Quan chức và truyền thông

07:00 | 11/03/2015

1,345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở các nước, nhiều chính khách, thậm chí cả Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện đã sử dụng mạng xã hội và công khai tài khoản để giao tiếp với người dân là chuyện bình thường. Nhưng ở nước ta thì còn là cực hiếm.

Năng lượng Mới số 403

Các quan chức ở nước ta có cách tiếp cận truyền thông chủ yếu là đọc báo, nghe đài, xem đài và nghe báo cáo. Nhưng việc sử dụng mạng xã hội còn rất hạn chế vì ở nước ta, số quan chức biết sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội không nhiều nếu không muốn nói là rất ít. Hẳn vì thế, nếu cán bộ giúp việc “quên” báo cáo thì coi như nẻo đường truyền thông đều nghẽn tắc. Người ta nhớ lại, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã phàn nàn rằng, quá nhiều cán bộ ở thành phố này mù tịt với máy tính nên mấy chục vạn văn bản hành chính vẫn phải in, phải gửi qua đường công văn. Ở Hà Nội, 100% đại biểu HĐND thành phố được trang bị laptop nhưng không biết có mấy người sử dụng thành thạo cho công việc của một đại biểu nhân dân.

Một cựu bộ trưởng kể lại với tôi rằng, khi đương chức, bộ máy đọc báo, xem đài của văn phòng bộ phải cập nhật thông tin hằng ngày và báo cáo ông mỗi buổi sáng xem có báo nào “thăm hỏi” bộ mình không. Và nếu có là cả bộ máy văn phòng, các cục, vụ liên quan sẽ sôi lên sùng sục vì báo cáo, giải trình, đề xuất. Người ta cũng nhớ việc nhà báo nọ đã thất vọng khi thư ngỏ của mình gửi bộ trưởng về việc lập một “câu lạc bộ” hảo tâm chỉ lo sao bữa cơm của các em học sinh dân tộc nội trú có thêm miếng thịt đã bị chìm trong im lặng. Không lẽ vì ông này không biết dùng máy tính, không đọc báo mạng và không biết gì là facebook.

Chuyện gần đây thì có hậu hơn khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng không chỉ trả lời thắc mắc của một công dân ở TP HCM trên trang mạng vì bị làm khó khi xin phép xây nhà trọ cho công nhân. Bộ trưởng không chỉ đôn đốc việc xử lý, giao cho bộ máy thuộc quyền tiếp cận thông tin và còn gọi điện cho công dân này. Và nhờ đó, vấn đề đã được giải quyết khiến công dân này xúc động. Đây là cách tiếp cận truyền thông có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Ở các nước, nhiều chính khách, thậm chí cả Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện đã sử dụng mạng xã hội và công khai tài khoản để giao tiếp với người dân là chuyện bình thường. Nhưng ở nước ta thì còn là cực hiếm. Vậy nên, chuyện Bộ trưởng Bộ Y tế công khai tài khoản facebook với thông điệp “lắng nghe và thấu hiểu” được nhiều fan coi là dũng cảm vì ngành y tế luôn nóng và từng xảy ra nhiều vụ việc khiến người dân bức xúc. Và đây là chuyện mới nhất, thậm chí là “hot” nhất khi Văn phòng Bộ Y tế  có thông báo chính thức về trang fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại địa chỉ http://www.facebook.com/botruongytevn.

Với thông điệp “Lắng nghe & thấu hiểu”, fanpage này hoạt động với mục đích cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực y tế, tiếp nhận những phản ảnh của quần chúng nhân dân.

Sau 7 ngày công bố địa chỉ facebook, fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế đã có hơn 150 nghìn lượt thích (like) và có hàng trăm lời chia sẻ, ý kiến phản ánh của người dân đến nữ Bộ trưởng. Phó chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, fanpage do Bộ trưởng trực tiếp quản lý và điều hành. Hóa ra, gần đây trên facebook có nhiều trang giả mạo fanpage Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế và để không bị nhầm lẫn văn phòng Bộ Y tế đã quyết định công khai địa chỉ fanpage của Bộ trưởng. Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế (https://www.facebook.com/botruongboytevn) là trang facebook chính thức và duy nhất của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Fanpage của Bộ trưởng có mục tiêu chủ yếu là đưa ra các hoạt động của ngành, đầu tiên là cung cấp thông tin đến với công luận, sau khi nhận được những phản hồi, góp ý từ phía người dân, Bộ trưởng sẽ xem xét và có những biện pháp xử lý thích hợp. Thư ký của Bộ trưởng khẳng định thêm, hằng đêm Bộ trưởng vẫn tranh thủ thời gian theo dõi mọi diễn biến, đặc biệt là về y tế trên trang này. Nếu vấn đề trả lời được luôn, Bộ trưởng sẽ trả lời, còn vấn đề chưa thể trả lời ngay thì Bộ trưởng sẽ có chỉ đạo hoặc chuyển sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc lập trang facebook của Bộ trưởng là một phần để Bộ trưởng có thể lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân về ngành y. Nếu không có máy tính, smartphone để dùng facebook, người dân, nhất là bệnh nhân có thể phản ánh qua đường dây nóng của Bộ Y tế.

Hiện nay, đường dây nóng của ngành y tế ở 1.400 bệnh viện và công bố rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phương châm “lắng nghe và thấu hiểu” chắc chắn sẽ giúp Bộ trưởng tiếp cận thông tin nhanh hơn, kịp thời hơn để xử lý điều hành. Hãy hình dung, nếu có nơi nào định giấu nhẹm thông tin dịch bệnh, tai biến chết người bị “lộ bem” sẽ có ích như thế nào với y tế dự phòng, với công tác điều trị.

Trong khi sự giao tiếp giữa cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao trong bộ máy Nhà nước với người dân hiện nay vẫn chỉ qua các phòng tiếp dân, chủ yếu vẫn là tiếp nhận đơn thư và kính chuyển hoặc thông tin một chiều qua đường dây nóng thì việc công khai tài khoản của Bộ  trưởng Bộ Y tế là việc rất nên làm.

Bảo Dân