Nỗi buồn báo chí?

14:08 | 13/01/2014

4,333 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, việc một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, bất chấp những quy tắc đạo đức nghề nghiệp đã đi viết theo kiểu “đâm thuê chém mướn”, viết theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người”, viết theo kiểu “thọc gậy bánh xe” - không còn là chuyện hiếm. Và thực tế đã có không ít vụ việc nhà báo bị xử lý bằng luật pháp về những hành vi như thế này.

Ngày 10/1/2014, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Xuân Hiệu (phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình); Phan Bùi Khang (ở TP Hà Nội) và Dương Kiều Trang (sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) để điều tra về hành vi đe dọa, tống tiền doanh nghiệp và làm giả con dấu, giấy tờ của các cơ quan Nhà nước.

Trước đó, vào ngày 4-1-2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phục kích bắt quả tang đám “phóng viên” này khi đang nhận tiền của doanh nghiệp. Trong 3 đối tượng, thì chỉ có 1 người là phóng viên thật, đang công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình, còn 2 đối tượng kia là làm ngoài.

Nhóm phóng viên nhận tiền doanh nghiệp tại nhà máy kính nổi Chu Lai.

 

 

Nhưng vụ việc không đơn giản như vậy.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, các đối tượng này đã khai rằng, được Dương Văn Đạo, ông chủ một Nhà máy Kính nổi ở Ninh Bình, do thua lỗ, nợ nần chồng chất, thuê 500 triệu với mục đích là làm mất uy tín Nhà máy Kính nổi Chu Lai, ngăn cản việc lãnh đạo nhà máy này mở rộng đầu tư ra Ninh Bình.

Chúng đã xây dựng kịch bản như sau: Đầu tiên là gửi hàng loạt đơn thư tố cáo lên các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng tố cáo Nhà máy Kính nổi Chu Lai làm “ô nhiễm môi trường”. Tiếp theo đó, cho “phóng viên” giả của Đài Truyền hình Việt Nam vào Nhà máy Kính nổi Chu Lai để quay phim hoạt động của nhà máy. Và khi quay phim thì bố trí dân mang băng rôn khẩu hiệu, tụ tập ở cổng nhà máy để biểu tình. Rồi tiếp theo nữa, chúng sẽ “mông má”, cắt gọt làm thành một bộ phim tài liệu “chống tiêu cực”…

Các đối tượng khai đã nhận trước của Dương Văn Đạo 100 triệu đồng và chi vào một số việc, trong đó có cả việc thuê người dân đi biểu tình - với giá 2 triệu đồng/người. Cũng đã có người dân khi được đám phóng viên này cho tiền thì rất lấy làm ngạc nhiên: Rằng từ xưa đến nay, mỗi khi có phóng viên về quay phim hay viết bài thì được cán bộ mời ăn cơm hoặc cho chai nước mắm, cân cá khô… thậm chí là chút phong bì còm cõi của một vùng quê nghèo.

Nhưng lần này, tại sao lại có chuyện phóng viên cho tiền cán bộ thôn và cũng nói rõ mục đích rằng để người dân “góp thêm tiếng nói phản đối Nhà máy Kính nổi Chu Lai”. Vì sự bất minh này, nên người được cho tiền đã mang đến nộp cho chính quyền.

Qua sự việc trên thì ta thấy rõ một điều: Hiện nay, việc một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, bất chấp những quy tắc đạo đức nghề nghiệp đã đi viết theo kiểu “đâm thuê chém mướn”, viết theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người”, viết theo kiểu “thọc gậy bánh xe” - không còn là chuyện hiếm. Và thực tế đã có không ít vụ việc nhà báo bị xử lý bằng luật pháp về những hành vi như thế này.

Gần đây, lại có một tình trạng nhức nhối nữa xảy ra đối với các doanh nghiệp.

Vào những dịp năm hết tết đến, nhiều doanh nghiệp khốn khổ về các loại điện thoại, công văn của phóng viên gọi đến xin quảng cáo.

Ai tử tế thì nói rõ luôn: “Báo chúng em đói quá, tết đến xin anh hỗ trợ cho báo một trang quảng cáo”. Còn có những gã phóng viên (mà chả biết có phải phóng viên, hay là nhân viên chạy quảng cáo) thì gọi điện tới, nói “như cha như mẹ người ta” và yêu cầu phải nộp quảng cáo. Rồi lại có kiểu vớ được một tí tài liệu tiêu cực nào đó của doanh nghiệp thì gọi điện tới dọa là sẽ viết bài và dĩ nhiên, họ sẽ ra điều kiện “đổi lấy sự im lặng” thì phải có bao nhiêu tiền…

Những việc làm như vậy đã làm hoen ố hình ảnh báo chí trong con mắt của nhiều người, đặc biệt là của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã hãi hùng khi phải tiếp báo chí. Người viết bài này đã từng chứng kiến một ông bạn làm Tổng giám đốc một doanh nghiệp - phải đặt lù lù một tấm biển nhỏ trước bàn làm việc: “Công ty chúng tôi không có nhu cầu làm quảng cáo trên báo chí”.

Nhiều tờ báo, tạp chí đang đói.

