Những điều kỳ quặc đang ngày càng phổ biến?

11:30 | 06/04/2015

942 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc có thể coi là “chấn động” dư luận bởi sự đang tâm, tính chất dã man hay hành động “kỳ quặc” của những đối tượng liên quan trực tiếp đến sự việc. Trước đây những vụ việc như vậy chỉ là cá biệt, xảy ra ở những trường hợp có tâm lý bất thường, giáo dục không trọn vẹn, động cơ dẫn đến hành vi có yếu tố bị kích động mạnh… Nay những vụ việc này xảy ra như… chuyện thường ngày.

Năng lượng Mới 407

Tuổi trẻ hung bạo

Vụ việc đầu tiên phải nói đến là đánh hội đồng một nữ sinh ở trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh. Nếu những ai đã từng chứng kiến clip đánh nữ sinh này được “tung” trên mạng thì đều không khỏi rùng mình, kinh hãi vì sự tàn bạo của những học sinh khoác trên mình chiếc áo đồng phục tinh khôi trắng muốt của khối lớp 7 dành cho bạn học, đặc biệt là đối với những bậc cha mẹ đang có con học tập tại các trường phổ thông. Điều đáng tiếc là trong nhóm học sinh đầy bạo lực đó lại có đến 5 nữ sinh trong tổng số 7 học sinh đánh bạn. Với mái tóc dài ngang vai rất nữ tính thế mà các em đã “xử” bạn như… dân giang hồ chuyên nghiệp. Các em cầm cả một chồng ghế nhựa “phang” tới tấp vào đầu, mặt bạn. Rồi xông vào đấm, đá, túi bụi đến nỗi bạn chỉ còn một cách kháng cự duy nhất là… ngồi im để cho các bạn đánh.

Cảnh đánh hội đồng bạn học ở Trường THCS Lý Tự Trọng

Sau khi biết rõ nguyên nhân dẫn đến đòn thù ấy thì người ta lại càng khiếp sợ hơn cái cách mà nhóm học sinh lớp 7 của Trường THCS Lý Tự Trọng đối với bạn. Ấy là chỉ vì bạn lớp trưởng Dương Thúy Vy sau khi nhờ đi mua bánh không được rồi sai đánh một bạn nữ khác cũng không được đã gọi “đồng bọn” là một nhóm học sinh ở cả lớp 7/4, 7/13 và 7/15 đến “dạy” cho bạn cùng lớp một bài học. “Chuyên nghiệp” hơn, Vy còn khóa trái cửa lớp để đánh bạn vừa dễ, vừa qua mắt được thầy cô, lại khiến cho không ai có thể vào can được nếu biết. Với một học sinh lớp 7, cách tổ chức và “ra đòn” như vậy của Vy quả thực đặt ra câu hỏi đau lòng: Vẫn còn đang tuổi trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên của tuổi học đường, làm sao một học sinh, đồng thời lại là cán bộ lớp như Vy và các bạn của em lại có thể tàn bạo, dã tâm đến như vậy?

Qua tin nhắn trên điện thoại mà bạn gái hắn đã công khai, có thể hiểu, giữa hai người từng có giây phút gần gũi, yêu thương nhau như những cặp đôi “thề non hẹn biển”. Tuy nhiên, tình yêu thương, sự gần gũi ấy đã biến thành của quỷ dữ khi người bạn gái báo tin có bầu và gửi kèm theo không ít ảnh siêu âm chụp sinh linh nhỏ bé của hai người đã đầy đủ hình hài. Thế nhưng ngược lại với tình cảm vui sướng, hạnh phúc của một người sắp được làm cha, gã trai ấy đã nhẫn tâm bắt bạn gái đi bỏ “núm ruột” của mình và thậm chí còn đe dọa nếu không bỏ, sẽ giết chết cả mẹ lẫn con. Ngôn từ mà gã sử dụng với người yêu còn như của… ác thú! Gã nhắn: “Mày có giết nó đi không? Tao nói thật đấy tao không đùa đâu. Mày không làm được thì bảo tao. Tao không trông mong mày làm được gì cho tao và tao cũng không mong nó có trên đời này. Rồi xem tao sẽ giết nó đơn giản như giết 1 con chó. Tao sẽ giết cả nó lẫn mày…”.

Sau khi đọc tin nhắn này, thực sự có một sự hoang mang đến tột độ về tình cảm vẫn được coi là thiêng liêng như tình yêu, tình máu mủ ruột thịt trong xã hội hiện tại liệu có còn giá trị, nhất là khi đây không phải là “vụ” đầu tiên mà vừa mới đây, cũng xảy ra sự việc “long trời lở đất”: Một người mẹ là nữ sinh trường y hẳn hoi nhưng vì trót dại mang thai ngoài ý  muốn đã sẵn sàng đang tâm vứt xác con mình ra vườn rau ở thôn 7 xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội không một chút thương xót. Cô khẳng định, sau khi sinh xong, do phát hiện thai nhi đã chết nên cô mới vội vàng vứt con như vậy. Thật là một lời khai lạnh lùng, vô cảm đến thiếu nhân tính!

Phần nhiều do giáo dục mà nên

Dẫu có  kỳ quặc, đang tâm hay dã man như thế nào thì suy đến cùng tất cả những sự vụ, con người trên đây đều là “sản phẩm” của xã hội, phản ánh tinh thần cũng như xu hướng mà xã hội đang phát triển. Cho nên xã hội nào con người nấy, với hàng loạt sự việc kể trên, nói xã hội bất an là không sai. Đúng như TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định trước tình trạng bạo lực học đường nói riêng, bạo lực trong xã hội nói chung: “Việc đánh nhau, cư xử mang nặng yếu tố bạo lực, bỏ qua cách ứng xử nhường nhịn, hòa nhã của người Việt Nam phản ánh đạo đức xã hội đang có vấn đề. Những sự việc trên cho thấy có một bộ phận người Việt ứng xử kém, không có kỹ năng xử lý tình huống, nhất là thanh thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ nhưng người ta cũng đẩy lên thành xung đột dẫn đến bạo lực”.

Nơi nữ sinh trường y vứt xác con

Còn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng: “Phải thừa nhận, sự hung hăng của con người có những biểu hiện gia tăng khi nhiều vụ giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng nắm đấm đã xảy ra. Đó là biểu hiện của sự hung hãn, của hành vi bạo lực, của sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người. Hay nói cách khác là văn hóa và đạo đức đang xuống cấp rõ rệt”.

Đi tìm câu trả lời vì sao con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay lại rơi vào bế tắc, thiếu kiểm soát hành vi như vậy thì TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: “Có 2 nguyên nhân: Một là, tâm lý lứa tuổi; hai là giáo dục kỹ năng thiếu và yếu nên đã dẫn nhiều người trẻ, trong đó có học sinh đến tình trạng như vậy. Cụ thể như chúng ta đã thấy trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, bạo lực học đường diễn ra chủ yếu ở 2 cấp học: Trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ở lứa tuổi này, học sinh đang chuyển từ giai đoạn nhỏ sang lớn, thiếu niên sang thanh niên… cho nên có rất nhiều biến động trong tâm lý như dễ bị kích động, tổn thương, nhạy cảm, chưa nhận thức được đầy đủ nhưng lại muốn khẳng định mình vì vậy dễ sinh ra hành động bộc phát mang tính bạo lực. Cùng với đó là phương thức giáo dục của bố mẹ và nhà trường còn chưa xác định được mục tiêu rõ ràng. Chẳng hạn, về giáo dục, rõ ràng hiện nay là giáo dục chỉ nặng về kiến thức mà xem nhẹ nhân cách, đạo đức của con người.

Tôi lấy ví dụ như này: Đối với THPT, giáo dục đạo đức hiện chỉ trông vào giờ giáo dục công dân và sinh hoạt lớp - khoảng 90 phút/tuần (mỗi tiết 45 phút) trong khi còn lại là kín đặc các tiết dạy kiến thức. Giờ học quân sự, trước đây học sinh tập trung học 1 tuần vào đầu năm học thì nay học như một tiết chính thức với số lượng 2 tiết/tuần. Hay Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biên chế cả giáo viên quân sự tại các trường trong khi đó giáo viên dạy tâm lý, kỹ năng sống thì Bộ không cho biên chế. Điều đó chứng tỏ giáo dục nhân cách của học sinh hiện nay bị xem nhẹ hơn việc giáo dục kiến thức như thế nào. Đã vậy, hình thức giáo dục ở mỗi tiết đạo đức lại nặng về hình thức, mang tính rao giảng mà không thiết thực, thiên về trừng phạt hơn là giải thích, thiếu giáo dục chịu trách nhiệm trước hành vi của bản thân…”.

Để giải quyết vấn đề trên để “giải thoát” cho một bộ phận trong giới trẻ đang bế tắc về văn hóa ứng xử cũng như “xốc” lại tinh thần cho xã hội và phục hồi những giá trị chuẩn mực theo TS Khuất Thu Hồng trước mắt về giáo dục kỹ năng sống, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên... phải xây dựng hoàn chỉnh một chương trình giáo dục kỹ năng sống một cách nghiêm túc và đưa nó vào trường học như là chương trình chính khóa. Đặc biệt là giáo dục cho các em biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Một việc không thể thiếu nữa là truyền thông nên hạn chế tung hô những giá trị vật chất nhằm tránh kích thích sự đua đòi, lối sống hưởng lạc, tạo ra những bức xúc, áp lực cuộc sống…

Nguyễn Anh