Phá đường dây lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia

11:00 | 07/12/2012

760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để qua mặt lực lượng cảnh sát quốc tế, các đối tượng liên tục di chuyển địa điểm hoạt động. Ở mỗi quốc gia, bọn chúng chỉ ở khoảng một tháng.

>> Bắt giữ hàng chục người Việt Nam và nước ngoài liên quan đến tội phạm công nghệ cao

Hơn 200 “kịch bản” soạn sẵn để lừa đảo

Trung tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Chánh văn phòng Công an TP HCM cho biết, ở biệt thự 113/3, lực lượng Công an bắt quả tang 27 đối tượng (22 nam, 5 nữ) là người vùng lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc. Tại đây, các đối tượng đang sử dụng các thiết bị công nghệ cao như voice IP, bộ đàm, Internet… để gọi cho những người đang sống ở Trung Quốc, Đài Loan và một số quốc gia Đông Nam Á để lừa đảo.

Khi phát hiện lực lượng chức năng truy bắt, nhiều đối tượng nhảy qua cửa sổ định bỏ trốn nhưng rớt xuống ao và bị trinh sát phục sẵn bên dưới tóm gọn.  

Ở hướng khác, các trinh sát ập vào căn hộ F13 trong khu biệt thự Thảo Điền 1 (phường Thảo Điền, quận 2) bắt quả tang 24 đối tượng (19 nam, 4 nữ) cũng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.

Bảy đối tượng mấu chốt trong băng nhóm hoạt động xuyên quốc gia

Tất cả các đối tượng này đã bị cơ quan chức năng khống chế hoàn toàn. Khai thác nhanh, các đối tượng khai kẻ cầm đầu của băng lừa đảo xuyên quốc gia này đang trên đường tháo chạy. Ngay lập tức, nhóm trinh sát được cắt cử đi truy bắt. Ngay sau đó, lực lượng Công an phát hiện tên cầm đầu đang ẩn nấp bên vệ đường để liên lạc vào tổng đài của hãng xe taxi nhằm tìm cách đào tẩu. 

Tang vật của vụ việc bị thu giữ gồm: 21 laptop, 18 modem dùng kết nối Internet, 58 voice IP, 77 điện thoại bàn, 25 ĐTDĐ các loại, 77,8 triệu đồng Việt Nam, hơn 6.000 USD, 127.400 nhân dân tệ.

Điều đáng chú ý, cơ quan chức năng khám xét 2 căn hộ này thì phát hiện có đến 200 “kịch bản” được bọn chúng soạn sẵn để thực hiện cho những phi vụ lừa đảo sắp tới.

Liên tục thay đổi địa điểm hoạt động

Đến chiều cùng ngày, Công an TP HCM vẫn đang tiếp tục phân loại đối tượng, niêm phong tang vật và tiến hành lấy lời khai.

Trung tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết, băng nhóm tội phạm người Trung Quốc hoạt động xuyên quốc gia. Những tên này đã liên lạc về Trung Quốc và một số quốc gia khác ở Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia…

Bên ngoài khu biệt thự Thảo Điền 1

Để qua mặt lực lượng cảnh sát quốc tế, các đối tượng liên tục di chuyển địa điểm hoạt động. Ở mỗi quốc gia, bọn chúng chỉ ở khoảng một tháng. Đơn cử, nếu những đối tượng trên sau khi ở Việt Nam sẽ luân chuyển sang Indonesia. Đồng thời, băng nhóm ở Indonesia sẽ sang Việt Nam thế chỗ.

Cách thức của bọn chúng vào các quốc gia thường bằng visa du lịch có thời hạn 6 tháng để nhập cảnh và xuất cảnh. Điều tra ban đầu, cơ quan chức năng TP HCM xác định được 5 đối tượng cầm đầu và 1 đối tượng người Việt Nam đóng vai trò đi thuê nhà cho bọn chúng thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng này sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam để giả danh là người của Cục Công an, Cục Thuế…

Phương thức hoạt động tinh vi

Băng nhóm này khai thác thông tin nạn nhân để tiến hành lừa đảo thông qua 3 bước.

Bước 1, bọn chúng dùng voice IP ngồi tại Việt Nam hoặc một nước nào đó ở Đông Nam Á, gọi về Quảng Đông, Bắc Kinh hoặc Đài Loan… để thông báo cho người nhận cuộc gọi là Công an hoặc Sở Thuế đang theo dõi.

Khi nạn nhân gọi điện lại, băng nhóm này cho nạn nhân số điện thoại và mã vùng của Trung Quốc nhưng thực tế, chúng đang ngồi tại Việt Nam. Trong lúc nạn nhân trò chuyện, băng tội phạm bật còi hú giống như đang làm việc tại Cục Cảnh sát. Ở bên ngoài, một số đối tượng khác nói vọng vào điện thoại là đã bắt tên A, B, C… nào đó chưa làm cho nạn nhân ở đầu dây bên kia cứ tưởng như đang nói chuyện với người của cơ quan chức năng thật.

Bước 2, bọn chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp số tài khoản của mình. Khi nạn nhân cung cấp số tài khoản, chúng không nhận ngay mà yêu cầu gửi cho nhóm đối tượng khác khiến nạn nhân không một chút nghi ngờ.

 Bước 3, khi nạn nhân gọi cho nhóm đối tượng cuối cùng thì cũng là lúc nạn nhân bị mất tiền.

Trung tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết, để thực hiện 3 bước nêu trên, khi thuê biệt thự làm địa điểm lừa đảo, băng tội phạm này còn thiết kế các thiết bị cách âm căn phòng y như trường phim để tạo tiếng động. Để nạn nhân tin tưởng hoàn toàn, khi gọi vào vùng Bắc Kinh, băng tội phạm dùng người Đài Loan để gọi vì nơi này sử dụng tiếng phổ thông.

Khi gọi về khu vực Quảng Đông, thì chúng dùng người Trung Quốc (quê Quảng Đông) gọi cho nạn nhân. Trong vụ án này giữa Công an Việt Nam và Đài Loan, Trung Quốc có phối hợp với nhau về mặt trao đổi thông tin.

Hiện vụ án vẫn đang được mở rộng điều tra.

Long Đỗ