Rác và lễ hội

15:03 | 15/02/2012

1,694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây rõ ràng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Một đằng thì là thứ hạ cấp, phế thải bỏ đi. Một đằng thì cao quý, người người tôn trọng vì sinh hoạt hướng tới cộng đồng với sự thành kính, linh thiêng. Vậy mà ở Việt Nam hai sự trái ngược này lại gắn liền với nhau.

Lễ hội ở Việt Nam có ngày, có tháng, có mùa và tùy chốn tùy nơi, không phải địa điểm nào cũng có lễ hội. Còn sự rác vứt bừa bãi ở nước ta thì quanh năm, bất kể lúc nào, mùa nào, bất kể nơi đâu. Từ chỗ bình thường cho đến chốn linh thiêng. Từ ngoài sân bóng, quảng trường đến đền chùa, miếu mạo, bảo tàng, kỳ quan Hạ Long mang tầm thế giới. Và càng có lễ hội thì sự vứt rác bừa bãi như được một sự xúc tác mạnh mẽ làm gia tăng hiện tượng vô văn hóa này.

Lối đi trong đền Bà Chúa Kho ngập rác

Cứ lấy như lễ hội chùa Hương, một lễ hội đựơc xem là phổ biến, linh thiêng vào hàng nhất nhì xứ ta vậy mà từ hàng chục năm nay mỗi khi tiết xuân bắt đầu, để chuẩn bị cho khách thập phương hành hương về với đất Phật là các nhà tổ chức lại hùng hồn tuyên bố với nhiều cố gắng, biện pháp phù hợp để giữ sự trang trọng, linh thiêng cho lễ hội, tạo sự thoải mái cho khách hành hương. Năm 2012, ông Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội hùng hồn tuyên bố hàng loạt biện pháp cứng rắn để tạo sự thanh tịnh cho lễ hội chùa Hương Nhâm Thìn.

Cấm dùng loa đài quảng cáo, chèo kéo khách hàng. Cấm các cửa hàng treo thịt sống động vật, thú rừng thay vì phải đưa vào treo trong tủ kính. Và đặc biệt năm nay ban quản lý sẽ áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường, cấm vứt rác bừa bãi trên suối Yến, trên đường vào các động. Một lò hủy rác công nghệ Nhật trị giá 10 tỉ đã được lắp đặt cùng với hàng nghìn sọt rác sẽ được đặt để tận thu rác của du khách. Sẽ phạt nặng (không hiểu sao lại được gọi là phạt nặng) với mức phạt 100 nghìn đồng cho lần vứt rác thứ nhất và 300 nghìn đồng nếu tái phạm…

Sau Lễ hội chợ Viềng chỉ thấy toàn là rác

Đáng buồn thay, tính từ ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng Nhâm Thìn đến nay chưa đầy nửa tuần trăng mà có thể nói tình trạng lộn xộn tại lễ hội lớn vào hàng nhất nhì nước ta vẫn không mấy được cải thiện. Sự chen lấn, xô đẩy vẫn diễn ra ở khắp nơi từ bến đò suối Yến đến đường vào các động. Thịt sống thú rừng hoen máu trái ngược với chất thiền, sự cấm sát sinh của đạo Phật vẫn treo đầy trước các quán trên đường vào Thiên Trù. Và rác, vỏ hộp đồ ăn vẫn nổi lềnh bềnh trên mặt nước suối Yến, ngập ngụa trên đường hành hương của các tín đồ. Tình trạng những đồng tiền lẻ vương vãi trên các tượng Phật, trên mặt đường đầy bùn, đầy bụi…

Chẳng cứ ở lễ hội chùa Hương mà mùa xuân là mùa lễ hội ở nước ta thì bất kỳ ở nơi đâu có lễ hội như đền Bà Chúa Kho, Hội Quan họ, chùa Bãi Đính, thậm chí cả chùa Yên tử… và ngay cả tại giữa thủ đô trong đại lễ 1.000 năm thì vứt rác bừa bãi cùng với sự chặt chém vẫn đang hoành hành trở thành quốc nạn không chỉ đối với dân trong nước mà cả đối với khách nước ngoài. Chưa biết bao giờ quốc nạn này bao giờ được ngăn chặn triệt để. Tại sự bất lực của các nhà quản lý hay ý thức người dân?

Thấy bảo từ năm 2015-2020 nước ta trở thành nước công nghiệp tiến tiến nhưng chỉ nhìn riêng vào quốc nạn vứt rác bừa bãi gắn liền với lễ hội mới hay. Cả các nhà quản lý lẫn người dân cho đến nay vẫn chưa gọt bỏ được sự tùy tiện, coi thường luật pháp, sinh hoạt công cộng là những đặc trưng nổi bật của một cách nghĩ, của nền kinh tế sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, vậy thì…

Bách Thành