Những người ăn cơm trên bờ, trồng rừng dưới đáy biển

16:59 | 25/08/2023

95 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làm việc dưới nước mà vẫn vã mồ hôi, những người trồng rừng ở đáy biển Cù Lao Chàm đối diện hiểm nguy mỗi ngày trong lòng đại dương.
Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn để bảo vệ rạn san hô Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn để bảo vệ rạn san hô "nghìn năm"
Cứu rạn san hô lớn nhất thế giớiCứu rạn san hô lớn nhất thế giới
Ngâm mình hàng giờ dưới biển Ngâm mình hàng giờ dưới biển "cởi trói" cho san hô Đà Nẵng

Vã mồ hôi dù làm việc dưới nước

"Khi đóng một cây neo dưới đáy biển để cột dây phao nổi trên mặt nước, nhằm cảnh báo tàu bè qua lại khu vực bảo tồn, nhiều anh em làm việc toát mồ hôi mới xong", ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - chia sẻ về công việc của cán bộ mình.

Nguyễn Thị Hồng Thúy cùng đồng nghiệp trước lúc lặn xuống biển làm việc (Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm).
Nguyễn Thị Hồng Thúy cùng đồng nghiệp trước lúc lặn xuống biển làm việc (Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm).

Nguyễn Thị Hồng Thúy năm nay 29 tuổi, là một trong 3 cán bộ nữ đang làm việc tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tốt nghiệp Khoa Quản lý nguồn lợi thủy sản Đại học Nông - Lâm Huế. Sinh ra và lớn lên ở Cù Lao Chàm, sau khi tốt nghiệp, Thúy xin vào làm việc tại Ban Quản lý Khu bảo tồn biển này đến nay đã hơn 6 năm.

Công việc của Thúy là chăm sóc san hô, cỏ biển, bảo vệ động thực vật, vệ sinh đáy biển cho san hô phát triển... Thúy bảo công việc ngâm nước đến bã cả người nhưng cô rất yêu nghề này.

Là phụ nữ mà chuyên làm việc dưới hàng chục mét nước biển, Thúy khẳng định, không yêu nghề thì không thể làm được. Để lặn dưới biển làm việc hàng giờ liền, Thúy đã được Hiệp hội lặn biển quốc tế (PADI) cấp chứng chỉ lặn biển cấp độ đến 18m.

Những cán bộ tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm như Thúy được gọi là những "người trồng rừng dưới đáy biển".

Thúy cho biết công việc chính của mình là ươm cấy san hô, mỗi tuần từ 2 đến 3 lần phải lặn biển. Khi san hô phát triển đến độ nhất định thì chiết, tách ra mang đến chỗ san hô bị tác động gãy, đổ để tiếp tục gây bãi, giống như trồng rừng trên cạn.

Công việc của Nguyễn Thị Hồng Thúy dưới đáy biển (Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm).
Công việc của Nguyễn Thị Hồng Thúy dưới đáy biển (Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm).

Thúy cho hay, công việc dưới đáy biển đòi hỏi khả năng bơi lặn tốt. Không phải ai biết lặn cũng có thể làm việc dưới đáy biển được. Ban đầu, Thúy phải tập lặn giải áp, tập thở bình oxy... để làm quen với môi trường, sau đó mới làm những công việc liên quan như ươm cấy san hô, xử lý sự cố...

Công việc nguy hiểm đổi phần thưởng quý giá

Nguyễn Văn Phong, năm nay 33 tuổi, có hơn 6 năm làm công tác bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm.

Vào những tháng mưa bão, những nhân viên bảo tồn như Phong lặn xuống biển thu dây cột phao về. Những tháng hè, khi tàu bè, ca nô ra vào đảo Cù Lao Chàm đông trở lại, anh em lại lặn xuống biển kiếm trụ neo cột dây để phao nổi lên mặt nước nhằm cảnh báo, không để tàu bè xâm phạm vùng biển bảo tồn.

Những người tái tạo và bảo vệ môi trường sinh thái dưới đáy biển Cù Lao Chàm (Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm).
Những người tái tạo và bảo vệ môi trường sinh thái dưới đáy biển Cù Lao Chàm (Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm).

Phong chia sẻ, làm việc dưới nước rất nguy hiểm. Nhiều khi dòng nước biển chảy rất xiết, dù có bám vào dây cũng bị tuột. Rồi có khi gặp dòng nước độc bất ngờ chảy qua hay sự cố hết bình oxy giữa chừng... đều là những tình huống nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người dưới nước.

Phong kể, có hôm mang máy móc xuống khoảng 20 mét nước dưới biển để đóng trụ cột dây phao. Anh em trong đội phải khoan, đục đến toát mồ hôi mới hoàn thành được một trụ neo. Đóng xong một trụ, do áp lực dưới nước cộng với tiếng ồn khi trở lên bờ, cả đội bị ù tai, ai nói gì cũng không nghe được, vài ngày sau mới hết.

"Làm việc dưới đáy biển sâu mà nhiều lúc anh em vã mồ hôi. Nói thế để biết công việc vất vả thế nào", Phong chia sẻ.

Vùng biển khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có khoảng 60 vị trí để cột dây phao. Đến hẹn lại lên, mùa mưa bão, nhân viên bảo tồn phải lặn xuống thu dây phao về, mùa hè lại lặn để cột, nối dây phao.

Những người ăn cơm trên bờ, trồng rừng dưới đáy biển
Dù công việc vất vả nhưng khung cảnh "thần tiên" dưới đáy biển là phần thưởng quý giá với những người làm nghề bảo tồn (Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm).

Niềm an ủi, động lực với những người làm công việc này là cảnh "thần tiên" dưới đáy biển. Nguyễn Văn Phong tâm sự, dù đồng lương không cao nhưng công việc này đúng là đam mê của anh.

"Lúc lặn dưới biển tôi mới thấy tinh thần được thoải mái. Cảnh đẹp dưới biển, người bình thường dễ gì ngắm được, dù công việc này nguy hiểm luôn rình rập", Nguyễn Văn Phong nói.

Còn Nguyễn Thị Hồng Thúy kể, khi làm công việc dưới biển, ít ai thấy được cảnh vất vả vì bối cảnh hoàn toàn ở dưới nước. Bù lại, không mấy người có được phần thưởng là khung cảnh tuyệt vời ở "thủy cung".

"Nhiều lúc đang làm, nhìn thấy một đàn cá rất đẹp bơi qua, tôi thấy phấn khích vô cùng. Có lúc gặp những rạn san hô với nhiều màu sắc rực rỡ cũng là niềm vui bùng nổ với chúng tôi. Đây là những phần thưởng về tinh thần vô cùng quý giá", Thúy bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - cho biết, đơn vị có 46 cán bộ nhân viên, trong đó một nửa làm việc ở Hội An, còn lại làm việc ở Cù Lao Chàm.

"Sứ mệnh chung của việc bảo tồn biển là bảo vệ đa dạng sinh học môi trường biển Cù Lao Chàm, cụ thể là hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển cũng như hệ thống rừng đặc dụng trên đảo", ông Vũ cho hay.

Ở Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có 17 cán bộ làm việc trực tiếp quản lý khu vực dưới nước, nhiệm vụ là tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rạn san hô, thảm cỏ biển, ươm cấy san hô...

Theo ông Vũ, công việc dưới đáy biển tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Nhiều nhân viên bảo tồn bị bệnh nghề nghiệp, như một số cán bộ lặn biển mắc bệnh xương khớp, thoát vị đĩa đệm dù còn trẻ... Đó là chưa kể những thách thức khi đêm hôm đi tuần tra đối đầu đối tượng khai thác hải sản trộm manh động.

Vất vả mà đồng lương thấp nhưng nhân viên đội bảo tồn biển rất đam mê công việc, bằng chứng là những năm qua, rất ít cán bộ bỏ nghề, tìm việc khác. "Họ làm việc vì mục đích chung là bảo vệ môi trường biển Cù Lao Chàm cho các thế hệ sau", ông Vũ nói.

Vùng biển Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, có tổng diện tích khoảng 23.500ha gồm vùng biển và các hòn đảo xung quanh Cù Lao Chàm và một phần thành phố Hội An.

Nơi đây có nhiều loài san hô, cỏ, rong và các loại sinh vật quý hiếm khác như rùa biển... Thống kê riêng san hô đã có 282 loại thuộc 23 họ và 79 giống. Trong đó san hô tạo rạn có 265 loài thuộc 17 họ và 66 giống.

Khảo sát gần đây cho thấy có sự suy thoái rạn ở một số vùng biển như Bãi Tra - Bãi Hương và Bãi Bắc Cù Lao Chàm. Tác động của môi trường, biến đổi khí hậu và cả hoạt động của con người luôn tiềm ẩn nguy cơ tận diệt hệ sinh thái này. Do đó, việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái trên vùng biển Cù Lao Chàm rất được chú trọng.

Theo Dân trí