Gặp lại nạn nhân vụ tai nạn máy bay năm 1992 tại Khánh Hòa:

Nước mắt ngày trở lại

19:00 | 14/08/2014

821 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Annette Herfkens là tác giả của cuốn hồi ký “192 hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh”, bản dịch tiếng Việt vừa được ra mắt ngày 4/8.

Cuốn hồi ký kể lại câu chuyện đầy nghị lực của bà Annette trong 8 ngày đấu tranh giành sự sống sau khi chiếc máy bay Yak–40 mang số hiệu VN474 bay từ TP HCM đi Nha Trang gặp nạn ngày 14/11/1992 tại thung lũng Ô Kha (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).

Ngày 13/8/2014, bà Annette đã có chuyến trở lại vùng núi cao rừng thẳm Khánh Sơn lần thứ 2 (lần đầu vào năm 2006). Đã 22 năm trôi qua, nhưng ký ức về 8 ngày kinh hoàng, ký ức về những con người Việt Nam đã làm hết sức có thể để cứu mình vẫn còn vẹn nguyên trong bà Annette Herfkens. Với bà, lần trở lại Khánh Sơn này như trở về nhà, trở về nơi đã tái sinh mình…

Niềm vui gặp lại của bà Annette Hefkens và ông Cao Xuân Hạnh.

192 giờ sinh tồn giữa rừng thẳm

Trên chuyến bay Yak-40 mang số hiệu VN474 có tất cả 30 người (24 hành khánh, 3 tiếp viên, 2 phi công và 1 kỹ sư máy), duy nhất Annette Hefkens sống sót. Khi xảy ra tai nạn, người phụ nữ này đã phải đấu tranh với tự nhiên, đấu tranh với cả bản thân để vượt qua nỗi sợ hãi để tồn tại trong 8 ngày trước khi được những người cứu hộ tìm thấy. Ngày 22/11/1992, khi chiếc Yak–40 bị nạn, một chiếc trực thăng Mi-8 của Quân đội nhân dân Việt Nam trên đường lên tiếp cứu công tác cứu hộ cũng đã rơi tại thung lũng Ô Kha, cách vị trí của chiếc Yak-40 khoảng 5km đường chim bay.

Sáng ngày 14/11/1992, Annette Herfkens và người bạn trai lâu năm (tên thường gọi là Pasje) khởi hành từ TP HCM đi Nha Trang để tận hưởng một kỳ nghỉ. Mở đầu cuốn hồi ký của mình, bà Annette Herfkens đã viết về cảm giác khi nhìn thấy chiếc máy bay Yak-40 tại sân bay Tân Sơn Nhất “không thể tin được là nó lại nhỏ như vậy” và “sợ chết khiếp nhưng vẫn phải vào máy bay”. Hành trình của chiếc Yak-40 mang số hiệu VN474 từ TP HCM đến Nha Trang sẽ kéo dài trong 55 phút.

Và theo Annette, tai nạn xảy ra ở phút thứ 49 của cuộc hành trình, khi còn cách Nha Trang 19 dặm (khoảng 30km) và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm: “Máy bay va chạm mạnh vào một cái gì đó thêm lần nữa và rơi nhanh hơn. Nhiều người hét lên. Pasje bấu lấy tay tôi. Tôi cũng nắm chặt lấy tay anh. Bóng đen bao trùm”.

Khi tỉnh dậy, Annette thấy xung quanh đầy xác người và những mảnh vỡ máy bay, một cảm giác đau đớn kinh khủng mà cô chưa từng trải qua trong cuộc đời. “Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất là ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình. Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt”, Annette viết. Khi máy bay rơi, một số hành khách vẫn còn sống, nhưng số người còn sống sót ít ỏi này cũng đã qua đời nhanh chóng nên Annette trơ trọi một mình giữa thung lũng hoang vắng, giữa những xác người, những cơn mưa và đàn vắt rừng khát máu.

Nhưng chính những cơn mưa rừng ấy là một phần quan trọng quyết định sự sống của Annette trong 8 ngày chiến đấu với tử thần nơi rừng thẳm Ô Kha, vì theo những nghiên cứu khoa học, con người ta có thể không ăn cả tuần, nhưng chỉ cần không uống nước 3 ngày sẽ chết. “Và rồi thình lình trời đổ mưa… Mưa rát cả mặt khi tôi ngửa lên, há miệng hứng nước mưa. Tôi gần như khóa miệng lại, nhưng là trong sung sướng để nuốt ừng ực từng giọt nước. Mặt trời bất thình lình xuất hiện…. Áo tôi ướt đẫm. Tôi tranh thủ vắt một chút nước. Thật khuây khỏa làm sao!”, Annette đã viết về những cơn mưa ân phúc của núi rừng Khánh Sơn như vậy.

Trong suốt 8 ngày, để tồn tại, Annette đã phải nhờ đến những cơn mưa của núi rừng như thế. Để dự trữ nước, Annette đã lấy những mảnh xốp cách nhiệt của máy bay, rải ra mặt đất để thấm nước mưa với ý nghĩ sẽ vắt nước mưa từ những miếng xốp để uống. Cứ như vậy trong 8 ngày, Annette đã sống sót một cách kỳ diệu khi chống chọi với đói, với khát, với những con vắt rừng và cả sự cô đơn, sợ hãi giữa rừng thẳm hoang vu.

Đến ngày thứ 8, Annette được đội cứu hộ Việt Nam tìm thấy lúc xẩm tối. Người đầu tiên tìm thấy bà Annette là ông Cao Văn Hạnh, 1 người đàn ông dân tộc Raglai bản địa. Theo ông Hạnh, khi được tìm thấy, nữ du khách đang thoi thóp, toàn thân bị vắt cắn, xung quanh là các xác chết đã bắt đầu bị phân hủy. Lực lượng cứu hộ đã cáng nữ du khách về lán, rửa vết thương bằng nước nóng, cho uống nước cơm để cầm hơi. Ngày hôm sau, Annette được lực lượng cứu hộ chuyển về bệnh viện Khánh Sơn để sơ cứu.

Bà Annette Hefkens cùng cô con gái nhỏ Joosje bên 2 người y tá cứu mình năm xưa.

Thấm đẫm tình người

Ngày 13/8/2014, gần 22 năm sau chuyến bay định mệnh, bà Annette Hefkens cùng cô con gái nhỏ Joosje trở lại vùng núi cao rừng thẳm Khánh Sơn để thăm lại bệnh viện nơi mình đã được sơ cứu, thăm lại những con người đã vượt 6 tiếng đường rừng thăm thẳm cứu bà khỏi tay tử thần. Khi nghe tin bà Annette Hefkens trở lại Khánh Sơn, đã có rất nhiều người trong cuộc tìm kiếm năm xưa tìm đến thăm bà, vì đối với họ, bà đã như một người con của núi rừng Khánh Sơn.

Xúc động nhất là lúc Annette Hefkens gặp lại ông Cao Xuân Hạnh - người đầu tiên tìm thấy bà. Thời điểm đó đã bảy ngày sau vụ tai nạn, nếu chậm trễ hơn, sự sống chưa chắc đã ở lại với bà Annette Hefkens. Họ ôm chầm lấy nhau khi gặp mặt, ông Cao Xuân Hạnh khóc, Annette Hefkens khóc, miệng nói liên tục “benefactor” có nghĩa là “ân nhân”.

Trong cuốn hồi ký, bà Annette Hefkens gọi ông Hạnh là “người đàn ông mặc đồ da cam”. Sau này, bà Annette Hefken kể lại rằng, khi ấy đã là ngày thứ 7 từ khi bị tai nạn, cơ thể bà đã yếu đi rất nhiều, cái màu da cam trên bộ đồ ông Hạnh mặc dường như tượng trưng cho sự hy vọng được sống sau chuỗi ngày kinh hoàng. Khi gặp lại nhau, họ khóc nhưng cô con gái nhỏ 17 tuổi Joosje của bà lại cười, vì cô biết sau chuyến trở về này mẹ cô sẽ thanh thản, thoát được nỗi ám ảnh định mệnh đeo đẳng suốt 22 năm qua.

