Nỗi đau của "Nước mắt cười"

11:00 | 14/03/2013

1,284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với chủ đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, một cuộc triển lãm có tên gọi 'Nước mắt cười' vừa khai mạc tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, 20 Thụy Khuê – Hà Nội.

Nhiều câu chuyện, đồ dùng từng là vũ khí đánh vợ của các ông chồng được mang ra trưng bày nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và hưởng ứng các hoạt động trên thế giới về thúc đẩy xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Triển lãm với những hình ảnh, câu chuyện và các hiện vật khiến người xem phải lặng người suy nghĩ về bạo lực gia đình, “Nước mắt cười” tập hợp hàng trăm hình ảnh, hiện vật “biết nói” do phụ nữ bị bạo lực gửi đến và các tổ chức phi chính phủ thu thập tái hiện xuyên suốt cuộc đời của những phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Tất cả những câu chuyện được tái hiện trong cuộc triển lãm, người xem có thể nhìn thấy những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình tiếp cận để tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ cộng đồng. Họ tập hợp thành các nhóm tự lực để hỗ trợ nhau và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Họ đã cho thấy mong muốn mạnh mẽ và hành động kiên quyết để thay đổi số phận của mình.

Những bức ảnh tập trung mô tả cuộc sống của phụ nữ chịu bạo lực gia đình.

Hàng trăm hiện vật xuất hiện tại triển lãm, mỗi hiện vật lại minh chứng cho một kiểu bạo hành khác nhau của người đàn ông trong gia đình.

 

Một chiếc búa, một chiếc dao, cái nồi méo mó hay chiếc chậu hoa vỡ toang, viên gạch… tất cả vật vô trí đó được bày ra tại phòng triển lãm khiến người ta dễ liên tưởng đây là triển lãm về nông cụ hay vật dụng gia đình. Nhưng không, đó chính là những vật mà người chồng dùng để tấn công, bạo hành với chính người vợ của mình.

 

Chiếc xích chó của một người phụ nữ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, mang tới triển lãm. Chỉ kể lại trên tấm pano treo tại triển lãm: "Anh ấy không vừa ý bất kỳ điều gì là đánh, ra ngoài xã hội có gì bực tức là về nhà nhè vợ mà đánh, ngứa mắt là đánh chả cần biết đúng hay sai". Chiếc xích chó kia chị từng bị chồng trói chặt trên gác 2 trước khi bỏ đi vì sợ mọi người biết.

 

Đây là nồi nước nóng mà chồng chị P. ở huyện Đông Anh (Hà Nội) hắt vào người vợ, khi chị chuẩn bị đem cơm vào cho em chồng đang nằm viện.

 

Chiếc “Vồ” được sưu tầm ở Ninh Bình.

 

Dường như khi cơn giận trào lên, bất cứ vật dụng nào cũng có thể được người chồng “trưng dụng” cho mục đích bạo hành. Một phụ nữ đã cung cấp cho triển lãm chiếc vồ đập đất, chị kể lại câu chuyện của mình bằng một câu đầy ngỡ ngàng, đau xót: “Tôi không nghĩ chồng mình lại vũ phu, tàn bạo như vậy”. Chị cho biết chồng mình đã dùng chiếc vồ đập đất đánh chị đến ngất xỉu nhưng khi đứa con rón rén đến bên mẹ lập tức bị anh chồng đe dọa.

Triển lãm cũng trưng bày nhiều hình ảnh về sự tra tấn của người chồng đối với vợ. Chính nạn nhân bị bạo hành đã họp nhau lại thành các câu lạc bộ để tìm cách ngăn chặn sự vũ phu của chồng. Nhiều kịch bản được tái hiện trên sân khấu do chính họ thủ vai.

Theo thống kê và điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 (do Tổng cục Thống kê tiến hành), trong số 58% phụ nữ được hỏi ít nhất một người bị bạo lực gia đình. Nạn nhân bị khống chế, kiểm soát và bị xâm phạm các quyền cơ bản của phụ nữ.

Phụ nữ và trẻ em gái thường được xem với vai trò của những người làm việc nhà. Chính điều này làm suy yếu quyền của họ, hạn chế các cơ hội, năng lực và sự lựa chọn, đặt ra một trở ngại lớn cho bình đẳng giới và sự phát triển.

Đã có nhiều người vợ phải tìm đến cái chết đau đớn như đứng giữa đường ray chờ đoàn tàu hỏa lao tới..

Chia sẻ của thành viên nhóm Phụ nữ tự lực (phụ nự bị bạo lực gia đình).

 

Nhiều người bị chồng hành hạ mà muốn bỏ cũng không nổi, trốn cũng không xong. Người phụ nữ có tên Trần Thị Tuyết tâm sự, tôi khát khao đến cháy bỏng một cuộc sống bình thường, có ba mẹ cùng yêu thương đùm bọc, không phải sợ bất kỳ ai bắt nạt

Và họ đã liên kết với nhau để tìm ra giải pháp. Nhiều năm qua, các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình của những người phụ nữ này đã thành lập ở nhiều địa phương.

Chị Phạm Thị Hương khoe cuốn sách về một vở diễn do chị thủ vai "Tôi ơi đừng tuyệt vọng". Vở diễn như lời thức tỉnh các cô gái không dẫm vào vết xe đổ của những người như chị. Và hiện giờ chị đã tìm lại được chính mình với những nụ cười vẫn hằn sâu dấu vết đau thương một thời bị chồng đánh đập.

Chị Vũ Thị Nái.

Cuộc đời đã thay đổi với chị Vũ Thị Nái. Trước đó không ai từng nghĩ chồng chị có thể thay đổi được. Từng bị chồng rao bán với giá 20.000 đồng, chị đã chạy ra đứng trước đầu ôtô để kết liễu mình. Niềm hạnh phúc này từng được anh chị ghi lại chân thực bằng những bức ảnh với đầy nụ cười nở trên môi.

Tại triển lãm, Ban tổ chức cũng trưng bày những bức tranh từ hoạt động vẽ tranh tập thể với chủ đề "Hội họa kết nối -Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam". Hoạt động này tổ chức tại Hà Nội, Nghệ An, thu hút hàng trăm người tham gia vẽ tranh, những bức tranh này được sáng tạo theo triết lý bàn tay, con mắt và trái tim.

Tranh sẽ được đem bán đấu giá để tài trợ cho các sáng kiến hoạt động của nhóm/câu lạc bộ của phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Sinh viên Phùng Thị Như Quỳnh (Đại học Văn hóa Hà Nội).

 

Bạn Phùng Thị Như Quỳnh đến xem triển lãm bần thần trước nỗi đau mà những người phụ nữ phải chịu đựng. "Thật kinh khủng, sao họ có thể dùng những hung khí này để hành hạ những người phụ nữ chân yếu tay mềm". Sự đồng cảm, sẻ chia và lên tiếng đấu tranh chống lại bạo lực gia đình. Đó cũng là thông điệp để mọi người cùng chung tay mang đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 29/3/2013. 

Nguyễn Hoan