Ông Vũ Mão bàn về những quyết định mạnh tay của Thủ tướng Chính phủ

15:45 | 26/11/2015

1,027 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định, việc Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 28/2015, trong đó đề cập trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc chủ trì soạn thảo, thẩm đình, trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một bước đi mới nhằm siết chặt kỷ luật công vụ, hướng tới sự phục vụ nhân dân tốt hơn. 

P.V: Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 28/2015 về việc triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có đề cập đến trách nhiệm đối với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo, thẩm định, trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp dự thảo văn bản phân công thực hiện không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Từ góc độ thực tiễn, ông đánh giá thế nào về Chỉ thị này?

Ông Vũ Mão: Tôi rất hoan nghênh chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì điều đó phù hợp với tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng xuất phát từ thực tiễn là không ít Luật đã được Quốc hội thông qua mà rất khó đi vào cuộc sống.

Dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội, nhưng thực chất công việc soạn thảo cụ thể thì giao cho các Bộ, vì vậy, vai trò chỉ đạo của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ rất quan trọng. Luật có đi vào cuộc sống được hay không, hay là vừa làm xong đã phải sửa, có phần trách nhiệm rất lớn từ các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

ong vu mao ban ve nhung quyet dinh manh tay cua thu tuong chinh phu
Ông Vũ Mão

Việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, kiến nghị hình thức xử lý trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang gấp rút để gia nhập ngôi nhà chung ASEAN, gia nhập TPP… cho nên không thể để tiếp diễn tình trạng nợ đọng văn bản như thời gian vừa rồi.

Tôi cũng góp ý thêm là khi xây dựng luật cần phải tính ngay tới dự thảo Nghị định, thậm chí cả Thông tư để trình đồng thời ra Quốc hội, để các đại biểu Quốc hội, các địa phương, các chuyên gia góp ý. Rồi sau khi Luật thông qua thì chậm nhất 3 tháng phải ban hành được Nghị định, Thông tư để luật đi vào cuộc sống.

P.V: Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất rõ và cụ thể, vấn đề là việc các bộ, ngành tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả ?  

Ông Vũ Mão: Việc Thủ tướng chỉ đạo như vậy là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục nâng cao kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để phát huy hiệu quả tốt nhất? Tôi mong rằng Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết liệt, chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng.

Cụ thể trong trường hợp này, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, phối hợp với nhau thì 3 cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và xa hơn nữa là chịu trách nhiệm trước nhân dân, nếu không hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao.

Khi Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị như vậy tức là xuất phát từ thực tế yêu cầu cuộc sống đòi hỏi phải làm ngay, đó cũng là bức xúc bấy lâu nay của cả xã hội. Việc chậm ban hành văn bản hay văn bản kém chất lượng đâu chỉ ảnh hưởng tới một vài cá nhân, mà ảnh hưởng tới hàng nghìn con người.

Theo tôi, hàng tháng, hàng quý, Thủ tướng nên kiểm tra và đánh giá, qua đó biểu dương những cá nhân và đơn vị làm tốt, phê bình, khiển trách những nơi làm chưa tốt, thậm chí nếu mắc lỗi nhiều lần thì cần phải đưa ra tập thể Chính phủ để xem xét trách nhiệm.

P.V: Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quy trách nhiệm cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ giúp thúc đẩy công tác cán bộ tốt hơn, thưa ông? 

Ông Vũ Mão: Đúng thế! Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như vậy sẽ giúp cho cả tập thể Chính phủ, cho Quốc hội và nhân dân thấy được năng lực thực sự của từng vị Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Qua thực tế công tác nhiều năm ở địa phương và Trung ương, tôi thấy rằng, khi là người lãnh đạo mà chỉ đi đôn đốc, phát biểu chỉ đạo chung chung ở cơ sở, ở địa phương thì không khó lắm; nhưng cái khó là từ thực tiễn phải tổng kết kịp thời và xây dựng các Nghị định, Thông tư cho phù hợp với luật đã ban hành và đáp ứng yêu cầu của đời sống thì rất vất vả.

Vì vậy, điều quan trọng là người lãnh đạo các bộ, ngành phải làm đúng chức năng quản lý Nhà nước của mình, trong đó trước hết phải tập trung vào chuẩn bị các văn bản pháp luật để phục vụ cho công tác quản lý như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Báo Đảng Cộng Sản

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc