Phương Tây tranh giành dầu mỏ ở Libya

06:57 | 17/08/2016

785 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã có 6 quốc gia phương Tây bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng giữa phe đối lập ở Libya hiện nay với lực lượng bảo vệ các cơ sở dầu khí ở nước này. Sau khi giúp phe đối lập lật đổ chính quyền Kadhafi, các nước này đã nhanh chóng đòi “trả công” và giờ họ phải lo bảo vệ chiến lợi phẩm của mình ở đây.  

Trong một tuyên bố chung, các quốc gia phương Tây này nói rằng, họ ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) trong nỗ lực giải quyết một cách hòa bình những hành động phá hoại hoạt động xuất khẩu dầu của Libya.

6 nước gồm (Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Italia và Anh) kêu gọi các bên tham chiến không có những hành động thù địch và tránh gây ảnh hưởng hoặc phá hoại các cơ sở dầu mỏ ở Libya. Họ đặc biệt quan ngại về tình trạng leo thang bạo lực tại Zueitina, một trong những cơ sở lọc dầu chính của Libya, cách thành phố Benghazi 100km về hước Tây Nam.

Hiện nay, lực lượng trung thành của tướng Khalifa Haftar, đóng căn cứ ở phía đông Libya và là phe đối lập của GNA, đang đe dọa sẽ phá hủy cơ sở Zueitina. Cơ sở này hiện nằm dưới sự kiểm soát của một nhánh đối lập có tên gọi Lực lượng bảo vệ các cơ sở khai thác dầu mỏ ở Libya (GIP).

phuong tay tranh gianh dau mo o libya
Cơ sở lọc dầu Zueitina

Gần đây GNA thông báo ý định tái xuất khẩu dầu thô của Libya sau khi bị đình trệ trong nhiều tháng do mâu thuẫn chính trị và các cuộc tấn công phá hoại của phiến quân. Nhưng Lực lượng vũ trang Quốc gia Libya (ANL) do Tướng Haftar đứng đầu phản đối việc này. Ngày 26-7 vừa qua, ANL đã đe dọa sẽ phá hủy các cơ sở dầu mỏ có liên quan tới chính quyền Tripoli và huy động hàng chục xe tăng tới sát Zueitina. Lực lượng bảo vệ các cơ sở dầu mỏ coi đây là một âm mưu nhằm chiếm Nhà máy Zueitina, vốn do họ kiểm soát từ sau khi chế độ Mouammar Kadhafi sụp đổ vào năm 2011 và tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn để bảo vệ cơ sở này. “Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu và không cho phép họ tiếp cận được cơ sở lọc dầu này”- Ali al-Hassi, phát ngôn viên GIP nói với AFP.

Trước những căng thẳng mới, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Italia và Anh đã lên tiếng yêu cầu GNA phải bảo vệ các cơ sở lọc dầu ở Libya.

Làm chủ trữ lượng dầu mỏ lớn nhất của châu Phi, Libya trong giai đoạn hậu Kadhafi đang hình thành chính sách phát triển năng lượng mới. Phương Tây đã yểm trợ phe nổi dậy giành lấy chính quyền, tìm mọi cách để chiếm lấy dầu của Libya.

Vào năm 2011, khi Libya còn chưa im tiếng súng, các tập đoàn dầu khí quốc tế - từ ENI của Italia đến BP (Anh) hay Total của Pháp, ExxonMobil của Mỹ và Qatar Oil đã cử chuyên gia đến hiện trường như để nhắc nhở GNA về công lao của NATO trong việc lật đổ chế độ Kadhafi.

Trước khi chế độ Kadhafi sụp đổ, mỗi ngày Libya khai thác 1,5-1,6 triệu thùng dầu, tương đương với 2% mức sản xuất của thế giới. Libya tới nay đứng hạng thứ 17 trong số các quốc gia sản xuất dầu mỏ và là nguồn cung cấp lớn thứ ba của châu Phi. 85% khối lượng dầu của Libya được xuất khẩu sang châu Âu. Italia là đối tác thương mại dầu mỏ hàng đầu của chính quyền Tripoli dưới thời Đại tá Kadhafi: Roma mua vào 28% dầu thô của Libya, kế đến là Pháp với 15%. Trong khi đó, Trung Quốc hút 11% dầu của Libya. Trong số những khách hàng của Libya thì Mỹ đứng rất xa với vỏn vẹn 3% dầu mỏ của Libya. Theo thẩm định của Tạp chí Dầu khí, dự trữ dầu lửa của Libya lên tới 46 tỉ thùng dầu - lớn gấp 10 lần so với Ai Cập và hơn hẳn Nigeria (37 tỉ thùng dầu) hay Algéria (12,2 tỉ thùng). Nigeria và Algéria vốn được coi là những quốc gia có trữ lượng lớn nhất của châu Phi. Ngoài dầu mỏ, Libya cũng còn là một quốc gia với tiềm năng khai thác khi đốt rất cao (1.500 tỉ m3), có thể đứng hạng tư của toàn châu Phi.

Cho đến tháng 2-2011, ngành công nghiệp dầu mỏ Libya được đặt dưới sự kiểm soát của khoảng một chục tập đoàn quốc gia và tất cả đều được đặt dưới sự “chỉ đạo” của Đại tá Kadhafi, qua trung gian của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia NOC. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự hiện diện của 35 tập đoàn nước ngoài. Từ ExxonMobile, Chevron đến Shell hay ConocoPhilipps, Wintershall, BP… đều đã “cắm dùi” tại Libya từ năm 2006 khi chính quyền Tripoli bắt đầu cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế. Trong số các tập đoàn ngoại quốc hiện diện tại Libya thì không thể quên CNPC của Trung Quốc, hai đại gia của Nga là Gazprom Neft và Tatneft.

Khi chính quyền Kadhafi bị lật đổ, GNA đã ký kết với nhiều công ty dầu khí phương Tây, đứng đầu là ENI, Total, Shell, BP và cũng đã không quên sự hỗ trợ quý giá của các nước Arập như Tiểu vương quốc Qatar. ENI đã ký hợp đồng khai thác dầu mỏ dài hạn với Lybia cho đến năm 2042. Tập đoàn Dầu khí Total của Pháp cũng kiếm được nhiều hợp đồng béo bở ở Libya.

Đây là những lý do khiến 6 nước phương Tây giờ đây phát hoảng khi các cơ sở dầu khí ở Libya có nguy cơ bị tấn công.

Giới quan sát lưu ý rằng, Libya là một quốc gia có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao. Dầu mỏ là biểu tượng của đất nước này. Khó có thể tin rằng, thành phần chính phủ mới ở Libya dù có “chịu ơn” của phương Tây, sẽ mở rộng cửa, mở rộng các khoản dự trữ dầu mỏ để cho các nhà đầu tư quốc tế vào khai thác. Tripoli dù dưới sự lãnh đạo của ai đi chăng nữa cũng sẽ không dễ dàng bán rẻ vàng đen của Libya.

Ngoài dầu khí, khi yểm trợ phe nổi dậy, NATO còn nhắm đến nhiều hợp đồng quan trọng khác của Libya trong giai đoạn tái thiết đất nước: từ các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đến chương trình trang bị máy bay cho hãng hàng không quốc gia Air Libya, hay trang bị quân sự cho một chế độ có trong tay đến 150 tỉ USD dự trữ ngoại tệ.

S.Phương (tổng hợp)

Năng lượng Mới 549