Những người giữ hồn sách cũ

09:24 | 02/07/2017

2,442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đối với người yêu sách, sách cũ chứa trong nó không chỉ là tri thức, mà còn là những giá trị văn hóa, tinh thần to lớn.

Sách không bao giờ cũ

Tôi biết đến hội chợ sách cũ khi đi tìm những tác phẩm của ông ngoại tôi - nhà văn Hoài An. Sau khi lang thang ở một vài nhà sách cũ, tôi biết đến Hội chợ sách cũ tại sân Hồ Văn (Quốc Tử Giám). Tháng 4-2017 tôi đã đến đó và vừa rồi nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Hội Sách cũ Hà Nội lại tổ chức bán và trưng bày những sách xưa của những nhà xuất bản lâu năm như Kim Đồng, Cầu Vồng… Đến đây càng thấy rõ hơn ý nghĩa câu “Sách không bao giờ cũ”. Có thể những tác phẩm đối với người này là cũ, nhưng với những người chưa đọc thì đó lại là sách mới, giá trị tri thức chưa bao giờ có giới hạn ở đấy.

nhung nguoi giu hon sach cu
Sưu tầm sách cũ - thú chơi tao nhã

Với sách cũ, độc giả tự định giá, tự suy nghĩ xem nên trả bao nhiêu để có được thứ mình cần. Đó là thú chơi tao nhã của việc người ta bỏ ra cả một ngày đi lang thang trên những con phố sách cũ để lựa chọn cho mình cuốn sách yêu thích. Sách cũ trong các gian hàng được khai thác từ nhiều nguồn: được tặng, mua đi bán lại, được trao đổi, ký gửi… giữa người có nhu cầu mua và người có nhu cầu bán, của cá nhân, tập thể - thư viện, trường học… thậm chí là từ những gánh hàng đồng nát.

Tại chợ phiên sách cũ vừa qua có rất nhiều bạn đọc trẻ là học sinh, sinh viên đã quan tâm. Với mức giá từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng/quyển, nhiều loại sách giảm giá 30-50%. Như mọi lần, tôi đến đây với mong mỏi tìm được cuốn sách của gia đình mình và thấy rằng cũng có nhiều người đi tìm những giá trị xưa cũ như tôi. Như trường hợp của cô Hồ Lệ Thu ở phố Bạch Mai. Cô biết đến với sách cũ Hà Nội là do muốn tìm lại những cuốn sách mà mình đã đọc, đã làm thay đổi hướng đi của cuộc đời mà những cuốn sách thuộc thế hệ 5x là những loại sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng thì không còn tái bản cũng không thể mua ở những hiệu sách bình thường nữa. Cô Thu chia sẻ: “Cô đến với hội chợ sách cũ rất tình cờ và cô tìm lại những cuốn sách mà mình đọc thời trẻ. Sách mới có quá nhiều khiến cô cũng không biết chọn lựa thế nào cho đúng. Cho nên tốt nhất là tìm những cuốn sách mình đã đọc, đã thấm và hiểu để mua về cho con, cháu cùng đọc”.

Chợ sách không chỉ kết nối những độc giả yêu sách mà còn là nơi dành cho những nhà sưu tầm sách cũ. Anh Đoàn Tiến, một người sưu tầm sách thiếu nhi Nga cho biết: “Từ lâu đọc sách là đam mê của tôi và cũng phục vụ cho công việc của mình, nhưng vài năm trở lại đây, khi bắt đầu biết đến sách cũ, tôi đã có thêm một niềm đam mê nữa, đó là sưu tầm sách cũ. Mỗi lần tìm được một cuốn sách cũ, có khi hơn cả tuổi mình rất nhiều, tôi cảm thấy rất vui sướng. Từ khi có những hội chợ sách cũ, tôi chưa bỏ một phiên hội chợ nào. Khi đến đây, tôi không chỉ tìm thấy những cuốn sách đang tìm kiếm mà còn có dịp giao lưu với những người chơi sách, yêu sách.

