Nhận từ cái nắng Tây Nguyên

19:00 | 04/05/2021

893 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - - Anh chị có ai dạy cháu không, mà cháu nó lại yêu nghề của anh thế? – Trường vừa đưa lại cho Hùng chiếc máy điện thoại, vừa ngước mắt sang phía anh, mà cất lời.
Nhận từ cái nắng Tây Nguyên
Nhà máy Điện mặt trời Sê San 4. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

- Không! Anh cũng hỏi chị ấy rồi. Chị ấy bảo, chị cũng không hề biết chuyện này. Đến khi, Bảo Ngân đưa cho chị bài tập làm văn, rồi cứ yêu cầu chị ấy chụp lại và nói muốn gửi cho bố Hùng, chị ấy mới biết chuyện – Hùng vừa nhận chiếc điện thoại từ tay Trường, vừa vui vẻ trả lời.

- Cháu nó viết cảm động thật. Em khoái nhất câu: “Ước mơ của em là, sau này lớn lên em sẽ được đi theo nghề làm thí nghiệm điện như bố Hùng.” – Trường tiếp lời, rồi nhìn người đội trưởng của mình với ánh mắt vừa cảm phục, vừa tin tưởng.

Cả một khoảng thời gian được về công tác tại đội thí nghiệm điện do Hùng phụ trách, như giúp Trường trưởng thành về mọi mặt. Mảnh đất Danh Thắng – Hiệp Hòa, Bắc Giang quê Trường, người dân vẫn chủ yếu làm nông. Nhưng, cũng kể từ ngày có Công ty điện tử Samsung về đây xây dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh, người Danh Thắng, người Hiệp Hòa cũng đang gắng làm quen để hy vọng không chỉ thế hệ như bố mẹ Trường, mà chủ yếu là con cháu họ, sẽ theo kịp với thời đại.

Nhà có dăm sào ruộng, nên bố Trường vốn thích cảnh điền viên, thành thử vườn rao, ao cá liền kề luôn là niềm đam mê thường nhật của ông. Ông thích chăm lo vườn tược, ao cá, nên vui vẻ chấp nhận để mẹ Trường được trở thành thành viên của ngôi nhà Samsung, dẫu đó chỉ là công việc của một người làm bếp. Trường bảo, ông luôn tự hào vì con gái lớn thì dạy học tại Trung tâm tiếng anh; còn cậu con trai không chỉ chăm học, mà sau khi tốt nghiệp đại học, còn tự thi tuyển vào được một Tổng công ty lớn của ngành điện.

Nhận từ cái nắng Tây Nguyên

Nghề thí nghiệm điện, vốn không bao giờ cố định tại một đơn vị công tác. Nên, dẫu mới đi làm chưa đến hai năm, nhưng Trường cũng được tham gia làm thí nghiệm tại một công trình lớn của ngành điện, ấy là Thủy điện sông Chảy – Hà Giang.

Ngày về thực hiện nhiệm vụ của một kỹ sư thí nghiệm điện, cũng là những ngày dịch Covid bắt đầu bùng phát tại nước ta. Đoàn chuyên gia Trung Quốc phụ trách công tác này, không sang được, mà yêu cầu công việc lại không cho phép bỏ đấy mà chờ họ. Các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia, công nhân của Tổng công ty TNHH một thành viên Thí nghiệm điện miền Bắc, đâu dễ chấp nhận chuyện bỏ bễ công trình như thế.

Được giao việc, các anh đã ngay lập tức khẳng định giá trị đích thực của mình. Trường đã được sống để được học, được làm việc, được chứng kiến những gì thế hệ đi trước anh đã làm; để, Trường hiểu hơn, chỉ có không ngừng học tập, lao động sáng tạo, người cán bộ thí nghiệm điện sẽ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của công việc chuyên môn.

Ngày chia tay sông Chảy, chia tay Hà Giang trong hạnh phúc đón nhận dòng điện sông Chảy đã được hòa vào lưới điện quốc gia, Trường biết mình cần học thêm gì cho ngày mai trên những công trình mới.

Rồi, quả đúng như thế. Về công ty một thời gian ngắn, được tham gia kiểm tra, sửa chữa một số trạm biến áp 110 KVA tại địa bàn nhiều tỉnh phía Bắc – nơi mà Tổng công ty được giao nhiệm vụ chính tại đây, Trường đã được tham gia nhiều đội thí nghiệm điện, mà trong đó hôm nay là Đội Điện mặt trời Sê San 4. Để, anh biết mình đã may mắn được sống và làm việc với một người đội trưởng trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết, nhưng cũng là chàng kỹ sư điện Bách Khoa tài năng và bản lĩnh.