Suốt chuyến đi, Annnette cứ nhắc chuyện thăm lại Bệnh viện Khánh Sơn (nay là Trường Trung học Khánh Sơn), tìm  gặp lại 2 nữ y tá Nguyễn Thị Kim Kỳ, Mai Thị Minh Châu từng chăm sóc  bà năm xưa. 22 năm trước, sau khi được khiêng từ thung lũng Ô Kha về, bà Annette Herfkens được đưa thẳng đến bệnh viện huyện Khánh Sơn và được 2 y tá Mai Thị Minh Châu và Nguyễn Thị Kim Kỳ chăm sóc đặc biệt.

Gặp gỡ nhau, vỡ òa cảm xúc, năm tháng qua đi nhưng Annette vẫn nhớ như in tình cảm của những nữ y tá người Việt khi chăm sóc mình. Gặp lại Annette, bà Kỳ cứ vuốt ve, lần tìm những vết sẹo trên tay, trên chân của Annette như không thể tin là cô gái thương tật đầy mình năm xưa vẫn còn khỏe mạnh.

“Khi đưa cô ấy về đến bệnh viện huyện, chúng tôi phải nấu cháo với xương, lấy nước cốt, bón cho cô ấy từng giọt. Toàn thân cô ấy đã sưng phù đến nỗi không thể cởi được quần áo mà phải lấy kéo cắt. Ở những nơi vết thương, vắt bu đen kín, tưởng như đã hoại tử. Ngoài các phương pháp thông thường, chúng tôi phải dùng một phương pháp sát trùng dân gian đó là rửa bằng nước trà xanh”, bà Kỳ kể lại quá trình sơ cứu cho bà Annette.

Trong chuyến trở lại Khánh Sơn lần này, ngoài bà Annette còn có sự tìm về của 2 người phụ nữ mà những câu chuyện về họ cũng vô cùng xúc động. Đó là sự tìm về nơi chồng mình nằm lại của 2 người phụ nữ, chị Hồ Thu Thủy - vợ cơ trưởng Lưu Công Lương của chiếc Yak-40 và chị Nguyễn Thị Lan – vợ cơ trưởng Nguyễn Quang Vinh của chiếc Mi-8. Số phận đã gắn họ lại với nhau, gắn họ lại với bà Annette một cách kỳ lạ sau những chuyến bay định mệnh qua thung lũng Ô Kha. Bà Annette mất chồng sắp cưới trong vụ tai nạn của chiếc Yak-40, chị Thủy mất chồng cũng trong chuyến đó, còn chị Lan mất chồng khi anh đi cứu nạn chiếc Yak-40. Những người thân yêu của họ đều nằm lại nơi thung lũng Ô Kha rừng thẳm. Tất cả họ đều khóc ngất khi trở lại con suối Mò O, nơi 22 năm trước quy tập xác các nạn nhân của cả 2 vụ tai nạn.

“Trước khi xảy ra thảm kịch, Khánh Sơn là một địa danh xa lạ với tôi, nhưng từ khi chồng tôi gặp nạn ở đây, tôi luôn nung nấu ý định trở lại nơi đây, để một lần được thắp nén hương cho anh, được về lại nơi anh đã hy sinh. Dường như là định mệnh, Khánh Sơn là một phần không thể quên trong cuộc đời tôi”, chị Nguyễn Thị Lan, vợ của cơ trưởng Mi-8 Nguyễn Quang Vinh chia sẻ trong nước mắt.

Dường như quá khứ đau buồn sẽ khép lại, 22 năm sau những nỗi đau tận cùng của đời người, họ cùng trở lại Khánh Sơn để tìm lại những kỷ niệm, cũng để đối mặt rồi bước qua những nỗi đau.

                                                                                                Mộc Miên