Những người chiến thắng bệnh ung thư

07:00 | 31/01/2015

19,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân câu chuyện PGS Văn Như Cương đã chữa khỏi căn bệnh ung thư gan giai đoạn muộn, trên thế giới và ngay cả Việt Nam cũng có rất nhiều những con người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” khi vượt lên số phận, chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác với tinh thần lạc quan.

>> Ai chữa bệnh ung thư cho PGS Văn Như Cương?

Lance Edward Armstrong - ung thư tinh hoàn

Những nghị lực chiến thắng ung thư quái ác

Là một cựu vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp nổi tiếng người Mỹ. Anh từng được biết đến như một vận động viên xe đạp đã phá kỷ lục giải Tour de France khi giành chiến thắng bảy lần liên tục sau khi vượt qua bệnh ung thư tinh hoàn, nhà sáng lập và chủ tịch của Tổ chức Lance Armstrong, một tổ chức nghiên cứu và hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư.

Năm 1996, khi đang là cua rơ số 1 thế giới và giành được các chiến thắng ấn tượng tại giải Tour Du Pont và Fleche Wallone đồng thời là thành viên của đội tuyển Mỹ tham gia Atlanta 1996, thì những cơn đau bắt đầu hành hạ đã buộc Armstrong phải rời khỏi yên xe. Các chẩn đoán ban đầu cho thấy căn bệnh ung thư tinh hoàn đã di căn lên đến phổi và não của Lance.

Điều kỳ diệu là, chỉ 5 tháng sau khi phát hiện bị ung thư, dù chưa biết rõ tương lai ra sao, Armstrong lại bắt đầu đạp xe với một nghị lực phi thường.

Đến năm 1998, khi chính thức khỏi căn bệnh ung thư quái ác, Armstrong tham gia một cuộc đua gây quỹ và ủng hộ cho Quỹ Lance Armstrong.

Kris Hallenga - ung thư vú

Những nghị lực chiến thắng ung thư quái ác

Năm 20 tuổi, Kris bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, ung thư vú đã di căn đến cả xương chậu, gan và vùng hông và cô ấy còn có một khối u ở não.

Cô phải đến viện nhiều lần trong tháng, chụp máy quét mỗi ba tháng một lần và phải dùng rất nhiều loại thuốc để làm chậm quá trình di căn của bệnh. “Khi bị chuẩn đoán bệnh, tôi đã đọc thấy tuổi thọ dự kiến của tôi chỉ kéo dài thêm 2 năm rưỡi nữa thôi. Nhờ có nỗ lực điều trị, tôi vẫn ở đây, ngay phút giây này – 6 năm sau đó, nhưng căn bệnh ung thư theo đó vẫn còn trong cơ thể.” Hallenga nói.

Phải nói rằng, Kris đã chiến đấu mạnh mẽ để đẩy lùi căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối của mình. Cô đã nghĩ, mình sẽ chết ở tuổi 20 – một độ tuổi đầy năng lượng. Thế nhưng đã 6 năm trôi qua, cô có thể mỉm cười vì đã thói khỏi bàn tay tử thần.

Hari Won

Những nghị lực chiến thắng ung thư quái ác

Từ bé, Hari Won ý thức việc ăn uống, tập luyện để bảo vệ sức khỏe. Vì thế cô khó chấp nhận kết quả từ một lần đi khám sức khỏe cùng mẹ: ung thư. Cô đã phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u chỉ 6 tháng trước khi tham gia chương trình Cuộc đua kỳ thú 2013.

Ở lần mổ thứ nhất, Hari vẫn còn lạc quan. Nhưng đến lần phẫu thuật thứ 2 (chỉ trong một tháng), cô ca sĩ gốc Hàn không tránh khỏi suy sụp. Hari cho biết mình có từng “hết tự tin và buồn rầu nhiều”, nhưng cô nàng quyết định phải mạnh mẽ và sống lạc quan hơn, để có thể động viên ngược lại những người quan tâm mình.

Hari bật mí rằng bác sĩ từng bảo cô phải luôn lạc quan, vì vậy cô nàng thường “suy nghĩ tích cực bằng cách hát karaoke một mình”, vừa kết hợp luyện giọng, vừa giúp tinh thần thoải mái hơn. Hari chia sẻ, đi một mình để có thể tha hồ ca hát, la hét và giải tỏa “stress” rất hiệu quả. Cũng chính nhờ sự lạc quan và niềm tin mạnh mẽ vào bản thân, mà Hari đã tự tin đẩy lùi được bệnh tật.

Diễn viên Anh Vũ

Những nghị lực chiến thắng ung thư quái ác

Đang là trụ cột gia đình, Anh Vũ gần như sụp đổ khi biết mình mắc bệnh ung thư đại tràng đã di căn đến gan. Anh cứ bị cái chết ám ảnh cho đến khi gặp được một cô gái bị ung thư giai đoạn cuối, mắt đã mù, răng rụng dần. Vậy mà cô vẫn lạc quan, vui vẻ ca hát trong hành lang bệnh viện, tận hưởng những ngày cuối đời thật hạnh phúc.

Anh Vũ nhận ra mình may mắn hơn nhiều vì còn khả năng chữa trị dứt bệnh. Thời gian trôi qua đã hơn 10 năm, anh vẫn sống vui và khỏe mạnh, tiếp tục làm nghệ thuật. Anh Vũ vẫn giữ con hạc giấy của cô gái kia tặng để nhắc mình phải lạc quan, tin vào những điều tốt đẹp phía trước.

Bên trên chỉ là một trong số rất ít những nghị lực phi thường đã đẩy lùi được bệnh tật. Theo một khảo sát của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, có tới gần 70% số người được hỏi cho rằng ung thư là không thể chữa được.

Con số đó không chỉ thể hiện nhận thức sai lệch về ung thư mà còn cho thấy thái độ bi quan của cộng đồng trước căn bệnh này. Song, ung thư sẽ không phải là dấu chấm hết nếu như người bệnh dũng cảm đương đầu chiến đấu với bệnh tật, giữ vững một thái độ và tinh thần lạc quan.

Ngọc Dung (Tổng hợp)