- Thế, anh có hay kể chuyện về công việc của mình cho Bảo Ngân nghe không, mà cháu viết về việc của anh cứ như người trong ngành ấy – Trường không muốn dứt bỏ câu chuyện mà Hùng đang nói dở.

- Tớ có kể gì nhiều đâu. Thì, chiều nào đi học về, cháu nó cũng gọi điện qua zalo để hỏi thăm xem hôm nay bố làm việc thế nào – Hùng vui vẻ tiếp lời.

Và, dường như khó kìm được cảm xúc trước những lời chân thật qua bài văn của con gái viết về công việc của mình, Hùng như muốn cởi hết gan ruột cho chàng kỹ sư trẻ, hình như đang mong làm đệ tử ruột của mình.

- Tớ có được may mắn như chú đâu. Chú còn vào thẳng ngay khoa điện, lại theo chuyên ngành hệ thống điện của đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, chứ anh phải đi lên từ dân cao đẳng nhé – Hùng nối tiếp câu chuyện bằng một lời cảm thán như thế.

Vốn dân phố cổ Hà Nội, các cụ lại là bộ đội thông tin cả, hơn nữa bản thân mình lại lăn lộn với Tổng công ty này cũng đã hơn chục năm, Hùng không những chỉ hiểu về nghề mà còn hiểu cả những giá trị của người thợ làm thí nghiệm. Năm 2009, năm mà Hùng vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng chuyên khoa hệ thống điện của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hùng cũng tự tin mà vượt qua không ít thí sinh trong cuộc thi tuyển vào làm việc cho ngành điện tại thủy điện Sơn La. Cùng với 18 anh em được tuyển chọn, Hùng đã gắn bó với Mường La, với Sơn La để từ đó vượt lên từng ngày, mang những kiến thức học được áp dụng một cách nhuần nhuyễn vào công việc.

Lý thuyết tổng thể của nghề thí nghiệm, luôn được coi như những nguyên lý bảo vệ cơ bản, do đó cũng đòi hỏi người thợ làm nghề này, trước hết phải thuần thục kỹ năng đọc bản vẽ, rồi nắm chắc các quy trình, quy phạm của ngành điện Việt Nam, từ đó xem xét đánh giá các thiết bị có đảm bảo các điều kiện cần và đủ. Quá trình thí nghiệm phải tính toán, mô phỏng các vấn đề để đánh giá một cách đầy đủ xem hệ thống đã làm việc như thế nào, có đạt yêu cầu về độ chính xác không? Giống như bác sĩ của ngành, người thợ thí nghiệm điện có nhiệm vụ phát hiện và xử lý khi các thiết bị còn và có thể hiệu chỉnh được cho đồng bộ với hệ thống; còn, với những thiết bị mắc lỗi, đơn vị sẽ báo cho nơi cung cấp vật tư thiết bị ấy, phải thay mới bằng các thiết bị khác tương thích với hệ thống.

Những năm gắn bó với thủy điện Sơn La, làm và học từ thực tế công việc khi được trực tiếp tham gia kiểm tra hệ thống kết nối, kể cả bằng cáp điện, cáp quang, phần mềm, rồi các hệ thống điều khiển, giám sát, bảo vệ của hệ thống điện, đã giúp Hùng tự nâng cao cho mình ý thức trách nhiệm trong công việc. Bởi, không chỉ Hùng, mà những người thợ làm công tác thí nghiệm điện, ai cũng hiểu rõ, muốn đưa dòng điện từ mỗi công trình (dù là nhiệt điện, thủy điện, hay điện gió, điện mặt trời) hòa vào lưới điện quốc gia, thì quá trình thí nghiệm để đánh giá việc đạt các yêu cầu đề ra, là vô cùng quan trọng. Vì thế, với người thợ làm công tác thì nghiệm điện, ý thức trách nhiệm đến tận cùng trong mỗi công việc, luôn là điều không thể thiếu. Bởi, với tất cả các công trình, Hội đồng nghiệm thu nếu thiếu kết luận của đội thí nghiệm, coi như không đủ điều kiện để được phép đóng điện. Đây chính là đơn vị có trách nhiệm khẳng định tính chính xác, tương thích của thiết bị đã được lắp đặt; vì, với điện, chỉ một sai sót nhỏ sẽ bị trả giá ngay về thiết bị, thậm chí là về tính mạng con người.

Hùng cũng cho rằng, mình đã là người may mắn khi chọn nghề thí nghiệm điện; để lại thêm một lần rất may mắn khi biết, với công việc thì nghiệm ấy, mình cần một người phụ nữ như thế nào để nuôi dưỡng một gia đình luôn đầy ắp yêu thương và chia sẻ. Chính về thế, cô giáo mầm non mà Hùng quen biết khi đi học thêm tiếng anh thời còn là sinh viên cao đẳng, đã trở thành người giữ lửa cho gia đình sau đúng hai năm Hùng được tuyển vào nghề thí nghiệm điện này.

Bộ phận thí nghiệm điện của Hùng, giờ đã có tới hơn chục đội trưởng như anh và quân số của cái phòng đặc biệt này, cũng không ngừng phát triển, theo sự lớn mạnh của cả ngành điện.

Bước chân của Hùng cũng đã đi hết thủy điện Sơn La (2009 – 2013) đến Bản Chát, Huội Quản, Lai Châu, Trung Sơn... rồi các trạm biến áp 110 KVA trong hệ thống điện miền Bắc. Cũng như những người đội trưởng khác, những đội công tác của các anh không bao giờ cố định là bao nhiêu người và ai ở đội nào thì cứ ở nguyên vị trí của đội ấy. Đội, hôm nay có thể mang tên này khi về nhận công tác tại một công trình điện cụ thể nào đấy; nhưng, mai nếu được cử đi nơi khác, lại mang ngay một cái tên mới. Giống như đội của các anh hôm nay, đang được gọi là: Đội Điện mặt trời Sê San 4.

Vào Tây Nguyên từ tháng 9/2020, đội chỉ có 4 anh em. Ngoài Hùng và Trường ra, còn Bằng (Nam Định) và Tuấn (ở quận Long Biên- Hà Nội). Bốn anh em, lại chỉ mỗi Hùng đã xây dựng gia đình, còn ba người, trong đó Bằng là nhiều tuổi hơn cả, cũng đang rục rịch chuẩn bị chuyện vợ con; nên, không phải vì Hùng là đội trưởng mà anh em vị nể, mà chính vì anh luôn xử sự với mọi người như ông anh cả trong gia đình vậy.

Thời gian đầu vừa vào, công việc đã mới, lại nhiều, nên anh em đều phải căng sức ra mà làm. Quần quật cả ngày, có nhiều hôm phơi mình cùng cái nắng, cái gió Tây Nguyên để kiểm tra từng tấm pin; đêm về, cả nhóm lại phân nhau dành thời gian đọc tài liệu để tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Mỗi nhà máy, có thể do những liên doanh khác nhau, nên hệ thống thiết bị không phải chỗ nào cũng giống chỗ nào. Khi công việc đã dần vào quy lát, Hùng chủ động trao đổi với cả nhóm, để anh em tự bàn bạc thống nhất cách bố trí việc cho từng người cho hài hòa mà vẫn đảm bảo hoàn thành tiến độ. Để, hôm nay, nếu không có gì thay đổi, cũng là ngày cuối cùng của đợt thử nghiệm để đội tiến hành các thủ tục bàn giao theo quy định.

Đã trải qua không ít công trình, nhưng đây là công trình điện mặt trời đầu tiên mà cả nhóm được giao nhiệm vụ, Hùng hiểu cấp trên đã tin tưởng các anh như thế nào, để giao nhiệm vụ cho các anh đi làm một công việc hoàn toàn mới, lại tới một vùng đất cũng rất mới với phạm vi hoạt động của Tổng công ty.

Và, các anh đã không phụ lại niềm tin ấy, khi chỉ ngày mai, ngày mai thôi, dòng điện từ Nhà máy Điện mặt trời Sê San 4 sẽ hòa chung vào lưới điện quốc gia, góp cho đất nước thêm 49 MGW điện, nhận từ cái nắng Tây Nguyên.

Mai Linh (Icon.com.vn)

Đầu xuân tản mạn về nghề điệnĐầu xuân tản mạn về nghề điện
Những ngôi làng đổi thay nhờ có điệnNhững ngôi làng đổi thay nhờ có điện
Cho mùa xuân trọn vẹnCho mùa xuân trọn vẹn
Nghề giám sát mua bán điện: Những kỉ niệm khó quênNghề giám sát mua bán điện: Những kỉ niệm khó quên
Chuyện nghề kiểm tra, giám sát mua bán điệnChuyện nghề kiểm tra, giám sát mua bán điện

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps