"Biến tướng" phong trào chống giá xăng dầu tại Pháp

09:29 | 27/11/2018

474 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khởi sự từ một phong trào chống giá xăng dầu tăng cao và tưởng chừng chỉ dừng lại ở ngày tổng động viên 17/11/2018, song phong trào này đang bị “biến tướng”.  

Trong vòng 1 năm qua, giá 1 lít xăng 95 không chì tăng 15%, từ 1,343 euro lên 1,556 euro. Cùng thời gian, giá 1 lít dầu diesel tăng 23%, từ 1,235 euro lên 1,523 euro, theo giá niêm yết trong tháng 10/2018 trước khi hạ xuống đôi chút. Tuy nhiên, cơn phẫn nộ của những người chống nhiên liệu lên giá không giảm. Thông điệp loan truyền trên mạng đã thu được 1 triệu chữ ký...

bien tuong phong trao chong gia xang dau tai phap
Người biểu tình chống giá xăng dầu ở Pháp ngày 21/11

Ngày 17/11/2018 là thời điểm những người tổ chức cuộc tổng biểu tình xuống đường để làm nước Pháp tê liệt giao thông. Theo thống kê của Chính phủ Pháp, trong ngày 17/11, tổng cộng có 287.710 người tham gia tại 2.034 địa điểm trên toàn nước Pháp. Phong trào tiếp tục kéo dài sang ngày 18 rồi 19, 20/11...

Những ngày này con số người tham gia tuy không đông bằng ngày tổng động viên 17/11 nhưng số vụ va chạm giữa người biểu tình và lực lượng an ninh lại tăng cao. Cảnh sát ở một số địa phương đã phải dùng hơi cay để giải tán những đám biểu tình cố tình chặn đường giao thông, nhưng nhìn chung, không có tình trạng giao thông bị ùn tắc tồi tệ như nhiều người lo ngại. Ngày 19/11, Tập đoàn Total cho biết, có 2 kho xăng, 1 ở miền nam gần Marseille và 1 ở phía tây vùng Vendée bị người biểu tình phong tỏa.

Nhiều người tranh đấu cho biết họ kiên trì hoạt động và chờ đợi các thành phần khác trong xã hội ủng hộ. Dự báo sẽ có một cuộc xuống đường lớn hơn. Các cuộc biểu tình của “phe áo vàng” (gilet jaune) đã khiến 1 người chết và 528 người bị thương, trong đó có 92 cảnh sát. Nạn nhân là một phụ nữ bị giẫm đạp đến chết khi bị một rào chắn đè lên trong cuộc ẩu đả giữa người biểu tình và cảnh sát ở Savoie, miền Đông Nam nước Pháp. Đã có hàng trăm người biểu tình bị cảnh sát câu lưu trong những ngày qua.

Khởi đầu từ việc phản đối giá xăng dầu tăng, phong trào phản kháng mở rộng sang tố cáo chính sách thuế của chính phủ khiến sức mua của người dân giảm sút. Tuy không làm tê liệt được nước Pháp như mong muốn, nhưng sự hưởng ứng rộng rãi trên toàn quốc có thể coi như thành công đối với một phong trào tự phát trên mạng xã hội, không có sự tham gia của các đảng phái và nghiệp đoàn.

Kể từ ngày 1/1/2019, thuế đánh vào dầu diesel tăng lên 6,5 cent, vào xăng tăng 2,9 cent. Một nghiên cứu do Hãng Argus công bố ngày 18/11/2018 cho thấy, những địa phương dùng xe chạy dầu diesel nhiều nhất cũng là nơi có nhiều gia đình nghèo nhất.

Theo một cuộc thăm dò của Viện Nghiên cứu thị trường và thăm dò quốc tế (IFOP) đăng trên Journal du Dimanche ngày 19/11/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất thêm 4 điểm tín nhiệm trong tháng 11, chỉ còn 25%, thấp nhất từ trước đến nay. Tình huống này làm Chính phủ của Tổng thống Macron phải khẩn cấp tìm biện pháp giải nguy trước khi các phong trào tranh đấu xã hội khác nhập cuộc.

Trước khi phong trào “áo vàng” xuống đường, Chính phủ Pháp đã tìm cách ngăn cản bằng nhiều biện pháp. Ngày 15/11, Chính phủ Pháp đưa ra 5 biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng, khẳng định không từ bỏ sắc thuế đánh vào carbon được coi là để phục vụ cho tiến trình chuyển sang mô hình kinh tế xanh, nhưng gia tăng các biện pháp hỗ trợ người thua thiệt. Theo đó, 500 triệu euro sẽ được giải ngân để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do giá xăng dầu tăng cao.

Trong số 5 biện pháp đưa ra có biện pháp hỗ trợ tiền cho việc chuyển sang mua xe chạy điện hay động cơ lưỡng hợp điện - xăng, với tài trợ tối đa lên tới 4.000 euro cho các gia đình khó khăn nhất; thêm 2 triệu người (so với 3,6 triệu người hiện nay) sẽ được hưởng tiền trợ giá khoảng 50-75 euro/người, với tổng chi tới 160 triệu euro.

Tối 18/11, đích thân Thủ tướng Pháp lên đài truyền hình cho biết, Chính phủ thông cảm với sự bất bình chính đáng của người biểu tình nhưng quyền của người cần tự do đi lại cũng chính đáng tương tự. Cố gắng thuyết phục công luận về nhu cầu chính đáng chống biển đổi khí hậu, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố duy trì mục tiêu đi tới kèm theo lời hứa là các biện pháp cải cách cấu trúc kinh tế và thuế khóa sẽ có hiệu quả chậm nhất là trong 3-4 năm tới.

Cùng ngày, trên kênh truyền hình France 2, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner chỉ trích là phong trào “áo vàng” đã “hoàn toàn chệch hướng”. Ông Castaner kêu gọi người biểu tình tôn trọng nguyên tắc tự do lưu thông và cảnh báo lực lượng an ninh sẽ sớm được triển khai để giải tỏa ách tắc trên các tuyến đường và ở các kho xăng dầu một cách có hệ thống và có phương pháp, tránh để xảy ra xô xát với người biểu tình.

Chính phủ Pháp đưa ra 5 biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng. Theo đó, 500 triệu euro sẽ được giải ngân để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do giá xăng dầu tăng cao.

Song Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc