Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 3/2012

11:19 | 01/03/2012

377 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm nay, hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực thi hành như trợ cấp đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc ít người; quy định về hướng dẫn luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; mức thu phí công chứng mới...

Học sinh Trường tiểu học Huổi Só (Tủa Chùa, Sơn La) trong giờ học

Hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người

Chính sách hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người ở Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao có gia đình cư trú tại 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum đang học tập trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề công lập ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam sẽ được hỗ trợ từ 30% – 100% mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/3/2012. Thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ về học tập cho các đối tượng quy định tại Thông tư này được tính từ ngày 1/9/2011 đến 31/12/2015.

Miễn một số thuế xuất khẩu vật liệu xây dựng vào khu phi thuế quan

Kể từ ngày 20/3/2012, hàng hoá là vật liệu xây dựng đưa từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan để xây dựng, sửa chữa và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung trong khu phi thuế quan được miễn thuế xuất khẩu.

Để được miễn thuế, doanh nghiệp cần phải làm hồ sơ, thủ tục đăng ký danh mục hàng hóa xuất khẩu miễn thuế và thực hiện hồ sơ hải quan, thủ tục miễn thuế.

Mức thu phí công chứng mới

Từ ngày 15/3/2012, mức thu phí công chứng sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 08/2012/TTLT-BTC-BTP do Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành, thay thế Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17/10/2008.

Thông tư 08 quy định 7 mức thu thay vì quy định theo 4 mức (dưới 100 triệu; từ 100 triệu – 1 tỉ; từ trên 1 tỉ – 5 tỉ và trên 5 tỉ) như tại Thông tư 91/2008/TTLT-BTC-BTP trước đây.

Trợ cấp đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế

Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có 5 đối tượng được áp dụng chế độ trợ cấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2012.

Thực hiện BHYT cho người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu

Theo đó, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được đóng BHYT bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công tháng của người lao động; trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3.

Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu nghỉ việc đang hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành đóng bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung và do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bảo đảm.

Thân nhân của người đang làm công tác cơ yếu đóng bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung và do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo dự toán ngân sách hằng năm của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực giấy tờ, văn bản song ngữ

Theo Nghị định mới, ngoài chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phòng Tư pháp cấp huyện còn có thêm thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản song ngữ.

Đồng thời, phòng Tư pháp cấp huyện cũng có thẩm quyền chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản song ngữ.

Bên cạnh đó, Nghị định 04/2012/NĐ-CP còn bổ sung quy định: Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Các quy định mới trên có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2012.

Một số trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng

Kể từ ngày 1/3/2012, bổ sung quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng gồm:

Thứ nhất, hàng hóa, dịch vụ do đối tượng nộp thuế tại Việt Nam cung cấp ở ngoài Việt Nam, trừ hoạt động vận tải quốc tế mà chặng vận chuyển quốc tế có điểm đi và đến ở nước ngoài.Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở nước ngoài nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa 2 doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì dịch vụ này phải chịu thuế giá trị gia tăng đối với phần giá trị hợp đồng thực hiện tại Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu.

Thứ hai, các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Thứ ba, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam như: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.

Thứ tư, tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng thì không phải kê khai, tính thuế giá trị gia tăng khi bán tài sản, kể cả trường hợp bán tài sản đang sử dụng để đảm bảo tiền vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Ngoài 12 đối tượng không chịu thuế đã được quy định tại Nghị định 123/2008/NĐ-CP, Nghị định 121/2011/NĐ-CP còn bổ sung đối tượng không chịu thuế gồm: Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư; duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ.

Minh An