Những bài báo đầu tiên viết về Trường Sa như thế nào?
Năng lượng Mới số 332
Những nhà báo đầu tiên ra Trường Sa
Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể và nhà báo Nguyễn Thắng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân là hai nhà báo đầu tiên được ra Trường Sa ngay sau khi Trường Sa hoàn toàn giải phóng. Cách đây vài năm, nhà báo Nguyễn Thắng do tuổi cao sức yếu đã ra đi. Mùa hè năm nay, phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm gặp được ông Khắc Xuể - và thật mừng là nhà báo duy nhất chứng kiến sự kiện đặc biệt này vẫn còn mạnh khỏe.
Nói về kỷ niệm may mắn trở thành nhà báo đầu tiên ra Trường Sa, ông Nguyễn Khắc Xuể cho biết: “Sáng 2/5/1975, tại tòa soạn ở Hà Nội, tôi bất ngờ được Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước gọi lên, đưa cho một tờ giấy giới thiệu có chữ ký của Trung tướng Lê Ngọc Hiền, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, yêu cầu hôm sau đi Sài Gòn ngay. Tôi đi nhờ máy bay vận tải quân sự vào thì được lệnh sẽ cùng anh Nguyễn Thắng, phóng viên đã vào Sài Gòn trước đó, tham gia đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu ra kiểm tra quần đảo Trường Sa vừa giải phóng ít ngày. Đoàn khoảng gần 20 người, đi trên ba con tàu giả dạng tàu cá. Anh Thắng là phóng viên viết, còn tôi là phóng viên ảnh.
Trưởng đoàn lúc đó là Đại tá Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Trước khi đi, anh Thái dặn kỹ tôi “5 không”: Không chụp quân cảng, không được chụp đoàn tàu đang hành quân, không được chụp toàn cảnh đảo và những vũ khí khí tài lớn, không được chụp chân dung cán bộ chỉ huy và chiến sĩ, không được chụp cảnh ông Thái ngồi làm việc với Ban Chỉ huy các đảo”. Tuy nhiên, phải làm sao chụp ảnh, viết bài để thấy được bộ đội ta huấn luyện, đánh chiếm đảo; chụp sao nêu bật được việc ta đã làm chủ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong đó có nhiều điểm nhấn như cột mốc, cờ Tổ quốc, sinh hoạt của bộ đội. Khoảng mươi ngày, đoàn công tác đã tới nhiều hòn đảo như Song Tử Tây, cũng là hòn đảo đầu tiên được giải phóng rạng sáng ngày 14/4, rồi các đảo Nam Yết, An Bang, Trường Sa Lớn, Sơn Ca...
Dù yêu cầu khắt khe nhưng phóng viên ảnh Khắc Xuể đã nắm bắt được cơ hội lịch sử, chụp hết 14 cuốn phim đen trắng, khắc họa sinh động hình ảnh Trường Sa ngày đầu giải phóng, trong đó nhiều bức đã trở thành những hình ảnh biểu tượng của giải phóng Trường Sa.
Từ năm 1975-1980, có thêm một số đợt phóng viên ra Trường Sa ghi lại hình ảnh Trường Sa những năm đầu giải phóng. Song theo ông Xuể, có thể chia thành “3 lớp ảnh” Trường Sa những ngày đầu, cụ thể:
Lớp ảnh thứ nhất, bộ đội mặc quần áo bộ binh, đội mũ cối do Khắc Xuể chụp tháng 5/1975.
Lớp ảnh thứ hai do ông Bằng Lâm chụp có ảnh hình ảnh bộ đội mặc áo trắng hải quân.
Lớp ảnh thứ ba ông Vũ Đạt, cũng là cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân ra Trường Sa vào khoảng năm 1978-1980 chụp đặc tả bộ đội đặc công, có nhiều hình ảnh bộ đội đội mũ sắt.
Trở về đất liền, 14 cuốn phim của ông Xuể phải nộp lại hầu hết cho ông Hoàng Hữu Thái. Ông Xuể xin mãi cũng chỉ được giữ một số ít nhưng sau này mới được công bố. Từ giữa năm 1975 đến 1976, những bức ảnh của Khắc Xuể và các nhà báo khác chụp về Trường Sa mới dần xuất hiện trên báo. Đặc biệt, phải kể để loạt ký sự 16 kỳ mang tên “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” do hai phóng viên Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn viết chung đã tiết lộ những bí ẩn về Trường Sa.
