Pháp: Chính sách “thuế sinh thái” thất bại

07:00 | 15/12/2018

200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc tập hợp lần thứ tư của phong trào áo vàng tại Pháp diễn ra ngày 8/12/2018 cho thấy, chính sách “thuế sinh thái” của Chính phủ Pháp (tăng thuế xăng dầu để có tiền đầu tư cho kinh tế xanh) đã phá sản, bởi bị đông đảo người dân coi là bất công.  

Cuối tháng 11/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trình bày những lựa chọn chiến lược về năng lượng cho tương lai trước Hội đồng Quốc gia chuyển đổi sang kinh tế xanh, thông báo tăng số tiền để phát triển năng lượng tái tạo từ 5 tỉ euro/năm như hiện nay lên 7-8 tỉ euro/năm.

Trong giai đoạn 2018-2029, Pháp sẽ chi 71 tỉ euro cho năng lượng tái tạo (điện, khí gas sinh học, nhiệt tái tạo). Pháp sẽ tăng gấp 3 lần sản lượng điện gió và 5 lần sản lượng điện mặt trời từ nay đến năm 2030, đồng thời đóng cửa 14 trong số 58 lò phản ứng hạt nhân từ nay đến năm 2035. Để có tiền làm những việc đó, Chính phủ Pháp phải đánh thuế lên xăng dầu.

chinh sach thue sinh thai that bai
Người áo vàng biểu tình ở Paris, Pháp ngày 8/12

Theo chuyên gia kinh tế Eloi Laurent, đồng tác giả cuốn “Những bất bình đẳng về môi trường”, gắn kết hai mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ môi trường chính là mấu chốt của công cuộc chuyển đổi lớn mà nhân loại thế kỷ XXI phải tiến hành. Những nạn nhân của chính sách thuế xăng dầu hiện nay cũng là nạn nhân của tình trạng môi trường sinh thái bị hủy hoại (theo nghĩa đó, họ là các nạn nhân sinh thái, nạn nhân môi trường).

Theo ông Laurent, cần hiểu được lý do đã dẫn đến nỗi thất vọng rất sâu sắc tại Pháp về vấn đề thuế. Rõ ràng là có sự bất công và điều này không liên quan gì đến mục tiêu chuyển đổi sinh thái. Chính sách của Chính phủ Pháp đã giảm thuế cho những người giàu có nhất, trong khi đó lại không hề bù đắp gì cho những người nghèo nhất. Không phải vấn đề thuế sinh thái bị phản đối, vì thực ra mức thuế này ở Pháp rất thấp. Nếu xem xét tỉ trọng của thuế môi trường trong tổng số thuế thu và trong tổng sản phẩm quốc nội của Pháp, có thể thấy Pháp đứng hàng thứ 27 trong EU (theo số liệu của Eurostat).

Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Pháp vừa mang tính xã hội, vừa mang tính sinh thái. Lý do là các điều kiện tiếp cận với năng lượng tại Pháp không được công bằng, khiến người dân nổi giận. Việc không rốt ráo giải quyết “các bất bình đẳng môi trường” của thế kỷ XXI đồng nghĩa với việc để cho “các trái bom nổ chậm xã hội” rải khắp nơi tại Pháp, trong đó có tình trạng bấp bênh về khả năng tiếp cận năng lượng. Khoảng 8 triệu người ở Pháp không trả được tiền điện, tiền sưởi ấm. Một bấp bênh khác về năng lượng nữa là vấn đề giao thông. Phải thừa nhận đây là một mấu chốt vừa mang tính xã hội, vừa mang tính sinh thái. Nếu không chấp nhận điều này, trong tương lai sẽ còn nhiều khủng hoảng nữa.

Chuyên gia kinh tế Eloi Laurent cho rằng những người áo vàng ở Pháp là nạn nhân của cuộc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Thu nhập của họ dao động giữa 800 và 1.100 euro/tháng (mức lương tối thiểu tại Pháp là 1.500 euro/tháng). Họ bị mắc kẹt bởi giá cả năng lượng dùng cho nơi ở và vấn đề đi lại. Họ dễ bị tổn thương bởi giá cả các loại năng lượng hóa thạch chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng nữa, với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay. Đây là một vấn đề lớn. Những người này đã hoàn toàn có lý khi cho rằng, nếu không làm gì để giúp cho cuộc chuyển đổi sang kinh tế xanh đi liền với công bằng xã hội thì chắc chắn sẽ dẫn tới bất công. Ví dụ, việc sửa chữa một ngôi nhà theo hướng tiết kiệm năng lượng hơn giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm bớt nghèo khó, một công đôi việc...

Thụy Điển là một trường hợp thành công trong việc kết hợp được chuyển đổi sang kinh tế xanh với công bằng xã hội. Họ đã khởi động cuộc tranh luận này ngay vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Chính phủ Thụy Điển đã dành thời gian để giải thích với toàn xã hội về các lợi ích của cuộc chuyển đổi sinh thái, rằng việc đi lại giữa nơi ở và làm việc do mở rộng đô thị gây ra ô nhiễm nặng ở các thành phố lớn, để lại các hậu quả tồi tệ về sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới đã nghiên cứu rất kỹ về chủ đề này. Hiện nay, một tấn khí thải CO2 ở Thụy Điển có giá tới 120 euro, trong khi đó Thụy Điển cũng là nước vừa thành công về mặt kinh tế, xã hội, cũng như đạt được các mục tiêu về khí hậu. Tại Pháp, cách tiếp cận của chính quyền hiện nay là chưa hợp lý, dẫn đến khủng hoảng.

Ngày 9/12/2018, Reuters dẫn tuyên bố của Chính phủ Pháp cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ có thông báo lớn trong tuần này, sau khi xảy ra thêm các cuộc phản đối của người biểu tình áo vàng. Một ngày trước đó, những người phản đối chính phủ đụng độ với cảnh sát chống bạo loạn. Họ châm lửa đốt xe cộ và phá hoại các cửa hàng, trong cuộc biểu tình vào ngày cuối tuần thứ tư liên tiếp.

Sau các cuộc bạo loạn tuần trước, Chính phủ Pháp đã nhượng bộ bằng cách ngừng tăng thuế nhiên liệu dự kiến áp đặt vào tháng 1/2019. Những người biểu tình áo vàng yêu cầu giảm thuế, tăng lương tối thiểu và nâng các đãi ngộ.

Trong lúc mọi người đang trông đợi thông báo các biện pháp mới của Tổng thống Pháp nhằm xoa dịu cơn phẫn nộ của phe áo vàng, giới nông dân Pháp cho biết sẵn sàng xuống đường trên toàn quốc phản đối áp lực thuế khóa, các chính sách nông nghiệp của chính phủ và mức thu nhập thấp.

FNSEA, nghiệp đoàn nông dân lớn nhất, lập luận rằng, chuyển đổi sinh thái nông nghiệp chỉ có thể thực hiện khi thu nhập của người nông dân được cải thiện. Đánh thuế trừng phạt không phải là một biện pháp hữu hiệu. Mức tăng thuế mới nhắm vào việc gây ô nhiễm dài hạn, liên tục được đề xuất trong dự luật ngân sách 2019 có thể làm cho thu nhập của người trồng lúa mạch bị giảm đáng kể.

Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Pháp vừa mang tính xã hội, vừa mang tính sinh thái. Lý do là các điều kiện tiếp cận với năng lượng tại Pháp không được công bằng, khiến người dân nổi giận

S.Phương

Nước Pháp sẽ ra sao vào thứ Bảy này?
Phong trào “Áo vàng” Pháp khởi phát từ đâu?
Pháp lại "nóng" chuyện điện hạt nhân
"Biến tướng" phong trào chống giá xăng dầu tại Pháp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc