Nỗi niềm biển báo giao thông

07:53 | 13/01/2012

1,020 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có biển báo đánh đố người tham gia giao thông bằng cả chục hàng chữ chi chít, có biển báo lại khiến ai gặp cũng… bất tỉnh, lại có biển báo đứng trùm chăn “chơi trốn tìm” với các lái xe, nhưng tình trạng chung của các biển báo giao thông luôn là bị vô hiệu hóa.

Ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã có một vụ kiện vì biển báo. Người lái xe không để ý biển cấm dừng xe đã cắm ở đầu đường nên bị phạt. Ông không chịu, kiện ra tòa nhưng tòa bác bởi lý do, biển cấm có giá trị cả đoạn đường. Có thể nói, năm qua là năm của những câu chuyện giao thông, bởi thế mà Chính phủ đã xác định năm 2012 là Năm An toàn giao thông.

Đánh đố lái xe

Theo quy định thì biển báo, nhất là biển báo giao thông cần phải đảm bảo tính chuẩn xác, chỉ có duy nhất một cách hiểu, không được gây khó hoặc hiểu nhầm cho người tham gia giao thông. Thế nhưng, rất nhiều biển báo giao thông khiến người tham gia giao thông phải căng mắt để nhìn và căng óc để luận. Có biển báo dài tới cả trăm chữ, có biển thì diễn đạt hình ảnh khó hiểu, biển khác lại cắm ở chỗ không cần cắm…

Ví dụ như biển báo dành cho người đi qua hầm hiện đại nhất Đông Nam Á – hầm Thủ Thiêm. Tại ba hướng lưu thông qua hầm Thủ Thiêm là Đại lộ Võ Văn Kiệt phía quận 1, đường dưới chân cầu Thủ Thiêm đến Đại lộ Đông Tây phía quận 2 và từ cầu Calmette dẫn vào hầm đều có bảng thông báo rất lớn với nội dung “Các đối tượng không được phép lưu thông qua hầm Thủ Thiêm”, tiếp đó là cả loạt chữ chi chít.

Theo người dân, biển báo cấm này có quá nhiều chữ, được viết khá nhỏ nên người đi đường nếu muốn đọc hết nội dung thì phải dừng lại đọc vài phút. Bên cạnh đó còn có biển nhắc nhở: “Bật đèn chiếu gần” đặt trước cổng hầm. Biển này cũng có thể gây hiểu nhầm vì không rõ nghĩa. Như vậy nghĩa là không được bật đèn chiếu xa hay nhất định phải bật đèn chiếu trong hầm? Chỉ có hình vẽ ôtô bật đèn, nghĩa là xe máy không cần bật đèn?

Tại khu vực hầm Thủ Thiêm có nhiều biển báo quá nhỏ và bị che khuất. Ở hai cửa hầm còn thiếu một số biển báo gây lúng túng cho người dân khi đi qua hầm. Vì vậy, sau đến nửa tháng lưu thông vẫn còn rất nhiều người chưa biết hầm này sẽ dẫn đến đâu? Khi qua hầm phải tiếp tục đi như thế nào nên liên tục vi phạm cấm rẽ trái, rẽ phải.

Đã hướng dẫn, còn nhắc nhở

Trước tình trạng người dân đi vào đường một chiều tại nút giao thông mới mở Đào Tấn – Liễu Giai, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phải đặt biển khuyến cáo: “Người có văn hóa không rẽ trái đi ngược chiều vi phạm luật giao thông” bên dưới là biển cấm đi ngược chiều. Có lẽ đây là điều vạn bất đắc dĩ. Thế nhưng cả biển cấm đi ngược chiều lẫn tấm biển nhắc nhở, khuyến cáo kia cũng chẳng ăn thua, rất nhiều người vẫn “lội ngược dòng” để rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông trên đường. “Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng phải đính kèm giải thích bên dưới mỗi tấm biển cấm nhưng dường như ý thức giao thông của người dân không chuyển biến” – Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra tai nạn, Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt, Bộ Công an cho biết.

Biển báo bị xóa

Biển báo thì vẫn đứng ngay ngắn, biển tròn, viền đỏ rất rõ ràng, nhưng nội dung biển báo gì thì đố ai biết. Vì tất cả nội dung hình ảnh đều bị quét sơn trắng xóa. Đó là thực trạng ở đoạn đường Trường Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Rất nhiều người đã bị phạt vi phạm giao thông vì lỗi đi ngược chiều mà không chịu “tâm phục khẩu phục”. Bởi lẽ họ chả nhìn thấy biển báo, biển cấm nào liên quan đến chuyện “đường 1 chiều” hay “cấm đi ngược chiều” cả.

Ở đoạn đường trước cổng Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, biển báo đầu tiên ở đoạn giao cắt giữa ngã tư và biển báo thứ 2 cách chiếc biển thứ nhất khoảng 5m đều bị sơn trắng. Và phải đến biển báo thứ 3 cách biển thứ 2 khoảng 400m mới còn nguyên vẹn, nhưng chiếc biển này nằm giữa đoạn đường được cho là cấm nhưng không nằm ở vị trí giao cắt. Rất nhiều ôtô đi ngược chiều bị lực lượng CSGT ở điểm chốt này xử phạt khiến người dân bức xúc.

Biển tự phát

Ở TP HCM, tại góc ngã ba đường Phan Đình Giót (đi ra Trường Sơn, Sân bay Tân Sơn Nhất) – Phan Thúc Duyện (hướng Cộng Hòa, Trường Chinh) – Phổ Quang (ra Hoàng Minh Giám, công viên Gia Định) có một biển báo bằng gỗ đặt gần lòng đường bên phải với nội dung hướng dẫn các hướng đi và kèm thêm câu: “Đừng hỏi + cảm ơn!”. Ông Nguyễn Văn Hiếu, xe ôm tại khu vực này đã tự chế ra tấm biển này để khỏi bị hỏi. Cuối cùng thì Sở GTCC TP HCM cũng cắm một bảng chỉ dẫn ở gần nơi ông Hiếu đứng đón khách. Nhưng kể cả có biển báo rồi thì dân vẫn cứ hỏi đường vì biển báo đặt sát góc ngã rẽ Phan Đình Giót – Phan Thúc Duyện, chữ nhỏ và hơi cao trong khi khu vực ngã ba này rất rộng. “Người ta dựng biển báo chỉ hướng Lăng Cha Cả nhưng tui thấy hiếm người hỏi Lăng Cha Cả mà hỏi Trường Chinh, Cộng Hòa thôi. Có biển báo mà cũng như không vì dân không biết, cuối cùng cũng hỏi tụi tui mà”, một lái xe ôm khác đứng cạnh ông Hiếu chia sẻ.

Hiện tượng biển báo tự phát này còn lặp lại ở khu vực ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Thị Minh Khai (chỉ hướng đi Bệnh viện Từ Dũ) và vòng xoay công trường Dân Chủ (chỉ hướng đi ga Sài Gòn).

Biển báo trùm chăn

Tại km 148 Quốc lộ 1A (đoạn chạy qua cổng Khu Công nghiệp Quảng An 1, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), người ta hay phủ các tấm chăn rách, chiếu cũ trùm lên biển báo cấm dừng và đỗ đối với tất cả các loại xe cơ giới. Thế là các loại xe ôtô lớn, nhỏ thoải mái dừng đỗ để ăn trưa, uống nước trong các nhà hàng, quán cơm ven đường, làm mất trật tự an toàn giao thông. Đây là đoạn đường có mật độ giao thông cao, là nơi giao cắt của nhiều con đường ngang, việc dừng đỗ của các loại xe ôtô, xe tải, xe khách khiến giao thông ở đây hỗn loạn, ùn tắc, nhiều vụ tai nạn xảy ra. Bởi thế Phòng CSGT tỉnh Bắc Ninh mới cho cắm nhiều biển báo cấm dừng đỗ xe trên đoạn đường này. Thế nhưng chủ các nhà hàng, quán cơm ở hai bên đường đã nghĩ ra cách trùm chăn, chiếu lên các biển báo đó. Vậy là các biển báo bị vô hiệu hóa. Và cánh lái xe thoải mái dừng đỗ để vào ăn uống, thậm chí còn “cãi lý” nếu bị CSGT hay thanh tra giao thông xử lý vi phạm: “Tôi nào có thấy cái biển báo nào?”.

Đó là còn chưa kể những tấm biển báo bất đắc dĩ chịu phận “núp sau vòm lá” hoặc bị những biển bảng quảng cáo rao vặt che khuất, thậm chí biển báo giao thông còn bị dán chèn chữ song hỷ lên và cũng có những biển báo hoen gỉ tới nỗi phải cố lắm người đi đường mới đoán được nội dung… Chắc hẳn năm 2012 – Năm An toàn giao thông, tình trạng “1.001 nỗi niềm biển báo” này sẽ được khắc phục triệt để.

Phú Vinh