Những tin, bài, ảnh đầu tiên về Trường Sa
Các trận đánh giải phóng Trường Sa mở màn vào ngày 14/4/1975 và kết thúc thắng lợi vào ngày 29/4/1975 thì chỉ ít ngày sau, trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6/5/1975 đã đưa tin về sự kiện đặc biệt này trên trang nhất về việc giải phóng quần đảo Trường Sa với tiêu đề như sau: “Đảo Côn Sơn, đảo Phú Quốc, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhiều đảo khác ngoài bờ biển miền Nam Việt Nam đã được giải phóng”. Tin này dẫn nguồn của Thông tấn xã Giải phóng nêu rõ sự kiện này diễn ra từ ngày 14/4/1975 đến ngày 29/4/1975. Cũng trên trang nhất của số báo này, còn có bài bình luận nói riêng về sự kiện giải phóng các đảo với tiêu đề “Thắng lợi vẻ vang, giải phóng nhiều hòn đảo trên vùng biển của Tổ quốc” cũng nhắc đến sự kiện giải phóng Trường Sa. Điều đó cho thấy, ngay từ đầu, chúng ta đã rất coi trọng tuyên truyền, khẳng định chủ quyền đối với việc giải phóng các đảo ngoài khơi, nhất là quần đảo Trường Sa.
Sau tin, bài báo đầu tiên viết về Trường Sa chính là bài viết về trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 27/5/1975. Bài báo tiếp theo mang tiêu đề “Giải phóng đảo Sơn Ca” do chính nhà báo Nguyễn Khắc Xuể viết đã ghi lại nhiều chi tiết rất sinh động, cho thấy việc giải phóng Trường Sa cũng không hề đơn giản, dễ dàng. Bài báo có đoạn viết: “Còn cách Sơn Ca chưa đầy 10 hải lý thì bắt gặp hai tàu tuần dương của địch đen mốc, lừng lững như tòa nhà ba tầng, phầm phập lao về phía ta. Thấy tàu lạ, chúng sinh nghi. Những loạt pháo hiệu xanh từ chiếc thứ nhất vạch lên trời những đường loằng ngoằng như con rắn độc phun nọc khiêu khích. Vẫn không thấy ta trả lời, một chiếc mở hết tốc độ chúi mũi lao ngang vào tàu 641. Các cỡ súng ngóc nòng về phía ta, sẵn sàng nhả đạn. Mấy thằng lính ngụy mặt đỏ gay, bóng nhẫy mồ hôi, hai tay chống nạnh, mồm văng tục nhìn tàu 641 một cách hằn học. Tàu ta vẫn tiến thẳng. Bất thần, ba chiến sĩ ta nhảy vọt lên boong thượng, mũ lông chụp kín tai, kính đen to, hô hét một thứ “thổ ngữ” kỳ quặc mà ngay chính người nói cũng không hiểu. Quần áo dây rợ nhằng nhịt, ba chiến sĩ thi nhau nói cười, vừa uống bia vừa phì phèo tẩu thuốc. Thấy vậy, bọn địch tưởng lầm là một tàu buôn nào đó. Chúng thôi không theo nữa. Hai chiếc quay mũi về Sơn Ca thì tàu 641 cũng trở lại Song Tử Tây”.
Thời khắc làm chủ hòn đảo được nhà báo Khắc Xuể viết lại thật cảm động: “Sau 30 phút chiến đấu dũng cảm, táo bạo, ta diệt và bắt sống toàn bộ bọn địch trên đảo Sơn Ca. Trận đánh kết thúc giữa lúc trời hửng sáng. Các chiến sĩ vui mừng bắn hai loạt pháo hiệu báo tin về tàu: Đảo Sơn Ca đã hoàn toàn giải phóng. Và hôm sau, ngày 25/4, dưới bầu trời cao xanh lồng lộng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió sớm. Tàu 641 cất lên một hồi còi dài, thẳng hướng tiến về đảo Nam Yết”.
Nhà báo Khắc Xuể ghi lưu niệm trên lá cờ Tổ quốc gửi tặng bộ đội Trường Sa tháng 5/2014
Kỳ thú Trường Sa trong thiên ký sự 16 kỳ
Loạt ký sự chân trang 16 kỳ “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” do hai nhà báo Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn thực hiện, đăng trên Báo Quân đội nhân dân vào đầu năm 1976 có lẽ là loạt phóng sự báo chí dài kỳ đầu tiên viết về Trường Sa. Sau 38 năm, lần giở những tờ báo đã úa màu thời gian, đọc lại thiên ký sự, chúng tôi vẫn không khỏi cảm thấy gai người xúc động, vẫn thấy hiện lên mồn một một Trường Sa hoang sơ mà trù phú, một Trường Sa đẹp, kỳ bí, lạ lùng mà rất đỗi thân thương.
Ở kỳ thứ 14 của thiên ký sự đăng trên số báo ra ngày 16/2/1976, đã kể về những cây bàng vuông cổ thụ, có cây đường kính gốc tới 2m, cao 16m, xòa bóng mát tới 40m2, “đủ cho một đại đội trú nắng”, quả bàng vuông cuối mùa nặng 0,5kg, có quả nặng tới hơn 1kg. Cây cao nhất có tới 9 nhánh lực lưỡng. Nói về nguồn gốc những cây bàng vuông “kỷ lục” này, nhà báo Nguyễn Thắng lý giải: “Ở cố đô Huế cũng có rất nhiều bàng vuông. Rất có thể nó đã được mang ra trồng trên đảo từ năm 1826 khi đạo quân đi tìm hải vật được vua cử ra hằng năm và lập miếu thờ thổ thần trên đảo”. Điều này rất lôgíc và trùng hợp với các nghiên cứu gần đây về việc tổ chức các đội thủy quân ra xác lập chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của triều Nguyễn.
Cùng với bàng vuông, nhiều đảo khi đó rất lắm cây mù u cao lớn, loài cây phổ biến xứ rừng U Minh Hạ và cây nhàu, một loài cây thuốc mọc nhiều ở Nha Trang. “Đến bất kỳ đảo nào, chúng tôi cũng gặp những vườn hoa san hô. Trên rừng có bao nhiêu sắc hoa thì ngoài đảo cũng có bấy nhiêu sắc san hô. Ở những vườn hoa san hô đại đội, anh em ghép những bông màu tím, màu vàng, màu đỏ, màu xanh thành những chùm hoa rực rỡ như hoa bằng kim cương. Anh em chọn san hô màu đỏ xếp thành quốc huy và dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - bài báo viết.
Nhà báo Hà Đình Cẩn đã gọi một đảo trên quần đảo là “đảo chim” với những miêu tả thật hấp dẫn: “Sáng mới lên đảo, anh em tập thể dục. Đồng chí trung đội trưởng hô động tác “chết” để uốn nắn động tác cho những anh em tập sai. Thế là chim ùa đến đậu trên vai, trên tay. Làm động tác chết càng lâu, chim càng kéo đàn đến tối mặt, tối mũi. Khi người hướng dẫn hô chuyển động tác, bầy chim mới bay đi”. Theo miêu tả của bài báo thì chim non nở bò kềnh càng trên mặt đất, tiếng “keng kéc” râm ran, dai dẳng suốt ngày; chim bay rào rào như một đám mây. Để đếm mật độ của chim, có người lính đã kẻ một số ô vuông cho chim đến đậu và đếm được, 1m2 có 21 con. Có tới hàng vạn con chim trên mỗi đảo nhỏ, đông nhất là chim vịt rồi đến hải âu, ó biển. Ó biển ở đây còn gọi là “đại bàng biển”.
“Chim vịt chân có màng như chân vịt, lông màu xám đen, đầu na ná giống chim bồ câu nhưng mình thì như sáo. Tiếng chim kêu na ná như vịt “k rẹc, k rẹc”. Chim vịt dạn với người… Chim vịt không to lắm, thường khoảng nửa cân, thịt ăn như mọi loại chim rừng, béo như thịt con ca ca. Trứng luộc ăn y như trứng gà. Chim hải âu ở đây có nhiều loại: Hải âu lông trắng, mỏ đỏ, cánh sải dài; hải âu bụng trắng, lưng đen và hải âu đen tuyền… Ó biển là loại chim hung dữ, lông đen mình to như con gà trống thiến lớn, có con lông dài tới 1m70; mỏ to, quặp như vuốt.
“Tuy có lấy trứng và bắt chim nhưng đơn vị đã có kế hoạch bảo vệ lâu dài để giữ bầy chim mãi đông đặc trên đảo. Chim tạo cho đảo sự giàu có và nên thơ” - bài báo viết từ năm 1976 khẳng định.
Ở bài số 14 của thiên ký sự, nhà báo Nguyễn Thắng lại kể về những con vích khổng lồ khi được Thuyền trưởng Phạm Hồng đưa đến một hòn đảo khác. Thuyền trưởng cho biết: “Mỗi hòn đảo là một thế giới riêng biệt của đảo. Có đảo có chim đen đặc. Có đảo cây cối rậm rạp. Có đảo chỉ có cát vàng. Và đảo hôm nay là… đảo vích”. Lên đảo, nhà báo đã thấy cảnh lạ lùng khi có con vích đang cõng một chiến sĩ đi trên cát hoặc cảnh 4 chiến sĩ đang hò la vần một con khác. Trung bình mỗi con nặng khoảng 1 tạ và ở đảo này, chỉ trong vòng 1 tháng, anh em đã bắt được tới 32 con vích.