Nhiều báo, tạp chí đang dở sống dở chết. Và phải giảm kỳ phát hành, giảm trang, thậm chí có tờ phải đình bản, có tờ phải giải thể, sáp nhập…

Không ít báo đã phải giảm lương, giảm nhuận bút, rồi chuyện nợ lương vài ba tháng, nợ nhuận bút hàng nửa năm. Đó là chuyện… thường ngày ở báo chí Việt Nam hiện nay.

Thế cho nên mới có cái cảnh: ở đâu có hội nghị là ở đó phóng viên xông đến rất đông.

Mới đây nhất, tôi được chứng kiến một cảnh cực kỳ buồn.

Hai phóng viên giả bị bắt giữ tại TP HCM năm 2012.

 

Ấy là có một tập đoàn kinh tế tổ chức gặp mặt báo chí đầu năm và mời một số phóng viên của những tờ báo đã có nhiều năm cộng tác với tập đoàn. Trước hết là để báo cáo tình hình công tác năm cũ, rồi phương hướng, kế hoạch năm tới. Rồi lãnh đạo tập đoàn cảm ơn sự cộng tác của các nhà báo, lắng nghe những ý kiến của nhà báo… Tất nhiên, kèm theo tài liệu là có phong bao “mừng tuổi” cho các nhà báo.

Phóng viên nào được mời, khi đến đều đưa giấy mời. Nhưng có 3 cô gái đến và xin tài liệu. Khi được hỏi giấy mời thì một cô nói: giấy quên ở nhà. Còn 2 cô thì lại nói: đi thay cấp trên. Thế rồi được hỏi, đang công tác ở báo nào? Một cô nói: đang làm ở một tờ báo phát hành hàng tuần. Còn 2 cô nói: làm ở báo điện tử. Nhưng thật không may cho họ, khi cô gái nói tên tờ báo đó thì lại có một nữ phóng viên của chính tờ báo đó đang đứng ở đấy. Chị phóng viên nhìn cô gái từ đầu đến chân rồi bảo: “Chị là trưởng ban phóng viên của báo đây, sao chị không biết em nhỉ?”. Cô gái kia đỏ dừ mặt ấp úng, nói lúng búng gì đó mấy câu, rồi kéo 2 cô kia “chuồn” luôn.

Tôi chứng kiến cảnh này mà thấy ngượng và buồn cho báo giới quá!

Mà đâu chỉ có các báo có phóng viên không được mời cũng đến. Không ít các trang tin điện tử - những trang tin không được phép xuất bản tin, không được phép có phóng viên - họ cũng tuyển mộ phóng viên. Và để kiếm sống, các “phóng viên” này đành phải đến các hội nghị, hội thảo, các buổi họp tổng kết của các doanh nghiệp để mong kiếm được một chút.

Bao năm nay, cơ quan báo chí cứ như một cái “miếu thiêng”, hầu như không ai dám đụng đến. Và các phóng viên báo chí thì cứ hay cao giọng phán xét, chê bai, thậm chí dạy dỗ người khác. Nhưng bản thân báo giới thì cũng đang “bệnh tật” đầy mình - mà xem ra có chiều hướng ngày càng trầm trọng. Rất nhiều các cơ quan cố sống cố chết xin cho ra được tờ báo, tạp chí và dĩ nhiên, tờ nào cũng có mục tiêu, tôn chỉ rất đẹp, rất chính trị, nhân văn.

Và khi các cơ quan quản lý báo chí hỏi về kinh phí để nuôi tớ báo thì hầu hết đều trả lời rằng, “đảm bảo đủ nuôi”. Nhưng việc “hữu sinh vô dưỡng” của một số tờ báo, tạp chí không còn là chuyện hiếm. Và thế là, để sống được, báo chí buộc phải hoặc làm báo lá cải, hoặc “lùa” quân đi chạy quảng cáo, viết bài PR. Mà điển hình nhất của sự lá cải này là ở một số tờ phụ san, phụ trương. Nhưng điều nguy hiểm ở ta là, đã lá cải lại còn pha chính trị. Giữa những bài rặt về đâm chém, cướp, giết, hiếp, chuyện tình ái “ba lăng nhăng” thì lại có những bài “chống tiêu cực”.

Chưa bao giờ thị trường báo chí lại bát nháo như hiện nay. Nếu nói một cách sòng phẳng là đang loạn. Đặc biệt là sự hỗn loạn trên thị trường báo điện tử. Rất nhiều độc giả không phân biệt nổi, đâu là báo, đâu là trang web của doanh nghiệp, đâu là trang tổng hợp tin. Cho nên, đã có không ít cơ quan, đơn vị, khi điểm báo cho lãnh đạo thì cũng coi thông tin trên những trang tin tổng hợp này là thông tin của báo chí.

Người đọc hiện nay đang mất định hướng.

Người ta không biết đâu là phải, đâu là trái.

Người ta không biết nghe theo báo nào, đài nào.

Nếu nói một cách sòng phẳng thì chính báo chí lá cải và các trang tin điện tử đội lốt báo chí đang đầu độc người đọc.

Sách giáo khoa, sách tham khảo viết ẩu, viết bậy, cứ xuất bản tràn lan thì được không ít nhà giáo dục khuyên rằng: các bậc cha mẹ mua sách cho con mình phải biết lựa chọn, hay nói nôm na “phải là người tiêu dùng thông minh”.

Đối với báo chí, có lẽ cũng phải dùng một câu “hãy trở thành người đọc báo thông minh”. 

N.N.P