Dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng năm 2024
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt xa mức tăng 3,72% sáu tháng đầu năm 2023 và cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra (5,5%-6%), đây là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.
Dựa trên tăng trưởng 6,42% 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5% là ngưỡng Quốc hội đề ra. |
Dấu hiệu tích cực cho kinh tế 2024
Trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế thế giới vẫn đang ở mức phục hồi chậm, tình hình thế giới nhiều bất ổn, khó dự báo. Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó (tăng từ 0,1-0,3 điểm phần trăm),… điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tính riêng trong quý 2 năm nay GDP tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2-2022 nếu xét trong 10 năm trở lại đây.
Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020-2024.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%. Khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, bà Hương cho hay khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%, khu vực dịch vụ chiếm 43,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,6%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát (CPI) bình quân quý 2-2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân CPI 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu như chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm.
Và chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7%, tác động làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo thông tư số 22 năm 2023 của Bộ Y tế.
Còn nhiều thách thức
Nhận định về tình hình kinh tế trong nước 6 tháng cuối năm, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi thời tiết bước sang mùa mưa, tình trạng nắng hạn và xâm nhập mặn không còn là mối lo ngại với người sản xuất nông nghiệp.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi. |
Ngành công nghiệp và xây dựng, với sự phục hồi của kinh tế thế giới, công nghiệp 6 tháng đầu năm đã có tăng trưởng đáng ghi nhận là tiền đề cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III khả quan hơn quý II với 40,7% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 42,2% doanh nghiệp giữ ổn định là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng tới.
Ngành dịch vụ có cơ hội phát triển trong 6 tháng cuối năm khi quý III tiếp tục là mùa du lịch cao điểm, khai thác tốt hoạt động du lịch sẽ lan tỏa mạnh tới khối ngành dịch vụ thị trường. Bên cạnh đó, có những ngày nghỉ lễ kéo dài, mùa tựu trường và nhu cầu mua sắm cao điểm vào cuối năm sẽ tác động tích cực tới khối ngành dịch vụ.
"Tiêu dùng trong nước vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với lợi thế thị trường tiêu thụ hơn 100 triệu dân. Một số yếu tố kích thích tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm như: chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang trình Quốc hội thông qua; chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao đời sống, tăng tiêu dùng và năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm", Vụ trưởng Nguyễn Thị Mai Hạnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thương mại quốc tế của Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh do nhu cầu thế giới dần cải thiện, sản xuất trong nước phục hồi. Xuất khẩu Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm, đặc biệt với những mặt hàng chủ lực như điện tử máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, một số sản phẩm nông, lâm nghiệp thủy sản…
Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, đẩy nhanh và có nhiều giải pháp sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu, nhằm tháo gỡ khó khăn, dẫn dắt, thúc đẩy, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, tạo việc làm, góp phần tăng cường an sinh xã hội, cũng như tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.
Vụ trưởng Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết: "Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, và nếu không có biến động lớn, Tổng cục Thống kê cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5% là ngưỡng Quốc hội đề ra".
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội; đảm bảo các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu tăng trưởng đạt cận trên, lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu Tại cuộc họp sáng 8/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 là tăng trưởng GDP đạt cận trên, lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu đã đề ra (mục tiêu đã đề ra là tăng trưởng từ 6-6,5% và lạm phát từ 4-4,5%). |
-
Tin tức kinh tế ngày 8/9: Lãi suất huy động diễn biến trái chiều
-
CPI tháng 8 ổn định, bình quân 8 tháng tăng 4,04%
-
Tin tức kinh tế ngày 3/9: Dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực
-
Tin tức kinh tế ngày 26/8: Tăng trưởng tín dụng khởi sắc trở lại
-
WorldBank nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ 5,5% lên 6,1%
-
Tin tức kinh tế ngày 11/9: Huy động trái phiếu chính phủ đạt gần 60% kế hoạch
-
Tình hình cung ứng hàng hóa tại các địa phương bị ảnh hưởng sau bão số 3
-
Giá khí đốt tự nhiên ở Châu Âu giảm khi sản lượng điện gió tăng vọt
-
Dự báo thị trường ứng dụng đám mây dầu khí cho đến năm 2032
-
Giá dầu hôm nay (11/9): Dầu thô quay đầu lao dốc