Ở bài số 15 là cảnh một chiến sĩ đi tuần tra trong đêm mưa, bị sụt chân xuống hố cát rồi bị một “quái vật” kẹp chặt chân phải kêu cứu. Anh em chạy lại thì ra anh bước vào miệng một con sò to bằng cái nón. Trong đêm mưa, quanh đảo xuất hiện rất nhiều gà ghim và hải sâm. Gà ghim còn gọi là nhím biển to bằng gáo dừa, màu đen tuyền, lông như lông nhím. Trứng gà ghim rất quý, xưa thường dùng để tiến vua. Còn hải sâm đêm mưa trên đảo thường xuất hiện ba loại màu vàng, nâu và xanh xám, có con dài tới 0,4m.
Hình ảnh đảo Song Tử Tây tháng 5-1975
Bộ đội ta đã đến Trường Sa từ năm 1963
Trên Báo Quân đội nhân dân năm 1976, còn lưu giữ những tư liệu quý về Trường Sa qua thiên ký sự 22 kỳ “Đường mòn trên biển” của nhà báo Tư Đương đăng ngày 17/8 đến ngày 15/9/1976 (sau được in thành cuốn truyện ký cùng tên do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành lần đầu năm 1986, tái bản nhiều lần và đã dịch ra tiếng Anh). Trong loạt ký sự này, còn tiết lộ chuyện bộ đội tàu Phương Đông 2, năm 1963, từ Cà Mau nhận lệnh “đem thêm 2 tấn dầu cấp cứu đội tàu 6 bị hết dầu ở khu vực đảo Trường Sa”. Tuy nhiên, khi ra tới Trường Sa thì chính con tàu này cũng bị mắc cạn ở một hòn đảo, lạc lối trong hồ san hô mà không tìm thấy đường ra.
Trong lúc kéo đẩy tàu ra, đột nhiên có tiếng “huỵch” nặng nề, như người ngã ở trên cao xuống sạp thuyền. Anh em kiểm tra thì thấy một chú cá dưa dài tới 2m đã nhảy vọt lên boong tàu. Dù sợ “chim sa, cá lặn” nhưng bộ đội vẫn được “một bữa no”. Đêm, mặt biển dưới ánh trăng thượng tuần. Sóng hơi gợn, êm ả như mặt hồ. Cá bơi, kẻ thành những vệt sáng mờ, ngang dọc. Chốc chốc lại thấy cái lưng đen nhẫy to như lưng trâu của một con cá bơi bên cạnh thuyền.
Còn lúc bình minh, đàn hải âu đi kiếm ăn bay trở về đen cả vùng trời. Dưới mặt biển, sát con thuyền, hàng trăm, hàng ngàn con cá đủ loại đang tung tăng bơi lội. Cá đuối vuông vắn như mặt bàn đang khoe tấm lưng đen bóng. Cá nhám, cá nhụ, cá xà như một đám trẻ con đang quẫy lộn đùa nghịch dưới nước. Cá và cá “đặc như trong chậu”. Mấy ông thủy thủ già tiếc rẻ, thả xuống sau tàu một tay lưới. Kéo lên một mẻ được gần hai tạ cá. Anh em vui vẻ reo hò quên cả tai họa đang đe dọa.
Gần trưa, anh em bàn tính cử người lên một hòn đảo san hô cao nhất, trinh sát nơi có thể trú ngụ lâu dài, khi không còn có con đường nào ra. Lê Xuân Ngọc và Nguyễn Văn Dũng được trao nhiệm vụ lên đảo và trở về với vẻ mặt buồn rầu: “Chúng ta trở thành Ro-bin-xơn mất. Ở đây không có rừng cây, muông thú nhưng may có cá và rau dại là sống rồi, chỉ lo nhất là bão tố làm vỡ mất tàu. Mặt đảo kết cấu toàn cát và đá san hô. Những đám cỏ dại cằn cỗi thưa thớt. Cả hòn đảo nhỏ này có vài cây bàng là có bóng mát. Nhưng chim thì nhiều vô kể…
Lần giở lại những bài báo viết về Trường Sa trong hai năm 1975 và 1976, càng thêm xúc động về hình ảnh một Trường Sa giàu đẹp. So sánh với hôm nay, càng thêm cảm nhận công sức của biết bao thế hệ bồi đắp giúp đảo lớn lên cùng đất nước. Những bài báo ấy, cũng là các chứng cứ lịch sử sinh động minh chứng việc khẳng định chủ quyền và dựng xây quần đảo của quân và dân ta suốt gần 40 qua từ ngày giải phóng và tiếp quản quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyên Minh
-
Việt Nam đang từng bước làm chủ và phát triển ngành công nghiệp hạt nhân
-
Hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển bền vững
-
Tổng Bí thư Tô Lâm gửi gắm kỳ vọng vào thế hệ trẻ trong chuyến thăm các trường Hà Nội
-
Lộ trình sáp nhập TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương
-
Bảo đảm thống nhất, không bỏ sót quyền hạn của địa phương