Những tấm gương hết mình với đam mê khoa học

10:50 | 21/05/2020

389 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu là những tấm gương phấn đấu, vượt qua những điều kiện nghiên cứu còn thiếu thốn, hạn chế để đạt được kết quả khoa học đỉnh cao. Tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu năm 2020, ba nhà khoa học đạt giải đã có những chia sẻ và truyền cảm hứng cho nhiều nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ.    
nhung tam guong het minh voi dam me khoa hoc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao chứng nhận và tặng hoa các nhà khoa học được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Năm 2020, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho 3 nhà khoa học gồm: PGS.TS Phạm Tiến Sơn, trường Đại học Đà Lạt (ngành Toán học) với công trình nghiên cứu “Các tính chất tổng quát của quy hoạch nửa đại số”; PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (ngành Khoa học Y Dược) và đồng nghiệp với nghiên cứu “So sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang”; và TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu, trường Đại học Tôn Đức Thắng (ngành Vật lý) là tác giả của công trình “Nghiên cứu xác định quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu”.

PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Khoa Toán - Tin học, trường Đại học Đà Lạt): Dành trọn thời gian cho khoa học để có kết quả nghiên cứu tốt nhất

Tôi bắt đầu thích toán từ những năm học phổ thông trung học và bởi vậy đã theo học ngành Toán tại trường Đại học Đà Lạt. Những bài giảng của cố Giáo sư Nguyễn Hữu Đức đã truyền cảm hứng và hướng tôi đến với lý thuyết kỳ dị. Năm 1994, tôi làm nghiên cứu sinh tại Viện Toán học dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Hà Huy Vui. Giáo sư đã chỉ cho tôi những hướng nghiên cứu đầy thú vị, đã dạy cho tôi phương thức nghiên cứu khoa học và đặc biệt, đã truyền cho tôi niềm say mê khoa học không ngừng nghỉ. Xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các Thầy!

nhung tam guong het minh voi dam me khoa hoc
PGS.TS Phạm Tiến Sơn

Thành công của hiện tại là thành quả của một quá trình học tập và nghiên cứu liên tục từ nhiều năm tháng qua… Nhìn lại lúc bắt đầu bước vào con đường khoa học, tôi nghĩ rằng luôn hiện hữu hai khó khăn cơ bản đối với những người làm công tác nghiên cứu (đặc biệt với các bạn trẻ) đó là thời gian dành cho nghiên cứu ít và kinh phí được tài trợ để tiến hành các nghiên cứu không nhiều và không phải khi nào cũng có. Mặt khác, niềm đam mê khoa học, mong muốn học hỏi và khám phá cái mới là những động lực đã giúp tôi vượt qua các trở ngại và gắn bó với hoạt động nghiên cứu.

Tuổi trẻ thường có khá nhiều năng lượng và thường nghĩ mình có thể làm được nhiều việc cùng một lúc! Tôi cũng từng như vậy… Nhưng cũng lâu rồi, tôi hiểu rằng các kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt chỉ có thể đạt được khi ta dành trọn thời gian cho khoa học!

PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh): Dựng lá cờ lên đã khó, giữ cho lá cờ bay càng khó hơn.

Đối với tôi, được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, bên cạnh vinh dự, tôi hiểu rằng đây còn là một trách nhiệm và kỳ vọng mà các quý vị lãnh đạo Bộ KH&CN, giới khoa học và cộng đồng đã giao cho tôi. Trách nhiệm đó là làm sao phát huy hơn nữa, làm tốt hơn nữa những công trình nghiên cứu có chất lượng, có tính ứng dụng, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân; đó là làm sao xây dựng được đội ngũ nghiên cứu có chất lượng; đào tạo các thế hệ kế thừa; truyền lửa và nhân rộng hơn nữa tấm gương của nhà khoa học được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu.

nhung tam guong het minh voi dam me khoa hoc
PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan

Ngày hôm nay, khi đứng đây nhận giải thưởng, tôi xin được chia sẻ rằng, tôi chỉ là đại diện cho một tập thể đã cùng nhau hoàn thành nghiên cứu có phẩm chất khoa học cao này. Có thể nói, việc hoàn thành nghiên cứu này cùng với việc công bố công trình nghiên cứu trên tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới, The New England Journal of Medicine, đã góp phần cắm lá cờ Việt Nam, xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ chuyên ngành Y học sinh sản thế giới. Dựng lá cờ lên đã khó, giữ cho lá cờ bay càng khó hơn.

