác nhau, có 9 đặc điểm, 81 vảy và dương tính - đường chân trời trong Kinh Dịch cũng được hình thành trên cơ sở số 9. Hoàng đế Trung Hoa mặc hoàng bào có 9 con rồng, 8 trong số đó thêu bên ngoài và 1 con thêu bên trong hoàng bào

3. Biểu tượng gắn liền với rồng là viên ngọc trai huyền bí hay “viên ngọc trai phát sáng trong đêm”, được mô tả bằng hình cầu nhỏ màu đỏ hoặc trắng được bao quanh bởi vòng lửa. Huyền thoại cho rằng, một viên quan Trung Hoa đã cứu chữa một con rắn bị thương và con rắn này chính là Hoàng tử - con của Long Vương. Để trả ơn, rắn đã nhả ra một viên ngọc trai lấp lánh dâng cho viên quan và viên quan dâng tiếp cho vua. Trong cung vua, ngọc trai phát sáng đến mức “đêm trở thành ngày”. Lịch sử nói rằng vua Càn Long (1735-1796) đã gắn lên vương miện một viên ngọc trai nước ngọt quý hiếm lấy từ sông Tùng Hoa.

Ở Trung Hoa, người ta tin rằng ngọc trai được hình thành từ miệng rồng đại dương, còn ở Ấn Độ thì tin rằng ngọc trai được sản sinh từ lửa mặt trời. Chính vì thế người Ấn Độ tin rằng, ngọc trai có thể chống lại những tác động tiêu cực của lửa. Đôi rồng Trung Hoa thường được mô tả trận chiến chiếm giữ viên ngọc trai rực lửa hay truy đuổi viên ngọc trai quý hiếm dọc bầu trời. Mối liên hệ thoáng qua giữa rồng và viên ngọc trai rực lửa tạo ra chớp làm sáng rực trời đêm vần vũ mây đen, khi chớp sáng làm lộ thân hình uốn khúc của rồng, rồng gầm lên tạo ra sấm ì ầm. Ngọc trai rực lửa về bản chất là trứng rồng. Có thể nhìn thấy chuyển động rất nhanh của rồng trên trời thông qua vết chớp sáng và khi chớp đi lên đi xuống. Một trong những loại chớp là “chớp ngọc trai”, khi đuôi chớp nổ tung ra thành những hình cầu nhỏ màu trắng. Ngọc trai rực lửa được đồng nhất với quả cầu chớp, mặt trời, mặt trăng và “viên ngọc trai vô cùng quý giá” là viên ngọc như ý của Đức Phật.

Rồng tạo vật huyền thoại
Hình mô tả bày rồng Tây Tạng và Trung Hoa

Trong truyền thống Hindu, các đặc tính cơ bản của rồng được mô tả đầy đủ trong huyền thoại Ấn Độ là long vương. Có lẽ trong huyền thoại Vệ Đà, con vật gần gũi với rồng nhất là rắn trời Vritra, yêu quái của cơn mưa và hạn hán; để chống lại hạn hán, thần Indra đã tiến hành một chiến dịch liên tục để cầu mưa. Một huyền thoại Vệ Đà khác liên quan tới Veghanada, người hét ra dông bão, là con trai của yêu quái Ravana, đã từng chiến thắng Indra bằng cách tàng hình. Phạn ngữ Megha có nghĩa là sấm và cũng dùng để chỉ rồng. Người Nhật cũng thừa nhận hình tượng rồng và gọi bằng tiếng Nhật là Ryu-Jin, nghĩa là hải vương - vua biển cả.

Tạng ngữ chỉ rồng (Tạng ngữ Brug) có nghĩa là âm thanh của sấm. Vương quốc Phật giáo Bhutan được gọi là Druk Yul, nghĩa là “miền đất của rồng sấm”, dân Bhutan được gọi là Drukpas - được đặt theo tên của dòng truyền thừa Drukpa - Kagyu do ngài Tsangpa Gyare sáng lập, người đã chứng kiến 9 con rồng từ trên trời lao xuống đất Ralung, nơi ngài đã sáng lập ra tu viện Ralung (năm 1180 sau Công nguyên). Rồng hay bày rồng cất cánh luôn là dấu hiệu cát tường. Ngay gần đây cũng có nhiều thông tin về sự xuất hiện của rồng ở Tây Tạng, một trong những sự kiện đó thậm chí còn được quay bằng camera. Về mặt lịch sử, rồng được coi là tạo vật huyền thoại.

Trong Phật giáo, rồng là vật cưỡi của Tỳ Lô Giá Na Phật (là pháp thân của Đức Phật Thích Ca). Rồng có xanh lục tùng là vật cưỡi của rất nhiều vị hộ thần, các Chư Thiên dưới nước hay Chư Thiên bão tố, là tạo vật bảo vệ kho báu - nơi gắn liền với long thần.

Tuấn Minh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps