Quốc lộ 1 sẽ có 24 trạm thu phí BOT

18:08 | 04/04/2013

1,314 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để thu hút nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT) dự án mở rộng Quốc lộ 1 (QL1), Bộ Giao thông Vận tải đã chia thành nhiều đoạn nhỏ và xen kẽ với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Chiều ngày 2/4, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức họp báo tổng kết công tác thực hiện kế hoạch quý I/2013 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2013. Tại đây, vấn đề liên quan đến việc cải tạo mở rộng QL1A bằng nguồn vốn BOT và những hệ lụy của nó đối với cuộc sống của người dân đã được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm đặt câu hỏi.

Hà Nội – TP HCM, sẽ có 24 trạm thu phí theo hình thức BOT

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên bày tỏ nỗi lo ngại rằng, sau khi trục QL1 này hoàn thành vào năm 2020 sẽ dày đặc trạm thu phí đường bộ làm tăng thêm gánh nặng về phí cho doanh nghiệp vận tải. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, Thông tư 90 của Bộ Tài chính, cứ 70km sẽ được lập một trạm thu phí BOT. Như vậy, nếu tính ra với tổng số 1.700km (Hà Nội – TP HCM) sẽ có khoảng 24 trạm.

Theo Thứ trưởng Trường, QL1 từ Hà Nội - TP HCM là tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam. Đến nay, lượng xe đi lại đã quá tải, nhiều đoạn không đáp ứng được. Khảo sát của Bộ GTVT cho thấy, một số đoạn mật độ phương tiện quá lớn, trung bình từ 20-30.000 xe/ngày đêm nên không đáp ứng được về năng lực vận tải, chất lượng đường xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đã được phê duyệt, với phương án 6 làn xe. Đến năm 2016, mở rộng xong các đoạn, tuyến trọng yếu và cơ bản hoàn thành vào năm 2020. Tổng số vốn dự toán phải dùng cho Dự án này khoảng 120.000 tỉ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước eo hẹp, khó khăn như hiện nay, để đủ kinh phí thực hiện Dự án mở rộng QL1 thì phải huy động nguồn lực của xã hội qua hình thức BOT và PPP. Ngay sau khi Bộ GTVT đề xuất, Chính phủ đã đồng ý cho đầu tư tuyến đường này.

“Với chiều dài 1.700km, khoảng 1.000km sẽ được đầu tư theo hình thức BOT, còn 700km sẽ được đầu tư bằng tiền ngân sách Nhà nước. Huy động nguồn lực xã hội và giảm gánh nặng ngân sách. Bộ sẽ xây dựng đề án đặt trạm BOT thu phí, các trạm thu phí này sẽ tồn tại khoảng 25 năm để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư” - Thứ trưởng Trường khẳng định.

Phí trạm BOT sẽ tăng tới 3,5 lần hiện tại

Bên cạnh đó, tại buổi họp báo, nhiều ý kiến cho rằng: Việc nâng cấp, mở rộng QL1 là cần thiết nhưng khi dự án này kết thúc, các trạm thu phí được lập lên sẽ là một mối lo về gánh nặng phí đè lên ngành vận tải. Hơn nữa, mức phí tại các trạm có thể điều chỉnh tăng tới 3,5 lần để hoàn vốn BOT cho nhà đầu tư.

Trước ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, từ năm 2016, mức thu phí tại các trạm sẽ được tăng lên 3,5 lần so với mức giá hiện nay và áp dụng cho từng đoạn tuyến.

Sau khi hoàn thành việc nâng cấp, QL1 sẽ có 24 trạm thu phí theo hình thức BOT.

“Bộ GTVT đã tham khảo nhiều đề án BOT của các nước Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... và mức phí của Việt Nam nếu có sự điều chỉnh cũng chỉ ở mức trung bình. Lộ trình thực hiện sẽ bắt đầu có sự điều chỉnh tăng mức thu phí trạm từ năm 2016 nhưng không phải đồng loạt hơn 20 trạm thu phí cùng một lúc, một mức, mà có thể từ 2-3,5 lần đối với từng đoạn tuyến”.

Ngoài ra, một số ý ý kiến cũng cho rằng "Trạm BOT hình thành liệu sẽ tác động đến giá cước vận tải và vì sao phải đầu tư vào QL1 mà không đầu tư vào một tuyến khác?". Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Trường cho rằng: “Đầu tư mở rộng QL1 cần khoảng 120.000 tỉ đồng, đây là một con số không nhỏ với ngân sách hiện nay. Việc phát hành trái phiếu chính phủ đầu tư QL1 là rất khó khăn. Do đó phải sử dụng hình thức BOT. Nếu đợi ngân sách mà làm thì sau năm 2020 may ra cả tuyến đường mới có một số đoạn đường tốt.

Khi dự án mở rộng QL1 hoàn thành, thời gian đi lại sẽ được rút ngắn lại. Vì thế, các đơn vị vận tải phải đóng thêm phí để bù đắp số tiền đầu tư. Về bản chất, thu phí BOT không làm tăng phí, không làm khó doanh nghiệp mà còn làm thuận lợi, giảm nguy cơ mất an toàn, tăng hiệu ứng vận tải.


Không để các thủy thủ “ăn sương nằm trời” trên biển

Một trong những vấn đề được quan tâm trong buổi giao ban báo chí quý I/2013, đó là Bộ GTVT sẽ tiến độ tái cấu trúc hai tập đoàn, Tổng Công ty Vinashin và Vinalines; tiến độ thực hiện bảo hiểm đối với những nạn nhân của tàu Vinalines Queen; tại sao tiền hỗ trợ cho khoảng 100 thủy thủ trên 7 chiếc tàu “ma” vẫn chưa đến các thuyền viên?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, sau hơn một năm tái cấu trúc lại hai tập đoàn, tổng công ty, bước đầu đười sống của những cán bộ công nhân viên đã được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, để có được một Vinalines, Vinashin vững mạnh chúng ta phải chờ đợi vài năm nữa.

Liên quan đến việc chậm chuyển kinh phí hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống của khoảng 100 thủy thủ đang lênh đênh trên biển. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, đảm bảo cuộc sống của các thủy thủ trên tàu trong thời gian chờ bán tàu để trả lương cho các thủy thủ đó là trách nhiệm của Bộ GTVT và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Nếu các thủy thủ có đơn thư chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại vụ việc này với phương châm không để một sai xót nào xảy ra khiến các thủy thủ phải “ăn sương nằm trời” ở trên biển.

Thiên Minh