Nhiều thành phố ở Myanmar bị đánh bom khủng bố

10:18 | 18/10/2013

1,499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ trong mấy ngày qua, nhiều thành phố ở Myanmar liên tiếp bị khủng bố bằng bom, khiến cho một số người chết và bị thương.

Cảnh sát và quân đội được điều động đến khu vực khách sạn Traders Hotel sau khi khách sạn này bị đánh bom hôm 14/10/2013

Theo nguồn tin cảnh sát Myanmar, từ khuya hôm 16/10, lại có thêm 3 vụ khủng bố bằng bom khác tại thành phố Namkham, thuộc bang Shan, miền đông Myanmar, làm cho một người thiệt mạng.

Trả lời hãng tin AFP, một lãnh đạo cảnh sát Myanmar cho biết, trong một vụ nổ vào sáng 17/10, một nhân viên ủy ban thành phố Namkham đã bị chết. Namkham là một thành phố nằm gần biên giới Trung Quốc, trong một vùng từng bị cuộc chiến giữa quân đội Myanmar và lực lượng nổi dậy khuấy động trong những năm qua.

Từ gần một tuần nay, cụ thể là từ ngày 11/10 vừa qua, một loạt khủng bố đã xảy ra ở nhiều nơi tại Myanmar, làm cho một số người chết và bị thương. Trong vụ khủng bố hôm 14/10 nhắm vào khách sạn sang trọng Traders ở Rangoon, một nữ du khách Mỹ đã bị thương.

Một thanh niên 27 tuổi, ở khách sạn này trước đó, đã bị bắt tại bang Mon ở miền đông nam. Lực lượng nổi dậy người Karen KNU cho AFP biết là người bị bắt là thành viên của họ, nhưng khẳng định rằng KNU không hề dính líu đến vụ khủng bố. Theo KNU, thủ phạm có thể là một người muốn tỏ nỗi bất bình về việc KNU và chính quyền đã ký kết thỏa thuận ngưng bắn.

Cảnh sát cũng đang truy lùng một nghi phạm khác liên quan đến vụ nổ tại một nhà khách ở thành phố Tanggu, cách thủ đô hành chính Naypyidaw khoảng 65km. Vụ nổ này đã sát hại một người đàn ông và một phụ nữ.

Những vụ khủng bố bằng bom thường xảy ra dưới chế độ quân sự trước đây và chính quyền thời đó đã quy trách nhiệm cho các lực lượng nổi dậy.

Tuy nhiên, bên cạnh tổ chức KNU, lực lượng nổi dậy Kachin KIA, đang đương đầu với quân đội chính phủ ở bang Shan, miền cực bắc Myanmar, cũng khẳng định là họ không liên can đến loạt khủng bố mới này. James Lum Dau, phát ngôn viên của KIA, cho biết là KIA không phải là người đặt bom, vì tổ chức của ông hành động vì hòa bình không riêng ở Kachin, mà trên cả đất nước.

Theo giới quan sát, các vụ đặt bom có lẽ nhằm gây hoảng loạn hơn là nhằm giết người. Tiến trình cải cách ở Myanmar, cùng với các nỗ lực của chính quyền dân sự để đạt thỏa thuận với các lực lượng nổi dậy, đã làm cho thành phần cứng rắn trong các nhóm này không hài lòng.

Các nhà phân tích còn chú ý đến thời điểm: Khủng bố diễn ra trong lúc Myanmar chuẩn bị đón một sự kiện thể thao quan trọng trong khu vực vào tháng 12 tới đây và sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN kể từ năm 2014. 

Th.Long

AFP