Những ý tưởng cứu trái đất

09:03 | 23/10/2017

1,218 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thỏa thuận khí hậu trái đất Paris đang có nguy cơ đổ bể sau khi Mỹ rút lui. Đứng trước thực tế này, nhiều nhà khoa học đã vẽ ra đủ kiểu kế hoạch cứu trái đất.

Từ lâu chứ chẳng phải khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, các nhà khoa học đã nghiêm túc xem xét phương pháp làm giảm nhiệt độ trái đất bằng công nghệ địa kỹ thuật. Có hai loại công nghệ địa kỹ thuật - công nghệ hút trực tiếp lượng khí carbon vượt mức giới hạn ra khỏi bầu khí quyển và công nghệ làm mát trái đất bằng phương pháp bức xạ một phần năng lượng mặt trời.

Phương án thứ hai đã thu hút nhiều sự chú ý khi Giáo sư Paul Crutzen, chuyên gia nghiên cứu tầng ôzôn, nhà khoa học đạt giải Nobel hòa bình cho rằng, con người có thể chống lại hiện tượng toàn cầu ấm lên bằng cách bơm trực tiếp một lượng lớn lưu huỳnh vào tầng bình lưu của trái đất. Giáo sư Will Steffen, Trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu thuộc Đại học Quốc gia Australia, giải thích ý tưởng đó là mô phỏng một hiệu ứng xảy ra khi núi lửa phun trào. “Núi lửa phun trào rất nhiều lưu huỳnh. Nếu tốc độ phun trào đủ mạnh, lượng lưu huỳnh sẽ được phóng vào tầng bình lưu của trái đất và lưu lại ở đó trong vài năm. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta có thể nhận thấy nhiệt độ toàn cầu giảm xuống bởi lượng khí phun lên đã làm phân tán bức xạ mặt trời và lượng nhiệt mặt trời truyền xuống Trái đất cũng thấp hơn” - Giáo sư Steffen nói.

nhung y tuong cuu trai dat
Người biểu tình kêu gọi cắt giảm khí thải CO2 tại Đức

Lượng khí lưu huỳnh sẽ nhanh chóng làm mát bầu khí quyển nhưng tác dụng đó không kéo dài. “Lượng khí lưu huỳnh sẽ bị tách khỏi khí quyển thông qua các chu trình và các phản ứng hóa học tự nhiên trong vòng 1 đến 2 năm. Nghĩa là con người cần liên tục bơm khí lưu huỳnh vào bầu khí quyển nếu cần hiệu ứng giảm nhiệt độ. Mặt khác, con người cũng có thể dừng lại nếu muốn” - Tiến sĩ Will Howard, nhà nghiên cứu hiện tượng biến đổi khí hậu tại Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Hệ sinh thái và Khí hậu Nam cực giải thích.

Về mặt ý tưởng thì có vẻ hay, nhưng thực tế hầu hết những nghiên cứu về kỹ thuật này đang được thực hiện bằng sử dụng mô hình máy tính. Vấn đề khó khăn là con người không hiểu rõ cơ chế hoạt động của khí quyển để dự đoán những tác động khác của khí lưu huỳnh. Theo các chuyên gia, những tác động đó có thể bao gồm ảnh hưởng tới lượng mưa và mưa axit. Một tác động tiêu cực khác là mặc dù nhiệt độ trái đất giảm nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng gia tăng lượng CO2 như hiện tượng nhiễm axit đại dương sẽ không giảm xuống. Rủi ro khi áp dụng công nghệ này là quá lớn.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, trái đất nóng dần lên là bởi con người và các hiện tượng tự nhiên như bức xạ mặt trời và núi lửa. Thế giới đang nỗ lực giảm lượng khí thải CO2 vào bầu khí quyển với hy vọng, làm như vậy, trái đất sẽ bớt nóng hơn.

