"Sức khỏe” của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi

14:52 | 11/07/2012

499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi mà những dự cảm về một cuộc khủng hoảng kinh tế “kép” còn chưa kịp lắng xuống thì vấn đề giảm phát và tồn kho lại đang được nhắc tới như là những nguy cơ mới đe dọa các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012.

Tuy nhiên, với việc công bố một loạt các chỉ số kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2012, ông Đỗ Thức – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lại cho rằng: Thông qua những chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, có thể đưa ra đánh giá là tình hình kinh tế đã được cải thiện. Xét trên bình diện chung, nền kinh tế đã đón những dấu hiệu tích cực”.

CPI giảm: Không ngại giảm phát

Có thể thấy rằng, những ngày qua, vấn đề được dư luận xã hội, các chuyên gia kinh tế hết sức quan tâm là việc CPI tháng 6/2012 giảm ở mức -0,26%. Rất nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng giảm phát – một xu hướng đặc biệt nguy hại khi mà nó thường gắn liền với tình trạng đình trệ và thất nghiệp của nền kinh tế. Điều này nếu có thật sẽ là vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn theo chiều hướng sau: Giảm tổng cầu dẫn đến giảm giá cả chung, nợ xấu tăng lên gây vỡ nợ, đến thất nghiệp, giảm thu nhập dẫn đến giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Tình hình sản xuất kinh doanh đã có nhiều tín hiệu lạc quan

Nguy cơ là vậy nhưng ông Nguyễn Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Giá cả thị trường của Tổng cục Thống kê lại nhìn nhận rằng: Mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam bước đầu đã thành công. Chúng tôi thấy có nhiều yếu tố đáng chú ý. Ở quý I, nguyên vật liệu tăng, xăng dầu tăng, viện phí, học phí tăng, tăng lương. Nhưng nhu cầu lại xuống rất thấp, sức tiêu thụ hàng hóa kém. Từ cuối tháng 4, giá xăng dầu thế giới giảm nên kéo theo giá trong nước giảm. Những yếu tố gây giảm giá có ưu thế hơn, nên có thể giá cả những tháng tới sẽ tiếp tục giảm.

Nói về nguy cơ giảm phát của nền kinh tế, ông Thắng cho rằng, CPI thấp, giảm như vậy là tín hiệu tốt, không lo ngại giảm phát hay thiểu phát.

Đồng tình với những nhận định trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng: Diễn biến của CPI tháng 6 đã cho thấy các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đề ra là đúng và việc tổ chức triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) là có hiệu quả.

“Điều đáng mừng ở đây chính là việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã có những thành công. Giá cả trên thị trường giảm, người tiêu dùng có lợi hơn, thu nhập thực tế được bảo đảm hơn”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về nguy cơ giảm phát mà nhiều chuyên gia kinh tế nhắc tới, ông Thỏa khẳng định: Trong bối cảnh CPI diễn ra âm một tháng mà kết luận như vậy là hơi vội vàng. Chúng ta phải thấy rằng, mặc dù CPI tháng 6 là -0,26% nhưng xét cả 6 tháng so với cùng kỳ năm 2011 lại ở mức 12,20% thì vẫn là ở mức lạm phát cao. Ngoài ra, giảm phát được hiểu là việc giảm liên tục mức giá chung của hàng hóa, dịch vụ nhưng CPI tháng 6 có 11 nhóm hàng thì chỉ có 5 nhóm hàng có CPI giảm mà giá giảm lại chủ yếu do yếu tố khách quan như: lương thực thực phẩm được mùa, cung lớn hơn cầu; xăng dầu, gas đo giá thế giới giảm tạo điều kiện để giảm được giá trong nước…Vì vậy, việc CPI giảm trong tháng 6 là chưa thực sự bền vững. Đặc biệt, giá giảm như thời gian vừa qua có tác động rất lớn của yếu tố cầu giảm. Tuy nhiên, nếu xét tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ thì vẫn ở mức tăng trưởng cao. Nếu năm 2011 so cùng kỳ năm 2010 tăng 22,6%, trừ yếu tố tăng giá thì tăng 5,7%. Năm 2012 so với 2011 tăng 19,88%, trừ yếu tố tăng giá vẫn tăng 6,8%.

Có cùng quan điểm trên, ông Đỗ Thức đã phủ nhận những quan điểm cho rằng, 6 tháng đầu năm nền kinh tế đã rơi vào trì trệ, bởi theo ông, nếu muốn đề cập đến giảm phát thì CPI phải giảm liên tiếp nhiều tháng liền chứ không thể chỉ căn cứ vào 1 tháng CPI âm. Điều đáng lưu ý là trước đó CPI đã tăng ở mức rất cao, trong một thời gian dài, đến nay CPI vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng chậm và đến tháng 6 này thì CPI mới giảm, và giảm không đáng kể.

Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng

Bức tranh kinh tế đã mang nhiều gam màu sáng hơn là nhận định chung của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, với dự báo đầy khó khăn của nền kinh tế sẽ phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2012, Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 từ 6–6,5% là rất khó thực hiện. Lý giải cho điều này, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm ước tăng 4,38% là mức khá thấp và nếu muốn đạt mức tăng trưởng GDP cả năm là 6% thì trong 2 quý cuối năm GDP sẽ phải tăng 7,28%, còn để đạt được mức tăng trưởng 6,5% thì phải tăng tới 8,18%.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Thúy – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng: Hiện nay, công nghiệp Việt Nam chiếm 34% GDP. Trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp tăng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 chỉ tăng 2% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011, thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2011 và mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm 2010.

Tuy nhiên, ông Thúy cũng cho rằng, với việc Chính phủ đã có nhiều chính sách giúp đã tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có giải pháp đẩy mạnh đầu tư công, vốn kích cầu sản phẩm công nghiệp thì trong quý II, tình hình sản xuất công nghiệp có vẻ tích cực hơn, dự kiến sẽ tăng 8% so với cùng kỳ các năm trước. Đặc biệt vấn đề tồn kho và tiêu thụ sản phẩm của nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc.

“Tại thời điểm 1/6/2012, tồn kho ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước khi mà cùng kỳ năm trước là 15,9%. Tuy nhiên, nền kinh tế đã xuất hiện nhiều hơn những tín hiệu tích cực như hàng hoá tồn kho đã giảm so với các tháng trước, tháng 3 là 34,9%; tháng 4 là 32,1%; tháng 5 là 29,4% và tháng 6 là 26%”, ông Thúy nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Thức cho rằng: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt mức thấp là do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhưng kết quả tăng thấp. Tuy nhiên, từ quý II, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với khu vực công nghiệp và xây dựng: Giá trị tăng thêm của khu vực này quý I năm nay chỉ tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước, sang quý II đã tăng lên 4,52%, trong đó công nghiệp tăng từ 4,03% lên 5,4%. Đặc biệt, tình hình nhập siêu đã được cải thiện, thu ngân sách vẫn tăng, bội chi thấp, tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tương ứng với 10 tháng nhập khẩu.

Với những phân tích trên, ông Thức nhận định, tăng trưởng GDP cả nước năm nay ở mức 5,4-5,7% là hợp lý.

Thanh Ngọc

Báo Năng lượng Mới số 136, ra thứ Ba ngày 10/7/2012