Ngâm mình hàng giờ dưới biển "cởi trói" cho san hô Đà Nẵng

09:16 | 16/08/2023

105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngâm mình hàng giờ dưới biển, lặn sâu hàng chục mét để nhặt rác, tháo lưới đang "trói" chặt san hô. Những con người này chọn yêu biển Đà Nẵng theo cách riêng của họ.
Tàu thuyền mắc cạn giữa Tàu thuyền mắc cạn giữa "biển" rác thải ở Quảng Ngãi
Cứu rạn san hô lớn nhất thế giớiCứu rạn san hô lớn nhất thế giới
"Mỏ vàng" dưới đáy biển Quy Nhơn

"Cởi trói" cho san hô Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) với hệ sinh thái biển phong phú và khá nguyên sơ, du khách khắp nơi tìm đến đây ngày càng nhiều. Nhưng tỷ lệ thuận với lượng du khách chính là rác thải khiến bán đảo phải oằn mình gánh chịu.

Nếu như trên cạn có các tình nguyện viên nhặt rác vào cuối tuần thì dưới gần cả chục mét nước lại có những người lặn biển chuyên nghiệp "đi phượt" dưới nước, nhặt những bao tải rác thải kéo vào bờ.

Nhóm lặn thực hiện việc nhặt rác dưới biển (Ảnh: Hoài Sơn).
Nhóm lặn thực hiện việc nhặt rác dưới biển (Ảnh: Hoài Sơn).

Có mặt tại bãi Nam từ rất sớm, anh Đào Đặng Công Trung (làm trong ngành du lịch) cùng các thành viên trong câu lạc bộ lặn tự do chuẩn bị cho một chuyến lặn biển. Điểm khác biệt lần này của nhóm là sự có mặt của mớ đồ nghề lỉnh kỉnh để gắp rác, gom rác dưới biển.

Chuẩn bị xong mọi thứ, anh Trung "dàn quân" tiến ra các bãi đá ở khu vực đã chọn và tỏa ra nhiều hướng cùng nhặt rác ở độ sâu 3 - 12m.

"Không phải cứ bơi giỏi là lặn được, vừa lặn vừa nhặt rác lại càng không dễ", anh Trung nhấn mạnh và cho hay trước khi xuống nước, các bạn phải chia nhau công việc, vị trí phù hợp với khả năng lặn của từng người. Bên cạnh đó, mọi người luôn dặn nhau quan sát để tránh ảnh hưởng đến san hô.

Ngâm mình hàng giờ dưới biển
Những chiếc lưới "ma" "trói" san hô, bức tử loài sinh vật này (Ảnh: Hoài Sơn).

Sáng 15/8, có 40 thành viên tham gia. Đây là những người có kinh nghiệm hoạt động dưới nước ở nhiều độ tuổi khác nhau. Thành viên nhỏ nhất là em Trần Băng Băng, 11 tuổi.

"Sau gần 2 tiếng, nhóm thu gom được hơn 200kg rác mắc kẹt vào san hô. Nhìn san hô sạch rác, cá bơi đẹp khiến tôi vô cùng hạnh phúc", anh Trung thổ lộ và cho hay số rác này chủ yếu là lưới "ma" đã "trói" san hô suốt nhiều năm qua.

Là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm, chị Nguyễn Thị Trà My chia sẻ, trong suốt quá trình lặn mọi người phải hỗ trợ nhau, người nào lặn giỏi thì cắt dây, ai lặn không sâu thì hỗ trợ vớt rác đưa về bờ. Cứ thế một dải san hô rộng lớn đã được "cởi trói".

Những thành viên lặn giỏi sẽ có nhiệm vụ cắt dây, lưới ở sâu dưới đáy biển (Ảnh: Hoài Sơn).
Những thành viên lặn giỏi sẽ có nhiệm vụ cắt dây, lưới ở sâu dưới đáy biển (Ảnh: Hoài Sơn).

Sinh sống và làm việc ở Việt Nam 7 năm nay, chị Rally Lee (người Hàn Quốc) khi hay tin anh Trung tìm người lặn nhặt rác ở Sơn Trà, đã nhanh chóng đăng ký tham gia. Rally Lee đánh giá, san hô ở bãi Nam rất đẹp nhưng chủ yếu đã chết vì rác nhiều.

"Tôi rất buồn khi thấy san hô chết, nhưng lại rất vui vì hôm nay có thể giúp người địa phương gom rác để bảo vệ rạn san hô", chị Rally Lee bộc bạch.

Tình yêu biển

"Đi một mình" suốt 10 năm qua, anh Đào Đặng Công Trung không nhớ nổi số lần đã đi nhặt rác quanh bán đảo Sơn Trà và anh cũng là người tiên phong nhặt rác dưới đáy biển.

Nhưng "muốn đi xa phải đi cùng nhau", sau nhiều lần trăn trở, vào tháng 6 vừa qua, anh Trung đã cùng một số người bạn quyết định thành lập nên nhóm lặn tự do (Đà Nẵng Free Diving) để tìm thêm bạn đồng hành.

Mọi người cùng hỗ trợ nhau đưa hàng trăm ký rác vào bờ (Ảnh: Hoài Sơn).
Mọi người cùng hỗ trợ nhau đưa hàng trăm ký rác vào bờ (Ảnh: Hoài Sơn).

Hiện nay nhóm đã có 80 thành viên ở Đà Nẵng và đang phát triển thêm. Đây là nơi quy tụ những người yêu biển, yêu môi trường và rất quan tâm đến các rạn san hô tại bán đảo Sơn Trà vì đây là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá mà không phải nơi nào cũng có.

"Mỗi năm san hô chỉ phát triển 1cm và rất dễ chết bởi ảnh hưởng của ô nhiễm nước, rác thải, du lịch trái phép. Vì yêu, hơn ai hết chúng tôi không thể chịu đựng được hình ảnh rác thải bủa vây san hô. Bằng hành động nhặt rác chúng tôi muốn góp phần làm sạch những rạn san hô quý giá này", anh Trung thổ lộ.

Thời gian tới, nhóm của anh Trung sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng có thêm hoạt động ý nghĩa khác tại bán đảo Sơn Trà.

Anh Đào Đặng Công Trung cùng những tấm lưới, dây thừng được nhặt từ đáy biển (Ảnh: Hoài Sơn).
Anh Đào Đặng Công Trung cùng những tấm lưới, dây thừng được nhặt từ đáy biển (Ảnh: Hoài Sơn).

Bà Dương Thị Xuân Liễu - Trưởng phòng Quản lý và khai thác du lịch Sơn Trà cho hay, Ban quản lý rất trân trọng hoạt động nhặt rác của nhóm, cảm ơn sự chung tay của các bạn cùng cộng đồng để làm sạch rạn san hô ở bãi Nam.

"Đây là hoạt động rất tuyệt vời ý nghĩa với việc bảo tồn san hô ở bán đảo", bà Liễu nhấn mạnh và cho hay trước đây các bạn lặn tự do rất nhiều, nhưng qua thời gian phát triển thì đã hình thành một nhóm lặn. Sáng 15/8 là buổi đầu tiên nhóm làm sạch san hô ở khu vực bãi Nam.

Bà Liễu chia sẻ thêm, đây cũng là hoạt động thuộc chương trình "Clean up Son Tra". Sau hoạt động của nhóm Đà Nẵng Free Diving, ban quản lý sẽ phát động và duy trì các đội nhóm khác cùng tham gia làm sạch, bảo tồn san hô Sơn Trà.

Theo Dân trí