Một số người ủng hộ phương pháp địa kỹ thuật cho rằng, nếu con người không thể chấm dứt việc thải ra khí nhà kính, có lẽ con người có thể làm tăng khả năng loại bỏ những loại khí thải khỏi bầu khí quyển. Một trong số những lựa chọn đã được nghiên cứu trong lĩnh vưc này là sử dụng sắt để kích thích sự tăng trưởng của các loài sinh vật phù du hấp thụ khí carbon trong đại dương. Trong khoảng hơn 15 năm qua, một số nhóm nghiên cứu quốc tế đã hoàn thành những cuộc thử nghiệm cho thấy, trong điều kiện phù hợp, phương pháp tiếp cận này hoàn toàn khả thi về phương diện khoa học.

Ở một số vùng của đại dương, loại tảo hấp thụ và dự trữ carbon trong cơ thể ở lớp nước sâu dưới đáy đại dương có nguồn cung cấp sắt rất hạn chế. Các thí nghiệm cho thấy, bổ sung sắt vào những khu vực này sẽ kích thích sự tăng trưởng của loài tảo. Các chuyên gia cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn sẽ phát sinh nếu áp dụng phương pháp này. Một trong những hậu quả có thể xảy ra khi cung cấp thêm lượng sắt là lượng carbon này chìm sâu xuống những lớp nước bên dưới sẽ làm tăng nguy cơ giảm hàm lượng oxy tại đây.

Một phương pháp khác có thể hấp thụ và tách carbon ra khỏi bầu khí quyển trong hàng nghìn năm là sử dụng than nhiệt phân. Phương pháp sử dụng than nhiệt phân là sử dụng thực vật hấp thụ carbon theo quy trình quang hợp trong tự nhiên, sau đó đốt thực vật trong môi trường không có oxy để tạo ra loại than nhiệt phân có thể trộn lẫn với đất. Bằng cách đó, than nhiệt phân có thể hấp thụ carbon, sản sinh ra năng lượng và làm cho đất màu mỡ.

Ảnh hưởng tích cực của phương pháp tiếp cận này và những công nghệ hướng tới sử dụng thực vật để hấp thụ carbon từ khí quyền là có thể tránh xáo trộn hệ sinh thái. Phương pháp này cho thấy, có ít những tác dụng phụ không thể tiên đoán. Than nhiệt phân không thể hấp thụ lượng carbon thừa rất lớn trong khí quyển.

Ngoài ra cũng còn nhiều phương pháp khác cũng được các nhà khoa học nghiên cứu như lắp gương ngoài không gian hay sơn trắng các mái nhà để phản xạ ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất hoặc phủ xanh các sa mạc lớn trên thế giới vừa chống hoang mạc hóa vừa giúp hấp thụ cácbon trong không khí...

Tóm lại, có rất nhiều ý tưởng cứu trái đất được đưa ra nhưng chưa có ý tưởng nào khả thi và ít rủi ro. Cho đến nay, biện pháp cả thế giới chung tay cắt giảm khí thải CO2 là cách tốt nhất.

Làm sao biết được trái đất đang nóng lên?

nhung y tuong cuu trai dat
So sánh nhiệt độ mặt đất trung bình thời gian 1999-2008 với nhiệt độ trung bình 1940-1980

Nóng lên toàn cầu là hiện tượng nhiệt độ trung bình của không khí và các đại dương trên trái đất tăng lên theo các quan sát trong các thập niên gần đây. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, nhiệt độ trung bình của trái đất ở cuối thế kỷ XIX đã tăng 0,8°C và thế kỷ XX tăng 0,6°C. Các dự án mô hình khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng, nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ có thể tăng 1,1 đến 6,4°C trong suốt thế kỷ XXI.

IPCC cho rằng, sự gia tăng nồng độ khí nhà kính sinh ra từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên kể từ giữa thế kỷ XX. IPCC cũng nói sự biến đổi các hiện tượng tự nhiên như bức xạ mặt trời và núi lửa cũng gây hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ làm mực nước biển dâng lên và làm mở rộng các sa mạc vùng cận nhiệt đới.

Song Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc