Nghề giám sát mua bán điện: Những kỉ niệm khó quên

06:45 | 31/12/2020

209 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lật lại ký ức của những ngày trực tiếp tham gia “phá án” trộm cắp điện, tôi xin tiếp tục chia sẻ cùng anh em đồng nghiệp một số vụ trộm cắp điện khác với cách thức rất mới và liều lĩnh.
Nghề giám sát mua bán điện: Những kỉ niệm khó quên

Điện lực Đồng Xuân – PC Phú Yên huy động lực lượng kiểm tra đêm

Ngang nhiên đổi sơ đồ đấu dây công tơ để trộm cắp điện

Đó là một buổi trưa tháng 4/2014, sau một thời gian dài theo dõi, phân tích tổn thất, Điện lực Đồng Xuân nhận thấy, TBA thôn Tân Hòa, Xuân Sơn Nam có tổn thất lớn. Thế là chúng tôi – những kiểm tra viên lại vào cuộc tìm kiếm.

Hôm ấy, cũng như mọi ngày, anh Dũng – Tổ Kiểm tra Giám sát mua bán điện Điện lực Đồng Xuân bắt đầu rong ruổi từ đầu trên, xóm dưới thôn Tân Hòa để kiểm tra. Trọng tâm là dò hỏi về những người có am hiểu về điện mà anh em đã tìm hiểu trước đó. Sau vài vòng thăm dò, anh Dũng phát hiện nhà ông L.V.T có dấu hiệu vi phạm sử dụng điện.

Anh Dũng lân la dò tìm quanh nhà và phát hiện, sau hiên nhà có dây nối đất, kiểm tra tại công tơ sơ đồ đấu dây bị sai. Anh lập tức thông báo cho tôi hỗ trợ. Sau khi miêu tả sơ bộ hiện trạng, tôi yêu cầu anh chụp ảnh giữ hiện trường trong thời gian chờ tôi đến. Tức tốc lên đường ngay sau đó, sau hơn 20 phút chạy xe máy, tôi có mặt tại nhà ông T. Qua kiểm tra hiện trường cho thấy, khách hàng đã dùng cọc sắt đóng xuống đất ngay sát bên tường nhà. Sau đó, họ dùng dây đồng 30/10mm2 đấu nối với hệ thống điện gia đình thông qua cầu dao lấy nguội ngoài để trộm cắp điện. Đây là hệ thống đóng cắt thứ hai để trộm cắp và điều chỉnh sản lượng tiêu thụ hàng tháng. Sau khi thông báo khách hàng đã vi phạm sử dụng điện, người nhà ông T nói "không biết gì về điện", tôi đề nghị gia đình gọi ông T. về để đối chất. Lúc đầu ông T. quanh co không thừa nhận, biện minh đó chỉ là tiếp đất an toàn cho gia đinh, chống sét… Nhưng bằng biện pháp nghiệp vụ và với những chứng cứ xác thực, ông T đã thừa nhận hành vi vi phạm là đảo sơ đồ đấu dây công tơ và sử dụng nguội ngoài để sử dụng điện mà đồng hồ không đo ghi được sản lượng. Đây là một kiểu vi phạm rất khó phát hiện. Người trộm cắp không câu nối thông thường dễ nhìn thấy và biết cách điều chỉnh sản lượng không có biến động lớn để trộm cắp điện thời gian dài. Vụ này, Điện lực Đồng Xuân đã truy thu 2.187 kWh tương ứng với số tiền hơn 5,8 triệu đồng.

Kinh nghiệm rút ra sau vụ trộm cắp điện này là phân tích xác định chính xác đối tượng và đặc biệt là đúng thời điểm, tiến hành kiểm tra khi người thực hiện công việc trộm cắp không có ở nhà để có thể phi tang chứng cứ.

Và trộm cắp điện "kiểu mới"

Anh em chúng tôi gọi như vậy bởi vì đây là một hình thức trộm cắp điện trước giờ chưa từng xảy ra trên địa bàn. Đó là một buổi chiều tối cuối tháng 5/2014. Sau một thời gian dài theo dõi, nghiên cứu địa bàn và đối tượng, tôi cùng anh Quang và anh Huynh ra quân đi bắt “sâu đêm”. Khoảng 19 giờ, lợi dụng trời nhá nhem tối, chúng tôi chủ động đi ngang qua sân nhà hàng xóm, tiếp cận trụ điện nghi ngờ trộm cắp điện. Tại đây, sau khi quan sát một lượt tất cả công tơ, không có gì bất thường. Do nghi ngờ có trộm cắp điện nên chúng tôi cố gắng xem xét rất kỹ. “Ồ! Nó đây rồi” - tôi buột miệng thốt ra. Lúc này, ông V cũng đã có mặt, chúng tôi xuất trình thẻ kiểm tra và tiến hành mở hợp công tơ kiểm tra. Điều bất thường mà bọn tôi phát hiện, đó là các công tơ khác chỉ có một sợi cáp điện kế 2x6mm2 đưa vào hộp công tơ qua lỗ bên trái. Riêng công tơ nhà ông V thì có hai sợi và được cố định rất chặt vào nhau. Sau khi mở niêm phong kiểm tra bên trong trước sự chứng kiến của khách hàng, sợi cáp thứ hai đó là chứng cứ vi phạm trộm cắp điện. Ông V đã dùng 01 đoạn dây cáp 2x6mm2 loại ruột đơn, luồn theo cáp điện kế công tơ chọc trực tiếp vào cọc số 01 và số 03 công tơ để sử dụng điện không qua công tơ. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, ông V chỉ im lặng thừa nhận hành vi vi phạm.

Nghề giám sát mua bán điện: Những kỉ niệm khó quên
Những “vụ án” được phát hiện nhờ kiểm tra đêm

“Vụ án” này, ông V. đã ngụy trang việc trộm cắp điện rất tinh vi. Ông ta tự tin đến mức thực hiện việc trộm cắp điện ngay tại công tơ điện – nơi mà anh em thường xuyên công tác. Vì thế, nếu không cẩn thận, anh em rất dễ nhầm lẫn sợi cáp đó là lưới điện vào công tơ. Ông V đã phải "tâm phục" trước những người có nhiều năm kinh nghiệm kiểm tra sử dụng điện. Chúng tôi hoàn tất các thủ tục, kê khai thiết bị lúc ấy đã 21h đêm. Sản lượng điện bồi thường vụ này là 3.006 kWh, tương ứng với số tiền truy thu 08 triệu đồng.

Vụ này thành công là nhờ công tác nắm bắt thông tin, sự cẩn trọng trong quá trình kiểm tra. Đặc biệt, cũng như bao vụ trộm cắp điện khác là chúng tôi đã chọn đúng thời điểm, bởi một khi đã gây ra sự chú ý mà không thành công coi như vụ việc đó sẽ không còn vì có thể bị phi tang chứng cứ.

Còn nhiều nhiều “vụ án” nữa mà chúng tôi phát hiện như vụ "đi chơi phá án”. Để rồi, sau đó, anh em có người nói đùa là làm nghề kiểm tra sử dụng điện, “đi chơi” là chính. Nhưng “đi chơi” ở đây là để nắm tình hình, để có nhiều thông tin phá án. Chẳng hạn như, thông tin về nhà ông A, bà B sử dụng điện nhiều mà tiền ít, hay ông C cứ dăm ba nữa lại ra trèo trụ điện… Đó là một trong những thông tin ban đầu giúp phát hiện những vụ trộm cắp điện.

Văn Tuy (EVNCPC)