Quy hoạch không gian ngầm tại 4 quận nội đô lịch sử: Giải bài toán hạ tầng khi không còn quỹ đất

06:29 | 04/04/2021

457 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, TP Hà Nội đã công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Một trong những nội dung quan trọng được các đồ án đề cập là giải pháp về phát triển không gian ngầm. Đây có thể coi là định hướng quan trọng để giải quyết các nhu cầu cấp thiết về hạ tầng cũng như xây dựng một đô thị hiện đại trong khi quỹ đất để phát triển đối với các quận này gần như cạn kiệt.

Không gian ngầm gắn với giao thông công cộng

Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho hay, do quận Hoàn Kiếm là trung tâm nội đô lịch sử, không còn quỹ đất nên việc nghiên cứu không gian ngầm tại ven khu phố cổ là rất cần thiết. Hiện nay, tỷ lệ đất sử dụng cho giao thông tĩnh trên địa bàn quận mới đáp ứng 7,6% nhu cầu (chủ yếu là sử dụng tạm tại vỉa hè, lòng đường).

Quy hoạch không gian ngầm tại 4 quận nội đô lịch sử: Giải bài toán hạ tầng khi không còn quỹ đất
Giải pháp tổ chức không gian theo mô hình TOD và các bãi đỗ xe tại các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử.

Lượng phương tiện cá nhân gia tăng mạnh cùng với việc mở rộng các không gian đi bộ tại quận Hoàn Kiếm đồng thời là khu vực đô thị di sản, bị hạn chế phát triển không gian nổi nên việc phát triển không gian ngầm cho thương mại, dịch vụ và giao thông tĩnh là rất quan trọng, tăng khả năng khai thác chức năng đô thị, tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực nội đô lịch sử.

“Trong thời gian qua, các không gian ngầm tại quận Hoàn Kiếm mới phát triển bên trong các tòa nhà chưa có sự kết nối và một số tuyến đường sắt đô thị ngầm đang chuẩn bị đầu tư. Trên thực tế còn nhiều khu vực quảng trường, vườn hoa, phía dưới các tuyến phố có lộ giới lớn có thể phát triển hệ thống không gian ngầm kết nối liên thông” - bà Trần Thị Thúy Lan nêu.

Theo Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, không gian xây dựng ngầm đô thị tại các đồ án quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử lần này được xác định thực hiện theo đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, nghiên cứu phát triển không gian đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng), gồm 5 tuyến đường sắt đô thị chạy qua và 22 nhà ga đã được quy hoạch trên địa bàn 4 quận.

Trong phạm vi 500m từ đầu mối ga ngầm, các đồ án đưa ra định hướng sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại khu vực hạn chế chiều cao công trình, giúp giảm mật độ xây dựng phần nổi; khuyến khích tạo lập tuyến đi bộ ngầm để kết nối các công trình công cộng ngầm tại khu vực này.

Để giải bài toán giao thông tĩnh, Hà Nội cũng sẽ xây dựng 89 bãi đỗ xe, trong đó 38 bãi cao tầng, 51 bãi ngầm. Các bãi đỗ xe ngầm sẽ nghiên cứu xây dựng kết hợp trong những khu cây xanh công viên, vườn hoa, quảng trường… Đặc biệt, công trình ngầm sẽ được thực hiện tại các khu đất tái thiết khi di dời các cơ quan, nhà máy hay những khu chung cư cũ cải tạo xây dựng lại. Riêng khu phố cổ cho phép xây dựng tầng hầm với yêu cầu bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, công nghệ, an toàn, PCCC… khi khai thác sử dụng.

Chuẩn bị nguồn lực để thực hiện

Trong quá trình phát triển, khi tài nguyên đất đai cạn kiệt, hạ ngầm là một xu thế mà nhiều nước trên thế giới áp dụng để tạo ra những đô thị phát triển hiện đại, bền vững. Trong đó, việc ngầm hóa hạ tầng giao thông là giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông mà nhiều nước phát triển đã áp dụng thành công.

Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội), hiện có khoảng 26 quốc gia trên thế giới có từ một đến nhiều thành phố ngầm. Đối với những đô thị đang phát triển như Hà Nội, vấn đề phát triển không gian ngầm lại càng quan trọng. Nó không chỉ giúp giải bài toán hạn chế về quỹ đất, không gian trong quy hoạch phát triển đô thị mà còn tạo ra giải pháp thích hợp đảm bảo yếu tố giải phóng mặt bằng, không tác động nhiều đến dân cư trên mặt đất.

Trên thực tế, từ năm 1996 một số công trình trung tâm thương mại, khách sạn tại Hà Nội đã bắt đầu xây dựng từ 2 - 4 tầng hầm nhưng độ sâu là bao nhiêu lại hoàn toàn tự phát theo quyết định của các chủ đầu tư chứ chưa theo khống chế quy chuẩn nào. Từ những năm 2000 đến nay, Hà Nội đã áp dụng và có giải pháp tương đối tốt đối với một số công trình nút giao thông ngầm như hầm ngầm Kim Liên, hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa, các bãi xe ngầm, tầng hầm tại một số công trình khách sạn, trung tâm thương mại như Royal City, Time City…

Hiện tại, tuyến đường sắt đô thị số 3 cũng đang được thi công ngầm và các nhà ga ngầm. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường cống thoát nước, đường điện, nước... Tuy nhiên, những công trình ngầm đã và đang có chỉ là các công trình đơn lẻ mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.

Với những yêu cầu cấp bách trong phát triển đô thị tại 4 quận “lõi” của Hà Nội hiện nay, nhất là về giao thông, nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch không gian ngầm cần sớm được hiện thực hóa. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống quy định từ quản lý, sở hữu đến quy chuẩn kỹ thuật cho loại công trình này. Nhất là chuẩn bị một nguồn lực căn bản để phát triển hệ thống không gian ngầm đồng bộ, tránh xảy ra tình trạng “quy hoạch treo” hay chỉ là các công trình riêng lẻ, cục bộ rồi bị “bỏ hoang”. Vì theo KTS Trần Huy Ánh, xây dựng và vận hành công trình ngầm phải dùng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị phức tạp nên chi phí thường cao hơn nhiều so với công trình trên mặt đất.

Đơn cử, giá thành xây lắp ga đường sắt đô thị trên cao là 12 - 15 triệu USD, còn ga ngầm phải từ 30 - 35 triệu USD, cao gấp 2 - 3 lần. Chi phí xây lắp đường sắt đô thị trên cao khoảng 10 triệu USD/km, trong khi tuynel ngầm là 75 - 80 triệu USD/km, cao gấp 7 - 8 lần. Các dự án ngầm có thể giảm chi phí GPMB, nhưng vẫn phải làm lại đường dây, đường ống ngầm tốn kém. Do vậy, để giảm chi phí đầu tư, các công trình ngầm trong TP cần phải khai thác đa mục đích.

"Việc khai thác mỏ vàng khổng lồ mang tên “không gian ngầm” cần được thành phố sớm cụ thể hóa bằng những quy hoạch chi tiết. Hy vọng, không gian ngầm đô thị theo các quy hoạch phân khu vừa được công bố sẽ không chỉ là bản vẽ khô cứng mà đó phải là một bản quy hoạch hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội." - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh

Theo Kinh tế & Đô thị

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc