Nữ tùy viên quốc phòng Australia kể về lương duyên với Việt Nam

14:15 | 14/11/2019

551 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có nhiều sự kiện trong đời Nerolie McDonald khiến bà tin mình có mối duyên sâu sắc với Việt Nam.

"Cách đây 20 năm, khi bắt đầu làm quen với tiếng Việt, tôi bỗng có ý nghĩ: biết đâu một ngày mình sẽ đảm nhận vị trí đại diện ở Việt Nam", Đại tá Nerolie McDonald, 46 tuổi, tùy viên quốc phòng Australia tại Việt Nam, mở đầu câu chuyện.

Không chờ lời đề nghị của phóng viên, McDonald chủ động nói tiếng Việt gần như trong toàn bộ cuộc phỏng vấn, với phong thái thoải mái và tự nhiên. Trong bộ quân phục và tóc búi gọn gàng, McDonald trò chuyện bằng cách xưng hô "chị - em".

nu tuy vien quoc phong australia ke ve luong duyen voi viet nam
Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam McDonald

Năm 1999, ở tuổi 26,McDonald được chọn vào nhóm sĩ quan học tiếng Việt, trong chương trình đào tạo ngoại ngữ của Lục quân Australia. Dù băn khoăn không hiểu lý do "cần học tiếng Việt", khi quan hệ hai nước chưa phát triển mạnh, cô vẫn chấp hành mệnh lệnh và quyết tâm phải học tốt. Không có nhiều tài liệu và không có Internet, cô gái trẻ Nerolie chủ yếu phụ thuộc vào giáo trình và băng ghi âm của thầy giáo người Việt.

Nerolie tìm đến một số khu có người Việt sinh sống ở Melborne để thực hành giao tiếp. Tuy nhiên, cô không nghe rõ người đối diện nói gì và rất buồn, tự trách bản thân học không tốt sau chương trình kéo dài một năm.

"Ôi trời, sau đó tôi mới biết lý do tôi không nghe được là vì người Việt ở Melbourne nói giọng miền Nam, còn thầy giáo của tôi nói giọng miền Bắc", Nerolie phá lên cười, kể về trải nghiệm của mình.

Nerolie cho hay tiếng Việt chỉ khó ở phần phát âm, nên cô tập trung luyện nghe nhiều và thực hành, mạnh dạn sử dụng mà "không sợ nói sai".

Cũng trong năm 1999, Nerolie và hai người bạn trong nhóm được đến thăm Việt Nam để tìm hiểu văn hoá. Trước đó, cô chỉ biết Việt Nam "là nước từng chiến đấu với Mỹ, và Australia là đồng minh của Washington". Khi đặt chân đến Hà Nội và TP HCM, Nerolie cảm thấy vô cùng thích thú vì trên phố có nhiều xe đạp, nhiều thiếu nữ Việt diện áo dài tha thướt. Nerolie cũng nhanh chóng say mê nhiều món ăn Việt như phở, gỏi cuốn, chả giò, bánh cuốn. Chuyến đi giúp nhóm của cô rút ra một điều "nếu nghe tiếng Việt không hiểu chứng tỏ đó không phải giọng miền Bắc".

Sau chuyến thăm Việt Nam năm 1999, Nerolie nhận nhiệm vụ ở nhiều "điểm nóng" trên thế giới, với vai trò là sĩ quan tình báo của quân đội Australia. Cô từng đến Afghanistan, Iraq, bán đảo Sinai (Ai Cập), Đông Timor.

Năm 2012, Nerolie một lần nữa được cử sang học tiếng Việt tại Học viện Khoa học quân sự Việt Nam. Ý nghĩ năm xưa về việc "làm tùy viên quân sự ở Việt Nam" càng thôi thúc cô. Nerolie mong muốn dùng vốn tiếng Việt của mình để góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tình yêu với con người và đất nước Việt Nam trong cô cũng dần đong đầy.

Cơ hội đến với Nerolie vào năm 2015, khi Bộ Quốc phòng Australia thông báo tùy viên tại Việt Nam hết nhiệm kỳ, cần có người thay thế. Nerolie lập tức đề nghị: "Hãy chọn tôi!". Cô cũng ca ngợi tầm nhìn dài hạn của Bộ Quốc phòng khi đào tạo ngoại ngữ cho các sĩ quan. Sau khi cạnh tranh với một số ứng viên khác, Nerolie cuối cùng đã được chọn, bắt đầu nhiệm kỳ vào 2017.

"Tôi đã thực hiện được mong muốn từ 20 năm trước của mình", McDonald nói.

Thời gian đầu, nhiều người Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên khi nghe McDonald nói tiếng Việt. Vì không có rào cản về ngôn ngữ, McDonald dần xây dựng được mối quan hệ gần gũi với các đối tác. Qua trò chuyện, bà phát hiện quân đội Australia và quân đội Việt Nam có khá nhiều điểm chung.

"Chúng tôi giống nhau ở chỗ làm việc rất trách nhiệm và luôn vui vẻ, hài hước. Chúng tôi đều có tư tưởng cởi mở và thẳng thắn", McDonald nói.

Trong cuộc sống thường nhật, McDonald trò chuyện với những người Việt bình thường như tài xế taxi, người bán hàng. Nhờ đó bà có thể hiểu về cuộc sống của họ, hiểu những suy nghĩ, quan niệm của người Việt về các vấn đề trong xã hội. Vì có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nên McDonald càng yêu tiếng Việt hơn. Tuy nhiên, McDonald cũng không tránh được những tình huống "dở khóc dở cười" vì phát âm không rõ. Có lần bà nói "muốn đi thăm nhiều nơi trên thế giới", nhưng người đối diện lại hiểu là "muốn đi tắm với nhiều người". McDonald phải rối rít thanh minh.

Điều cũng khiến nhiều người Việt thắc mắc khi gặp McDonald là "vì sao bà chọn con đường nhà binh khi là nữ giới". McDonald tiết lộ bà muốn trở thành quân nhân từ khi mới 9 tuổi.

Năm 1982, khi gia đình McDonald đang xem chương trình thể thao Commonwealth Games trên truyền hình, trông thấy có một nữ quân nhân mặc quân phục mở cửa cho Nữ hoàng, cô bé Nerolie chợt kêu lên: "Con muốn trở thành người như thế kia". Mẹ cô nói: "Con không thể trở thành Nữ hoàng được đâu". "Ồ không, con muốn là người mở cửa cho Nữ hoàng", Nerolie đáp lại. Mẹ Nerolie khuyến khích: "Vậy thì con cần phải tham gia quân ngũ".

Đến năm 18 tuổi, Nerolie được chọn vào Đại học Quốc phòng Australia. Cô bị hấp dẫn bởi hình ảnh mạnh mẽ của quân đội, những câu chuyện trong lịch sử và muốn trở thành một phần trong đó. Cô không cho rằng nữ giới gặp khó khăn nhiều hơn nam giới trong quân đội, vì các nhiệm vụ đều đòi hỏi kết quả như nhau. Trong cuộc đời quân ngũ, có những thời điểm Nerolie cảm thấy nản lòng và nghĩ đến việc trở lại làm thường dân. Tuy nhiên, cô không thực hiện điều đó vì nhớ đến niềm đam mê của mình thuở nhỏ.

Trải qua những nhiệm vụ liên quan đến chiến đấu và gìn giữ hoà bình ở nhiều quốc gia, McDonald cho hay đến nay bà rất hài lòng với những gì mình có được trong sự nghiệp.

"Tôi từng chứng kiến chiến tranh, nhưng tôi và đồng đội đang giúp cho cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn", McDonald nói.

Trong nhiệm kỳ của McDonald tại Việt Nam, hai nước tăng cường hợp tác mạnh mẽ trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược. Việt Nam và Australia từ năm 2018 tổ chức cuộc họp thường niên giữa hai bộ trưởng quốc phòng nhằm thúc đẩy đối thoại ở cấp cao, ký tuyên bố tầm nhìn chung về thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Tháng 10/2018, Australia hỗ trợ Việt Nam đưa bệnh viện dã chiến đến Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ gìn hòa bình cua Liên Hợp Quốc. Australia là nước đầu tiên hợp tác với Việt Nam trong hoạt động này. Bên cạnh đó, số lượng các chương trình đào tạo tiếng Anh của Australia dành cho các sĩ quan Việt Nam cũng tăng nhanh.

"Với bản thân mình, điều làm tôi hài lòng nhất là có mối quan hệ bạn bè thân thiết với các đối tác trong quân đội Việt Nam. Họ giúp tôi hiểu Việt Nam hơn, vì thế tôi tin tưởng hợp tác trong tương lai của hai bên", McDonald nói.

McDonald nhận thấy vị thế của Việt Nam trên thế giới đang gia tăng. Cộng đồng quốc tế tin vào khả năng của Hà Nội khi tham gia các công việc chung, gần đây nhất là việc các nước bầu Việt Nam làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam cũng hiểu rõ bối cảnh của khu vực và quốc tế và có những chính sách linh hoạt.

"Các nước đều chú ý đến Việt Nam và theo dõi những gì sẽ xảy ra trong tương lai", McDonald nói.

Trong thời gian ở Việt Nam, McDonald đã đưa ra một quyết định làm thay đổi cuộc đời mình, đó là nhận một bé gái làm con nuôi.

"Tên con bé là Tuyết, tên Australia là Edith McDonald", bà giới thiệu về con gái, với đôi mắt lấp lánh.

Bà gặp Tuyết lần đầu ở một trại trẻ mồ côi ở Bắc Kạn, khi cô bé mới hơn 5 tháng tuổi. Ba tháng sau, vào giữa năm 2018, McDonald đón cô bé về với mình.

"Con bé xinh xắn, hơi nghịch và tràn đầy niềm vui. Tuyết cần một người mẹ và tôi muốn trở thành mẹ của con bé", McDonald chia sẻ.

Từ khi có con gái, McDonald luôn háo hức trở về nhà khi kết thúc công việc. Khi đi công tác trong hay ngoài Việt Nam, bà thường đưa con gái đi theo, cùng với người giúp việc. Đến giờ, Tuyết có thể hiểu và giao tiếp với mẹ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Điều làm McDonald hơi lo lắng là "liệu mình có dạy tiếng Việt đúng cho con gái không". Bà hy vọng Tuyết có thể sử dụng tốt cả hai ngôn ngữ và hòa nhập được với cả hai quốc gia khi cô bé trưởng thành.

"Việc gặp Tuyết khiến tôi càng tin rằng mình có mối duyên sâu sắc với Việt Nam", McDonald nói.

Những ngày tháng 11, McDonald đang gấp rút hoàn thành các công việc để chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 12/2019. Sau Đối thoại quốc phòng, Việt Nam và Australia cũng chuẩn bị thực hiện chuyến thứ hai, đưa bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam đến Nam Sudan.

"Tôi và Tuyết sẽ rời Việt Nam với nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng tôi chắc chắn sẽ quay lại", McDonald nói.

Theo VNE

nu tuy vien quoc phong australia ke ve luong duyen voi viet namChia sẻ kinh nghiệm kỹ năng nghề Australia tại Việt Nam
nu tuy vien quoc phong australia ke ve luong duyen voi viet namĐoàn Tùy viên quân sự các nước xem trình diễn kỹ thuật đặc công