Những người đón giao thừa trên tàu

04:46 | 24/01/2020

1,160 lượt xem
|
Sau hồi còi dài báo hiệu thời khắc giao thừa, các tiếp viên bày mứt Tết, bánh chưng mời hành khách ăn uống như một gia đình.

Ngày cuối năm, trên sân ga Sài Gòn, hành khách hối hả lên tàu, tay xách hành lý, cành đào để làm quà tặng người thân ở quê. Anh Thái Học Mỹ, Trưởng tàu SE4, Đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam, cũng kéo valy đi theo dòng khách chuẩn bị lên tàu.

Hơn 10 năm công tác trong ngành đường sắt, anh Mỹ hiếm khi ăn Tết ở nhà. Ngày cuối năm, anh cùng mọi người trong tổ tàu lên cơ quan từ buổi sáng. Họ vệ sinh tàu, thay ga gối và trang trí trong các toa xe, cắm cành mai trên toa hàng ăn, chuẩn bị bánh chưng, bánh kẹo, gà, nước ngọt, hoa quả... Lúc 22h, chuyến tàu rời ga Sài Gòn mang theo những hành khách cuối cùng trong ngày cuối năm.

Trước giờ đón giao thừa, anh em tổ tàu chia nhau luộc gà, bày bánh chưng, bánh kẹo để thắp hương. Đúng 12h, lái tàu trên đầu máy thường kéo một hồi còi dài báo hiệu thời khắc chuyển giao sang năm mới. Sau đó cả tổ tàu đi dọc các toa chúc Tết và lì xì cho hành khách. Nhân viên tàu và hành khách tập trung tại toa hàng ăn đã có bánh chưng, gà, hoa quả... để chào đón năm mới. Có những hành khách nước ngoài đi du lịch mà không để ý ngày Tết âm lịch ở Việt Nam, họ rất ngạc nhiên khi được tiếp viên mời ăn uống, chúc mừng năm mới.

Những người đón giao thừa trên tàu
Trang trí hoa đào trên buồng lái tàu SE3 vào dịp Tết. Ảnh: Ngọc Thành

Mỗi chuyến tàu Tết ra Bắc rồi quay vào Nam, tổ tàu thường phải xa nhà 4 đến 5 hôm. "Đêm giao thừa, các tiếp viên hay hành khách đều chạnh lòng khi nhớ về gia đình. Chúng tôi tổ chức đón Tết trên tàu giúp mọi người xua đi nỗi nhớ nhà", anh Mỹ nói và cho hay bản thân đã nhiều năm đón Tết trên tàu nên không còn buồn bã như trước đây. Khi tiếng còi tàu báo hiệu thời khắc giao thừa đến, anh vẫn thường gọi điện cho vợ để được nhìn thấy, trò chuyện với con nhỏ.

Một kỷ niệm trên chuyến tàu Tết cách đây nhiều năm mà anh Mỹ vẫn còn nhớ. Ngày 30 có hai bà cháu từ TP HCM về quê ăn Tết. Khi xuống ga Thanh Hóa, bà trên 60 tuổi quên túi xách chứa 50 triệu đồng. Phát hiện túi đồ, anh Mỹ đã nhanh chóng tìm cách trả lại cho vị khách và cảm thấy niềm vui lan toả khi chứng kiến người bà xúc động nhận lại số tiền lớn tưởng đã mất.

Trưởng tàu SE4 cũng nhớ đến những vụ tai nạn xảy ra trong dịp Tết. "Ngày xuân nhiều người chúc nhau chén rượu, rồi ra đường lại phóng nhanh, cố tình vượt qua chắn tàu để sang đường dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Năm nay đã có luật cấm uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, hy vọng sẽ không còn tai nạn nào xảy ra", anh Mỹ nói.

Chị Nguyễn Thu Hường và chồng đều là tiếp viên tàu SP3/4 tuyến Hà Nội - Lào Cai (Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội). Trong 16 năm công tác, hơn 10 năm chị đón Tết trên tàu. Vì cả hai vợ chồng cùng là tiếp viên nên tổ tàu linh động cho chị hoặc chồng được ở nhà với gia đình vào ngày 30 Tết. Duy nhất năm trước, cả hai vợ chồng được huy động đi tàu dịp Tết, công việc nhà và trông con phải nhờ đến ông bà.

Sáng 30, hai vợ chồng chị đèo nhau từ Sơn Tây lên ga Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến tàu cuối năm. Họ cùng nhau vệ sinh, trang trí tàu và chuẩn bị đồ ăn cho đêm giao thừa.

Tàu SP3/4 không có toa hàng ăn, dịp Tết thường vắng khách hơn ngày thường, chủ yếu là khách nước ngoài đi du lịch Sapa. Đêm giao thừa, tổ tàu thường trải chiếu bày gà, bánh chưng, giò, rượu vang mời khách ăn uống tại toa trưởng tàu.

"Sau khi chúc Tết hành khách, chúng tôi lại ngồi trò chuyện rôm rả, chia sẻ những câu chuyện của từng gia đình. Tiếp viên trên tàu đã gắn bó với nhau hơn 10 năm nên coi nhau như anh chị em ruột", chị Hường kể.

Trưởng tàu SE1 Hoàng Mạnh Tường (Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội) chia sẻ, tàu SE1 khởi hành từ ga Hà Nội ngày 30 Tết thường chỉ có hơn 100 khách đi chặng ngắn, là những người bận công việc nên về quê muộn. Lúc giao thừa, có những hành khách buồn, khóc lóc vì nhớ nhà, nhân viên tàu phải đến động viên.

"Đêm giao thừa, mình cũng muốn về với gia đình, song nếu tiếp viên buồn thì hành khách buồn hơn nên chúng tôi cố gắng tạo không khí vui tươi trên tàu", anh Tường nói. Tổ tàu SE12 cũng tổ chức đón giao thừa tại toa hàng ăn tạo không khí Tết đầm ấm.

"15 năm rong ruổi trên tàu, thu nhập thấp lại vất vả, thường xuyên xa gia đình. Tôi từng nghĩ thay đổi công việc khác, song vì tình yêu với nghề mà năm này qua năm khác lại những chuyến tàu đêm năm cũ", anh Tường chia sẻ.

Những người đón giao thừa trên tàu
Tiếp viên Vũ Mạnh Hà, tiếp viên tàu SE3/4 (phải) phục vụ hành khách trên tàu. Ảnh: Anh Duy

Anh Vũ Mạnh Hà, tiếp viên tàu SE3/4 (nhân viên Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) nhớ rõ chuyến tàu ra Bắc ngày mùng 2 Tết cách đây 4 năm. Khi tàu qua ga Kim Liên gần đèo Hải Vân thì bất ngờ có một hành khách trở dạ sinh con. Nhân viên tàu lo lắng vì không thể để nữ hành khách xuống ga vắng vẻ dịp Tết, nơi hạn chế phương tiện cấp cứu. Cả đoàn tiếp viên đã huy động các phương tiện trên tàu và một vị khách đỡ đẻ cho khách an toàn. Bé gái được sinh ra được gia đình đặt tên là Kim Liên.

Ông Đào Việt Thắng, Trạm trưởng tiếp viên đường sắt Hà Nội, cho biết, trong dịp Tết Canh Tý này có khoảng 570 trưởng tàu, tiếp viên phải làm việc trên tàu.

Vào ngày 30 Tết, lãnh đạo đơn vị luôn động viên, chúc tết các tổ công tác trước khi tàu rời ga và tặng quà cho những người công tác nhiều năm trên tàu, bố trí kinh phí để nhân viên tổ chức ăn uống đêm giao thừa cùng hành khách. Sau tết, khi lịch chạy tàu thưa hơn, công ty sắp xếp cho mọi người có thời gian nghỉ bên cạnh gia đình.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc