Người thợ điện trên quê hương Anh hùng Núp

11:00 | 14/02/2024

161 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiến tranh lùi xa gần 50 năm, nhưng chân dung anh hùng Đinh Núp vẫn lưu giữ trong trái tim người dân Kbang tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Ngày nay, những nỗ lực không ngừng của từng người dân Kbang, trong đó có các công nhân ngành điện, đã thổi luồng gió mới trên quê hương anh hùng.
Người thợ điện trên quê hương Anh hùng Núp

Một góc huyện Kbang, quê hương Anh hùng Núp

Tiếp bước anh hùng

Về Stơr hôm nay, nhắc đến tên bác Núp, tất thảy người già, người trẻ đều vanh vách kể chuyện vị anh hùng Tây Nguyên đánh giặc như là chuyện mới hôm qua. “Lên 10 tuổi mồ côi cha, 15 tuổi đã bị bắt đi phu cho giặc Pháp, bị đánh đập, tra tấn khổ cực dã man, lại nhìn thấy cảnh dân làng sống chìm trong cảnh giày xéo, anh đã sớm nung nấu trong lòng quyết tâm phải đứng lên giết giặc. Khi chưa gặp cách mạng, anh động viên bà con, thanh niên trong làng làm bẫy đá, hầm chông, cung tên tự tạo. Chỉ là những thứ vũ khí thô sơ nhưng đã khiến không ít tên địch phải bỏ mạng. Gặp ánh sáng cách mạng, anh như được tiếp thêm sức mạnh. Bằng tài trí và sự gan dạ, anh Núp cùng dân làng đã bao lần phá tan các đợt càn quét của địch, diệt hàng trăm tên giặc khát máu, muốn cướp đất, cướp dân làng. Stơr có anh Núp thì vững chãi, chẳng giặc nào cướp được…” - Già làng Stơr Đinh Dom kể liền một mạch.

Tiếp nối truyền thống anh hùng đó, toàn thể nhân dân huyện Kbang nói chung và CBCNV Điện lực Kbang nói riêng luôn nỗ lực hết mình, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để xây dựng huyện Kbang ngày càng giàu đẹp.

Huyện Kbang được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 19/5/1985. Thời kỳ đó, với xuất phát điểm là một huyện miền núi vô cùng nghèo nàn và lạc hậu, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Năm 1993, sau khi được đấu nối lưới điện quốc gia, đời sống nhân dân Kbang được cải thiện, đến nay nhân dân trong huyện đã từng bước sản xuất theo hướng hàng hóa với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, các nghành nghề sản xuất và kinh doanh, dịch vụ, du lịch phát triển. Từ đó đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Năm 2023, huyện Kbang có thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 còn 11,63%, 100% các hộ dân được cấp điện đầy đủ và liên tục.

Trải qua gần 4 thập niên xây dựng và phát triển, Kbang hôm nay đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thành quả đó là tiền đề quan trọng để Kbang vững bước đi lên trên con đường đổi mới.

Dấu ấn nghành điện

Trong trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của huyện Kbang, ngành điện luôn đồng hành và đã góp một phần quan trọng. Để tạo sức bật cho phát triển kinh tế, không cách nào khác là phải hoàn thiện kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm. Trong đó, đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất và đời sống người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Gia Lai, nhờ đó, đã tạo nên sự đổi thay kỳ diệu về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở Kbang.

Người thợ điện trên quê hương Anh hùng Núp
Điện lực Kbang nỗ lực đưa ánh sáng đến với quê hương Anh hùng Núp

Tuy với đặc thù địa hình, phải quản lý lưới điện trên địa bàn trải rộng và phức tạp, nhiều rừng nguyên sinh, nhưng Điện lực Kbang luôn đảm bảo vận hành cung ứng điện liên tục, an toàn, ổn định với chất lượng cao, phục vụ các hoạt động chính trị, an ninh, văn hoá, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kbang.

Lúc mới hình thành vào tháng 04/1998, cơ sở vật chất của Điện lực Kbang - tiền thân là Trạm Điện Kbang - còn nghèo nàn, lưới điện cũ nát, quy mô hoạt động rất nhỏ, chỉ có 6,5km đường dây 35kV; 14,7km đường dây 10kV; 12 trạm biến áp (TBA) phụ tải; hơn 23 km đường dây hạ áp cấp điện cho 383 khách hàng khu vực thị trấn Kanak; sản lượng chỉ có 150.000kWh/tháng.

Sau 25 năm, Điện lực Kbang đã xây dựng và phát triển ngày một vững mạnh. Đặc biệt trong những năm gần đây, Điện lực Kbang đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Hiện đơn vị đang quản lý 218 TBA, 333,87 km đường dây trung thế và 243,15 km đường dây hạ thế; bán lẻ trực tiếp đến các hộ tiêu thụ với 18.983 khách hàng dùng điện. Sản lượng điện thương phẩm bình quân 2.749.502 kWh/tháng. Tỉ lệ tổn thất 2,1%; doanh thu 5,38 tỉ đồng/tháng; giá bán điện bình quân 1.928,14 đồng/kWh.

Người thợ điện trên quê hương Anh hùng Núp
Công nhân Điện lực Kbang sửa chữa điện cho các gia đình khó khăn, gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số

Những nỗ lực của ngành điện có tầm ảnh hưởng rộng lớn, tác động tích cực đến các hoạt động chính trị, văn hoá, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và sinh hoạt của nhân dân huyện Kbang. Ghi nhận những đóng góp đó, trong những năm qua, Điện lực Kbang đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý, như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công Thương, Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giấy khen khen của Tổng công ty Điện lực miền Trung, Bằng khen của UBND tỉnh Gia Lai... và nhiều phần thưởng cao quý cho các cá nhân, tập thể của đơn vị trong các lĩnh vực mũi nhọn khác.

Vinh dự và tự hào với những thành tựu đã đạt của các thế hệ đi trước, tập thể cán bộ công nhân viên Điện lực Kbang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cùng với tinh thần lao động sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích góp phần xây dựng Công ty Điện lực Gia Lai ngày càng ổn định và phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai nói chung và của huyện Kbang nói riêng.

Tô Anh Tuấn (CPC)

Sắc cam trong nắngSắc cam trong nắng
Nhà máy Điện Thái Nguyên: Pháo đài thép và những chiến công quả cảmNhà máy Điện Thái Nguyên: Pháo đài thép và những chiến công quả cảm
Đôi điều về Trạm điện Cồn CỏĐôi điều về Trạm điện Cồn Cỏ
Điện về thắp sáng bản Toòng (Lào Cai)Điện về thắp sáng bản Toòng (Lào Cai)
Suy ngẫm về chiếc “ghế nóng” điều độ viênSuy ngẫm về chiếc “ghế nóng” điều độ viên
Thợ điện đương đầu với băng giá tại Mẫu SơnThợ điện đương đầu với băng giá tại Mẫu Sơn