NSƯT Thanh Nguyệt: Đường trần neo một tiếng tơ

09:30 | 12/08/2015

1,975 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
NSƯT Thanh Nguyệt năm nay gần thất thập. Bệnh già khiến đôi khi người ta cảm thấy thân thể trái tính trái nết vô cùng. Nhưng dường như cái chất đoan trang, quý phái đã ngấm vào người nên gương mặt, dáng vóc bà lúc nào cũng toát ra vẻ phúc hậu, thanh thoát…

1. NSƯT Thanh Nguyệt nói, bản tính điềm đạm, không bon chen danh lợi, biết trước biết sau và luôn sống vì người khác của bà là chịu ảnh hưởng rõ rệt từ mẹ. Bà kể lại, hồi ấy nhà bà nghèo thuộc hạng nhất nhì xứ Vĩnh Lộc nhưng gia đình lúc nào cũng có lối sống khoan thai. Mẹ bà luôn dạy các con lối sống giữ mình, giấy rách phải giữ lấy lề. Trong nhà có món nào ngon, túi có được chút tiền hễ có ai cần là bà rút ruột đưa hết, chẳng nghĩ suy thiệt hơn, được mất.

NSƯT Thanh Nguyệt: Đường trần neo một tiếng tơ
NSƯT Thanh Nguyệt

Mẹ Thanh Nguyệt theo đạo Cao Đài, nên từ nhỏ bà hay được dắt theo lên Thánh Thất, vừa học đạo, vừa học chữ. Nhờ có giọng tốt, Thanh Nguyệt được nhận vào Ban Đồng Nhi ca trong các buổi cúng lễ. Rồi có một lần có gánh hát cặp bến quê, Thanh Nguyệt có duyên đi theo gánh hát từ đó.

Thời đó, trở thành đào, thành kép là ước mơ của biết bao đứa nhỏ ở quê, như bây giờ người trẻ mơ làm ca sĩ vậy. Mẹ của Thanh Nguyệt mê cải lương nhưng nghe con theo gánh hát thì bà khóc ngất. Bà lo thân con gái mới mười mấy tuổi đầu, theo đoàn đi biền biệt, sống cảnh gạo chợ nước sông, sao mà yên lòng được. Hơn nữa, Thanh Nguyệt vốn ốm yếu, cứ cách hai ba bữa là lăn ra cảm sốt. Thế nên bà kiên quyết không cho con đi. Song thấy con nài nỉ, chồng nói vào, bà cũng dần dần xiêu lòng.

Từ đó, Thanh Nguyệt lần lượt về đoàn Hoa Sen, Kim Chưỡng rồi Kim Chung 1, Kim Chung 5, đoàn Thái Dương… (trước 1975) hay đoàn Trung Hiếu, Thanh Minh, Trần Hữu Trang… (sau 1975). Đặc biệt vào năm 1964, Thanh Nguyệt bắt đầu tỏa sáng với Nhật Thường Dung trong “Người gọi đò bên sông”, Cát Dung của “Mười đêm hương lửa”, Thất Hồn Nhân trong “Quỷ Bảo”. Giới ký giả cải lương hồi ấy đánh giá, Thanh Nguyệt có giọng kim mỏng nhẹ nên tạo độ mùi nhu hòa. Cộng với sắc vóc đoan trang, điềm đạm, cách diễn có thần, giọng ca Thanh Nguyệt trở thành chất giọng mực thước, khiến giới mộ điệu say mê.

Năm 1964, Thanh Nguyệt nổi đình đám với vai Tiểu Long Nữ trong tuồng “Song long thần chưởng” và được đề cử giải Thanh Tâm - giải thưởng cải lương uy tín và danh giá bậc nhất thời bấy giờ. Do lượt bầu chọn đứng thứ 3, sau nghệ sĩ Lệ Thủy và nghệ sĩ Thanh Sang nên HCV năm đó không thuộc về Thanh Nguyệt. Không nản lòng, Thanh Nguyệt tiếp tục phấn đấu. Với vai Gia Cát Anh trong tuồng “Thiên hạ đệ nhất kiếm”, Thanh Nguyệt đã nhận được HCV giải Thanh Tâm vào ngay năm sau đó, năm 1965.

NSƯT Thanh Nguyệt: Đường trần neo một tiếng tơ
NSƯT Thanh Nguyệt

2. Trót mang thân con gái, dù mạnh mẽ, can trường đến mấy, ở những lúc sóng gió cũng cần một bờ vai để tựa nương, bầu bạn. Thế nhưng, phận “con hát” sống đời nổi trôi, rày đây mai đó, hạnh phúc cũng bấp bênh theo những chuyến đi. Thanh Nguyệt bấy giờ đang là cô đào đang lên, hương sắc đoan trang nức tiếng khiến bao chàng trai ôm ấp mộng phu thê. Song, do má vừa mới mất, Thanh Nguyệt thương đám em nheo nhóc nên chẳng buồn để ý những lời đẩy đưa. Không sẻ chia được với ai, khóc bao nhiêu nước mắt mà buồn chẳng vơi bớt, đúng lúc ấy có chàng soạn giả danh tiếng ngỏ lời, Thanh Nguyệt gật đầu, “cho đời mình có những trang vui”.

Hạnh phúc tày gang, chàng soạn giả mải vui thú với bầu rượu, bạn bè, với những bóng hồng thướt tha, dập dìu quanh mình, bỏ mặc người vợ trẻ bên mâm cơm nguội lạnh. Nhiều lần nghe chuyện nọ chuyện kia, Thanh Nguyệt nước mắt chan cơm, nghĩ bụng thôi ráng cho con có cha có mẹ. Phần vì ngại điều tiếng, người ta nói mình một mà nói nghệ sĩ “thay chồng đổi vợ như thay cái áo cái quần”. Thanh Nguyệt thương cái nghề này, thương cả phận “con hát”, mỗi lần nghĩ tới câu đó thôi là nước mắt chực trào. Nhưng rồi, Thanh Nguyệt buông tay sau nhiều gắng gượng, chịu đựng.

Thanh Nguyệt gởi cậu con trai nhỏ về nhờ chị chăm sóc, để con được học hành đàng hoàng. Đêm diễn xong, nằm nhớ con, Thanh Nguyệt khóc thầm. Chẳng may con đã không tựa được vào cha, nay mẹ cũng không bên cạnh, sau này con lớn, biết nói thế nào để con hiểu được lòng mẹ? Mà, hoàn cảnh vậy, biết làm sao được? Có hồi, diễn gần gần Sài Gòn, Thanh Nguyệt tranh thủ chạy về ôm con, hun hít cho thỏa thuê, nhìn con say giấc. Thanh Nguyệt nói, ngày đó bà cứ ám ảnh trong đầu rằng: một ngày nào đó, lỡ mà về con không chịu gọi má thì biết sống thế nào đây?!

Rồi duyên số run rủi, Thanh Nguyệt gặp nghệ sĩ Quốc Nhĩ (chồng của NSƯT Thanh Nguyệt bây giờ), nổi tiếng với vai Đông Bản trong tuồng “Tiếng trống Mê Linh”. Lúc thiếu thời, Quốc Nhĩ đi hát cho vui và để trốn lính. Quốc Nhĩ sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ, sau được vợ chồng soạn giả Duy Tích - Thanh Thủy cưu mang rồi giới thiệu cho gặp nghệ sĩ Tám Vân và soạn giả Nhị Kiều “bảo lãnh”. Nhờ mặt mày sáng láng lại được soạn giả Nhị Kiều nói tiếng thơm, Quốc Nhĩ được nhận vô đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và được cố nghệ sĩ Thanh Nga nhận làm em nuôi. Về đoàn, Quốc Nhĩ tiếp tục làm công việc nhắc tuồng, làm vũ công và thay thế một số diễn viên khi họ đột xuất vắng mặt.