Những đầu sách có tại hội chợ này khiến người yêu sách còn tìm thấy nhiều giá trị. Chị Ngọc Dung nhà ở phố Quán Sứ kể rằng: “Tôi đến đây để tìm những bản cũ của một số đầu sách văn học Xô viết trước đây, hay một số những tác phẩm khác, có bản dịch cũ được thực hiện bởi những dịch giả chuyên nghiệp từ thời trước. Cách dịch này có lối văn phong độc đáo, cuốn hút, dễ dàng đánh bật những người “anh em” tái bản cùng tên đương thời được dịch bằng những lớp người trẻ hơn”.

Người giữ hồn sách cũ

nhung nguoi giu hon sach cu

Nói đến cái duyên với sách cũ, với ý định đi tìm những tác phẩm của ông ngoại mình, tôi đã may mắn gặp nhà sưu tầm sách, Hoàng Ngọc Viên. Ban đầu, khi thấy trên mạng xã hội có Hội chơi sách cũ Hà Nội, với mong mỏi tìm được những tác phẩm của ông, tôi đã đăng ảnh của sách và với dòng chữ cần tìm cuốn sách này và mong có người giúp đỡ. Chỉ một lúc sau, đã có người nhắn cho tôi rằng: “Tôi có quyển sách mà bạn đang cần, nhưng để tôi tìm rồi báo lại bạn”. Tôi vẫn nhớ cảm giác đó. Sau một tuần có người hẹn tôi đến lấy sách. Khi đó tôi không biết Hoàng Ngọc Viên là ai, chỉ biết rằng, anh đã tìm cho tôi cuốn sách “Cái khánh đá” của nhà văn Hoài An được xuất bản năm 1972, là một trong những cuốn sách thuộc dòng sách hiếm trên thị trường. Tôi thực sự xúc động! Tôi đã mua cuốn sách này chỉ với 50.000 đồng. Cầm trên tay cuốn sách của ông ngoại mà bao nhiêu năm gia đình tôi tìm kiếm, tôi không cầm được nước mắt.

Trước khi gặp được anh Viên, tôi đã có khoảng thời gian dài đến Thư viện Quốc gia, tra cứu, tìm kiếm những bài viết của ông ngoại trên Báo Văn nghệ, tra mã được tên những tác phẩm của ông mà gia đình tôi còn không nhớ nổi như: “Những phút gay go trên đồi số 5 Điện Biên Phủ” xuất bản năm 1955; “Chuyện Làng” xuất bản năm 1963 hầu hết là những tập truyện mà gia đình tôi đã bị thất lạc. Mà những truyện còn lưu giữ được trên Thư viện Quốc gia thì không thể mua mà chỉ được sao chép. Đó là một trong những điều khiến gia đình tôi vô cùng nuối tiếc.

Và sau này, khi tiếp xúc và nghe những câu chuyện mà anh Viên kể về những người nhờ anh “săn sách” mới thấy rằng, những cuốn sách sờn gáy, nhuốm màu thời gian ấy quả thật giá trị đến nhường nào và vẫn còn có rất nhiều người cần đến những người lưu trữ sách cũ như anh. Cuốn sách tôi đã nhờ anh, lại là 1 trong hơn 2.000 cuốn anh sưu tầm, anh có duy nhất một bản, với những người sưu tầm sách thì sẽ không bao giờ giao bản duy nhất mà mình có cho ai, nhưng tôi là trường hợp ngoại lệ.

Hoàng Ngọc Viên là một trong những người chơi sách cũ có tiếng ở Hà Nội. Yêu thích sách từ tấm bé, anh kể rằng, tuổi thơ của anh chỉ có ở trong nhà đọc sách, những cuốn sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng như: “Mít Đặc”, “Cánh buồm đỏ thắm”; Nhà xuất bản Kim Đồng: “Dế mèn Phiêu lưu ký”, “Thát Sát”… Được thừa hưởng từ gia đình kho truyện thiếu nhi và chỉ đến năm 2010, anh Viên mới có ý thức và thực sự đam mê sưu tập sách. Anh kể: “Ban đầu mình cứ đi tìm những cuốn sách hay, những ấn phẩm mà mình yêu thích, không chỉ vậy, chúng phải còn mới và đẹp, dần dần thì những nơi mình đến họ không bán sách lẻ cho mình nữa vì những sách hay, sách đẹp thì mình đã mua rồi, sách còn lại chẳng ai mua và họ bắt mình mua cả thùng, cả lô luôn. Khi mang về nhà, vợ mình cằn nhằn nhiều lắm, lục đục không biết bao nhiêu lần. Lương giáo viên lĩnh được bao nhiêu là mình lại đổ vào mua sách hết. Nhà thì bé tí tẹo mà sách thì cứ đầy dần”.

Vào một ngày cuối tuần, anh Viên bảo tôi rằng có cuộc đi “săn sách” và mời tôi đi cùng. Anh kể về những dạng sưu tầm sách cũ. Có người sưu tầm sách theo tác giả. Một cuốn sách của tác giả mà họ yêu thích, họ sẽ đi tìm từ ấn phẩm in lần đầu tiên đến ấn phẩm tái bản mới nhất, họ mê đến nỗi, mỗi ấn phẩm tái bản họ biết được sự khác nhau của từng quyển. Có những người chơi sách theo chữ ký của tác giả. Đây là một trong những cái khó, vì trước đây, những người đi thu mua sách cũ, cứ thấy có chữ ký là họ cho rằng, sách “bẩn” không mới nên họ sẽ xé đi và đấy là điều mà dân sưu tầm sách có chữ ký khó chịu nhất. Hoặc có người sưu tầm sách của những nhà xuất bản đã không còn hay bị đình bản như Nhà xuất bản Minh Đức Thời Đại, bị đình bản năm 1958 vì liên quan đến sự kiện “Nhân văn giai phẩm”. Những cuốn sách của nhà xuất bản này đều bị thu hồi và tiêu hủy, những ai còn giữ lại sẽ bị kỷ luật. Ấy vậy mà những người yêu sách vẫn tìm được những ấn phẩm của nhà xuất bản này. Anh bày tỏ: “Thông thường đồ dùng cái gì cũ có giá rẻ hơn mới, nhưng điều này không đúng với những cuốn sách được coi là cổ và quý. Đó là vàng, thậm chí quý hơn vàng...”.

nhung nguoi giu hon sach cu
Anh Hoàng Ngọc Viên tại Hội chợ sách cũ

Thường những quyển sách được in ấn từ năm 1975 đổ về trước, chất liệu giấy in rất đẹp và dai vì được Pháp và Trung Quốc viện trợ giấy in, cho nên nhiều bản sách vẫn còn đẹp nguyên vẹn đến tận bây giờ. Còn những nhà văn hóa, những thi sĩ thì lại sử dụng chất liệu đặc biệt hơn, đó là giấy dó. Có những cuốn in chỉ vài chục cuốn nhưng bản in đặc biệt ấy đều được đánh số và triện ấn riêng của từng người có in lời đề tặng ở trang đầu tiên, rồi những cuốn tác giả lại in để đốt cho người bạn quá cố, qua đó mới thấy được tình cảm đậm sâu của người thi sĩ. Nghề chơi nào cũng lắm công phu…

Anh Viên kể rằng, có những lần đi săn sách trượt, bị lỡ mất những cuốn sách quý hiếm, về nhà anh mất ăn, mất ngủ cả tháng liền. Đúng vậy, tôi cũng đã trải qua cảm giác đó, khi tôi với anh tìm thấy cuốn “Chuyện làng” của ông ngoại tôi nhưng đã bị bán trước đó một thời gian, cảm giác tiếc nuối này vẫn còn in đậm. Đối với người chơi sách cũ, để có được những bản đặc biệt, nhiều người trả giá rất cao nhưng những nhà sưu tầm lại không bao giờ bán cho họ, được nhìn ngắm và sở hữu những bản sách quý đáng giá hơn rất nhiều.

Tôi được anh Viên mời đến tham quan kho sách của mình, cơ man nào là sách, cả cũ và mới. Từ năm 2015, do nhiều sách nên anh mới nảy ra ý định kinh doanh sách cũ. Vừa là có cơ hội luân chuyển sách cho những người cần, vừa được giao lưu với những người chơi sách và cũng là cơ hội để anh thỏa niềm đam mê mà không bị bà xã kêu ca.

Gặp những người mê sách, trò chuyện cùng các “mọt sách” mới thấy sức hút của sách cũ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp hiếm có trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt.

Có những cuốn sách hàng chục năm không được tái bản, nếu muốn mua, muốn đọc chỉ có thể tìm đến nơi bán sách cũ.

Diệu Thuần