Ý thức được điều này, chúng tôi luôn chú trọng đến xây dựng đội ngũ và lực lượng kế thừa. Cũng sau nghiên cứu này, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ làm nghiên cứu chuyên nghiệp, chất lượng và ngày càng được giới khoa học thế giới biết đến. Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành các cộng sự của tôi, các giáo sư Ben Mol, Rob Norman (Úc) là những người đã cùng tôi trải qua hành trình dài, đầy khó khăn, thử thách nhưng không ít niềm vui để đạt được kết quả tốt đẹp này.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bệnh nhân. Các bệnh nhân chính là những người thầy của chúng tôi với những đặc điểm, triệu chứng, vấn đề bệnh lý khác nhau. Họ chính là động lực cho chúng tôi làm nghiên cứu nhằm tìm ra những phương cách chữa trị hiệu quả và phù hợp nhất. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với những bệnh nhân đã tham gia vào nghiên cứu để giúp chúng tôi trả lời được câu hỏi nghiên cứu, tìm ra giải pháp điều trị tốt nhất và ngược lại, giúp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân khác hơn nữa.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi xin chia sẻ giải thưởng này đến gia đình tôi. Là một người làm khoa học, lại là nữ, cùng với công việc, nghiên cứu, thì việc gia đình cũng giữ một vị trí quan trọng. Việc sinh con, nuôi dạy con là thiên chức của người phụ nữ. Do đó, tôi không thể hoàn thành công việc, toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu nếu không có sự hy sinh của gia đình dành cho tôi. Tôi biết ơn mẹ tôi, chồng tôi và các con tôi.

TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Trường Đại học Tôn Đức Thắng): Tin tưởng vào một mùa xuân đổi mới

Có thể nói, kể từ khi NAFOSTED chính thức đi vào hoạt động, nền khoa học Việt Nam đã có thêm bước phát triển vượt bậc mới. Số lượng công bố khoa học quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam không ngừng tăng lên qua từng năm với nhiều ấn phẩm chất lượng cao đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hàng đầu đã nâng tầm khoa học Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng khoa học và công nghệ Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển khi có sự đầu tư, đánh giá rõ ràng, khách quan và khoa học như những gì Chính phủ, Bộ KH&CN đã làm thông qua NAFOSTED.

nhung tam guong het minh voi dam me khoa hoc
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu

Bên cạnh đó, tự chủ đại học cũng là một xu thế phát triển. Tôi đề cập đến tự chủ đại học vì sự phát triển của khoa học công nghệ và sự phát triển của các trường đại học là không thể tách rời; vì một lượng lớn nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao đang giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học. Năng lượng và tri thức khoa học công nghệ của lực lượng này chỉ có thể được giải phóng khi họ có được môi trường học thuật thuận lợi, được đánh giá đúng và đãi ngộ phù hợp. Tự chủ đại học là giải pháp cơ bản cho vấn đề này.

Là một nhà nghiên cứu trẻ, tôi vui mừng trước những đổi mới hết sức tích cực ở Việt Nam thời gian qua. Tôi tin rằng nguồn nhân lực KH&CN của chúng ta nhất định sẽ phát triển và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng, và sự phát triển của đất nước nói chung. Tôi tin tưởng vào một mùa xuân đổi mới.

nhung tam guong het minh voi dam me khoa hoc

Kỹ sư “triệu đô” và trăn trở của người làm khoa học
nhung tam guong het minh voi dam me khoa hoc

Tôn vinh tập thể, cá nhân đạt giải thưởng Kovalevskaia 2019
nhung tam guong het minh voi dam me khoa hoc

Tạo vật liệu thay chất xúc tác bạch kim trong pin
nhung tam guong het minh voi dam me khoa hoc

Khởi động giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2020

Nguyễn Hoan