NSƯT Thanh Nguyệt: Đường trần neo một tiếng tơ
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ

Khi biết Quốc Nhĩ có tình ý, Thanh Nguyệt rất đỗi phân vân, bởi bà không biết liệu ông có bao dung, có thương đứa con trai bé bỏng của bà không? Sự chân thành của ông cuối cùng cũng đã thuyết phục được bà. Được nghệ sĩ Thanh Nga se duyên, họ kết thành đôi. Lễ ra mắt chỉ có vài mâm cơm đãi các cô các chú, anh chị em trong đoàn mà Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ mắt lóng lánh hạnh phục. Những ngày Thanh Nguyệt theo đoàn đi xa, một tay nghệ sĩ Quốc Nhĩ ở nhà lo chăm cho con trai, chẳng khác nào con ruột. Điều buồn nhất là nghệ sĩ Thanh Nguyệt và Quốc Nhĩ vắng số đường con cái dù bà đã hai lần mang thai. Mấy lần thấy vợ buồn, ông an ủi: “Tại cái số của mình nó vậy. Hơi đâu mà buồn”. Có ai ám chỉ ra vào, ông bảo: “Con của vợ cũng như con của mình mà…”.

Người đời bảo, chén trong sóng còn khua, huống chi đời sống vợ chồng. Thế nhưng, bất chấp giông bão của cuộc đời, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nguyệt và Quốc Nhĩ vẫn cùng nhau nhìn về một hướng. Ở tuổi xế chiều, họ hủ hỉ trong căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp, TP HCM. NSƯT Thanh Nguyệt không biết chạy xe nên, ông “bất đắc dĩ” trở thành tài xế riêng của bà. Đưa đi, đón về thầm lặng không một lời than thở. Đi từ thiện, đi bệnh viện, ông bà luôn có đôi. Bà đi quay xa, ông ở nhà chăm sóc người chị vợ đã lớn tuổi không may mắc bệnh tâm thần. Bà ở nhà, ông lo trong ngoài, để bà đỡ bận bịu, có thời gian học kịch bản.

Mấy hôm rày, NSƯT Thanh Nguyệt sức khỏe không tốt, bà hạn chế nhận lời đóng phim, đóng kịch. Phần vì bệnh của tuổi già, phần vì, thấy người bạn đời đưa rước, nắng mưa gió bụi gật gà trên xe, bà xót! Còn ông, đưa bà đi khám, mặt bần thần, lòng nhấp nha nhấp nhỏm… Có người nói, NSƯT Thanh Nguyệt thật ra là có phước, bởi chẳng phải là sống trong cuộc đời này, tìm được một người xót thương mình thật lòng, là đã đủ đầy hay sao?!

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt trong các vở tuồng xưa và nay:

NSƯT Thanh Nguyệt: Đường trần neo một tiếng tơ
NSƯT Thanh Nguyệt: Đường trần neo một tiếng tơ
NSƯT Thanh Nguyệt: Đường trần neo một tiếng tơ

NSƯT Thanh Nguyệt tên thật là Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, sinh năm 1947, quê ở xã Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

Cha là ông Nguyễn Văn Xinh, thợ xây cất nhà, mẹ là bà Vưu Thị Lành, buôn bán. Thanh Nguyệt là nữ nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương.

Năm 1992, sau khi ngưng diễn ở đoàn cải lương Trần Hữu Trang, NSƯT Thanh Nguyệt được mời đi đóng video, kịch, phim truyền hình. Và bà đã trở thành gương mặt quen thuộc trong rất nhiều phim truyền hình ăn khách như: “Dòng xoáy tình yêu”, “Người con gái đất đỏ”, “Ngã rẻ cuộc đời”, “Ký túc xá”… gần đây nhất là “Trở về 3”.

Hoàng Linh Lan

Năng lượng Mới