Các cảng biển phía Nam

Nơi “đói hàng”, nơi “quá tải”

06:41 | 23/11/2017

1,171 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mất cân đối về cung cầu, chưa phát triển kịp thời các dịch vụ gắn liền với cảng; kết nối cảng thiếu đồng bộ; chi phí vận tải bằng đường bộ cao… đang là tình trạng chung của nhiều cảng phía Nam.   

Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà quản lý, chuyên gia đem ra “mổ xẻ”, tìm biện pháp khắc phục trong “Hội nghị tổng kết Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải” do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức tại tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 14-11-2017.

Có chuyển dịch nhưng không đều

Theo các chuyên gia, cụm cảng biển số 5 là hệ thống cảng liên thông giữa khu vực TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm toàn bộ hệ thống các cảng ở TP HCM trên sông Sài Gòn, sông Nhà Bè và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Hệ thống cụm cảng này có vai trò quan trọng không những với giao thông mà cho cả phát triển của vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, nhóm cảng biển số 5 có vai trò quan trọng nhất trong 6 nhóm cảng biển trên phạm vi cả nước. Hằng năm, nhóm cảng biển số 5 đảm nhận khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

noi doi hang noi qua tai
Cảng Cát Lái luôn trong tình trạng ùn ứ vì lượng hàng vận chuyển ra cảng ngày càng lớn

Theo ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, nhằm hạn chế những tồn tại, phát huy lợi thế vùng và kết cấu hạ tầng cảng biển đã đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải.

“Cục Hàng hải và Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp về điều chỉnh cung cầu hàng hóa, bến cảng và phát triển cơ sở hạ tầng kết nối; nhóm giải pháp về chính sách phí, giá dịch vụ; nhóm giải pháp hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường an toàn hàng hải, tuyên truyền cung cấp thông tin” - ông Việt cho biết thêm.

Vẫn theo ông Việt, việc khai thác cảng biển nhóm 5 và các cảng biển khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải hiện đã tạo sự chuyển dịch hàng hóa theo chiều hướng tích cực giữa các cảng biển trong nhóm. Hàng hóa từ khu vực cảng truyền thống từ TP HCM đã chuyển dịch ra các cảng mới đầu tư tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, có mặt tại hội nghị, các chuyên gia vận tải biển đánh giá việc dịch chuyển hàng hóa giữa các cảng trong cụm cảng số 5 vẫn còn chậm dẫn đến tình trạng Cái Mép “đói hàng”, Cát Lái quá tải.

Không cấp phép đầu tư mới các bến container

Theo ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển, việc phân bố hàng hóa không đồng đều giữa các cảng biển trong nhóm đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác hạ tầng kết cấu của toàn nhóm cảng biển số 5.

“Hiện nay, hàng hóa tập trung nhiều tại cảng Cát Lái, trong khi đó khu vực cảng Hiệp Phước ngay gần đó lại rất ít hàng hóa, cảng Cái Mép - Thị Vải cũng chỉ khai thác được khoảng 30% tổng công suất. Tình trạng này dẫn đến ách tắc hàng hóa tại Cát Lái, ùn tắc giao thông tại TP HCM…” - ông Tuấn nói.

Tính toán của các chuyên gia cho biết: Hiện tại khu vực phía Nam Việt Nam có sản lượng hàng container vào khoảng 7 triệu TEUs (đơn vị đo của hàng hóa được container hóa) và đang tăng trưởng với tốc độ 10% mỗi năm. Các cảng ở TP HCM được dự kiến là có tổng công suất ở mức 8,5 triệu TEUs vào năm 2030, nên nếu chỉ dựa vào các cảng ở thành phố thì chắc chắn sẽ không đáp ứng được lượng hàng container ngày càng tăng như vậy.

Do đó để nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng bến cảng, theo lãnh đạo Bộ GTVT, từ nay đến năm 2020 không cấp phép đầu tư mới các bến container trong toàn nhóm. Bên cạnh đó, thực hiện nhanh việc di dời cảng theo kế hoạch, tăng cường kết nối cảng, phát triển dịch vụ logistics... Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã đề xuất điều phối hàng hóa từ Tân Cảng - Cát Lái sang cảng Cái Mép - Thị Vải để giảm ùn tắc giao thông ở khu vực này.

An An