Oan sai, ai chịu?

07:00 | 08/11/2013

2,458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giờ đây, người dân cả nước đang chờ đợi xem các cơ quan công quyền sẽ xử lý hậu oan sai như thế nào để thể hiện được công lý.

Bùi Đức (NLM số 272)

"Ơn Đảng, Chính phủ, tôi đã được trở về với gia đình. Ơn bố, mẹ sinh ra chỉ có một lần nhưng lần này, Đảng và Chính phủ đã sinh ra tôi lần thứ hai” - đó là câu nói của người tù oan Nguyễn Thanh Chấn ngay khi từ trại giam trở về. Câu nói chân thành, giản dị ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ. Khi thủ phạm giết người ra đầu thú, khi các cơ quan chức năng đã động lòng trắc ẩn thì ông mới hưởng một cái kết có hậu, tuy có quá muộn mằn. Nhưng giờ đây, người dân cả nước đang chờ đợi xem các cơ quan công quyền sẽ xử lý hậu oan sai này như thế nào để thể hiện được công lý.

Ông Nguyễn Thanh Chấn bước đầu được minh oan

Nỗi đau sau 10 năm oan ức khiến ông Chấn chưa kịp nhận ra một sự thật là chính lương tâm của kẻ giết người đã thức tỉnh khi y ra đầu thú mới là yếu tố quyết định đem lại tự do cho ông. Một sự thật cay đắng là các cơ quan tố tụng được trao quyền “nhân danh Nhà nước” đã tùy tiện đẩy ông vào vòng lao lý với án tù chung thân. Thế nhưng, sẽ có sự tranh công đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm của những người trực tiếp gây ra vụ án oan sai này. Mới bước đầu phát hiện ra sự sai trái, hiện tượng ấy đã xuất hiện. Chúng ta hãy nghe ông Thẩm phán Nguyễn Minh Năng (Chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Thanh Chấn năm 2004) nói với báo chí: “Tôi quên phiên xét xử đó rồi. Có gì nhà báo cứ xem bản án. Giờ tôi không trả lời gì được đâu. Hồi xưa xét xử thì dựa trên chứng cứ, tài liệu vụ án chứ giờ vụ án đã lâu không nhớ nổi. Bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được”.

Còn ông Trần Văn Duyên, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang, tham gia phiên xét xử sơ thẩm năm 2004, đã nghỉ hưu từ năm 2006 lại vô tư nói: “Đã có sự phân cấp rồi, chúng tôi xử sơ thẩm mà cấp phúc thẩm y án thì chứng tỏ có đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội giết người. Cấp phúc thẩm tuyên y án thì có nghĩa là chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì, giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”.

Các vị làm công việc xét xử, nhân danh công lý mà nói chuyện tày đình, liên quan đến sinh mạng con người lại cứ như chuyện cãi nhau ngoài chợ vậy? Đất nước có hệ thống pháp luật nghiêm minh. Sống và làm việc phải theo hiến pháp và pháp luật. Có quanh co thế nào đi chăng nữa thì những người liên quan sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đâu cũng nhanh chóng sáng tỏ. Vấn đề là ở chỗ, thấy sai thì phải dũng cảm nhận và sửa sai.

Dư luận đồng tình với bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi nêu ý kiến: “Bản án phúc thẩm số 1241/HSPT ngày 27/7/2004 của tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội và cả trong quá trình thụ hình, gần 10 năm, theo phản ảnh, ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan nhưng vẫn không được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, mặc dù có nhiều tình tiết đáp ứng đủ theo Điều 273 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu như hội đồng tái thẩm khẳng định oan thì đây là một vụ cực kỳ nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp và phải nói rằng: Không gì có thể bù đắp được những thiệt hại, đau khổ mà ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình, người thân đã gánh chịu”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga cũng kiến nghị làm rõ và xử lý nghiêm khắc những người có trách nhiệm trong các giai đoạn tố tụng. Trong trường hợp án oan thì phải xác định được lỗi ở cấp sơ thẩm là gì, cấp phúc thẩm là gì, vì sao những người có trách nhiệm xem xét theo trình tự giám đốc thẩm không xem xét, những cơ quan có thẩm quyền khi nhận đơn của ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình đã giải quyết như thế nào. Tất cả đều phải phân định rõ ràng, không thể nói với một trường hợp bị oan như thế chỉ xin lỗi công khai, bồi thường một số tiền nhất định là xong, còn những người có trách nhiệm hoàn toàn không bị chế tài gì cả. Khi bị can, bị cáo đã kêu oan liên tục, trong thời gian dài, đồng thời có cung cấp cả chứng cứ minh oan thì phải xem xét kỹ trong tất cả các giai đoạn tố tụng.

Bác Hồ đã ví: “Một ngày ở tù, nghìn thu ở ngoài”. 10 năm là quãng thời gian dài khủng khiếp đối với một án oan như vậy. Cơ quan chức năng các cấp cần nhanh chóng phục hồi tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình mặc dù không dễ gì bù đắp nổi.

20 năm trước, Lưu Quang Vũ có vở kịch nổi tiếng “Trái tim trong trắng” hay còn gọi là “2.000 ngày oan trái” gây xúc động mạnh cho khán giả cả nước. Người ta nhớ câu nói ấn tượng của nhân vật Bốn trong vở kịch: “Làm thú thì dễ, làm người mới khó... Mà khi đã bị vào tù oan thì lại càng phải cố làm người”. Cứ nghĩ đó chỉ là văn nghệ, ai ngờ hôm nay nó lại là sự thật!

May thay, ông Chấn đã cố làm người để hôm nay được cùng mọi người thấy rõ công lý và sự thật!

B.Đ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc