Những ngôi làng đổi thay nhờ có điện

08:46 | 05/02/2021

291 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vốn đam mê công tác truyền thông, lại được PC Phú Yên tạo điều kiện đi thực tế tại nhiều nơi, tôi được gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều người. Bản thân tôi nhận ra rằng, sống có hy vọng đã mang lại hạnh phúc trong cuộc đời mỗi con người. Và tôi đã thấy lấp lánh niềm hy vọng trong những đôi mắt ấy…
Những ngôi làng đổi thay nhờ có điện

Cảnh quan tại khu du lịch sinh thái Hóc Răm, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên

Tân Định và Lạc Sanh là hai ngôi làng thuộc huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, cách xa nhau đến mấy chục cây số nhưng lại có đặc điểm chung là dân cư thưa thớt và đều được gọi là những “xóm đèn dầu”. Gọi như vậy bởi những người dân ở đây đã phải trải qua hơn ba mươi năm sống trong cảnh không có điện, khổ cực và thiếu thốn trăm bề.

Được biết, trước đây việc cấp điện cho làng Tân Định và Lạc Sanh đã được PC Phú Yên đưa vào danh mục đầu tư cấp điện trong dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020” và được Bộ Công thương phê duyệt, nhưng vẫn chưa bố trí được nguồn vốn. Trước nhu cầu cấp thiết về điện của các hộ dân, Công ty đã tận dụng nguồn vốn tiết kiệm được từ các dự án khác để đầu tư xây dựng lưới điện và chính thức đóng điện cho làng Tân Định vào tháng 10 năm 2018 và tại làng Lạc Sanh là tháng 12 năm 2020.

Theo chân Điện lực Tây Hòa đi kiểm tra và bảo dưỡng đường dây, trạm biến áp cấp điện cho hai ngôi làng, như một cuốn phim quay chậm, tâm trí tôi lại hiện lên những hình ảnh phấn khởi và vui mừng của người dân trong lễ đóng điện. Tôi thấy rất háo hức khi được tham gia chuyến đi này vì sẽ được gặp lại những bà con chất phác, thân thiện nơi đây, tìm hiểu họ đang chuẩn bị Tết như thế nào, sẽ có gì thay đổi trong cuộc sống khi có điện về.

Đường về Lạc Sanh như được nhuộm thêm màu hy vọng bởi cái nắng ấm áp, trong vàng, ngọt dịu như mật ong. Hai bên đường, các hàng cây keo lá tràm xanh mát lòng người lấp lóa phản chiếu ánh nắng. Chúng thỏa thích reo vui trong cơn gió phảng phất hương xuân. Trên cao, những đường dây điện thẳng tắp, căng như dây đàn tô điểm thêm cho khung cảnh tươi đẹp, rộn ràng hương vị tết.

Thấy xe điện lực dừng lại, bà con hồ hởi tập trung đến xem các anh thợ điện làm việc, chia sẻ những thay đổi trong cuộc sống trước đây và bây giờ. Niềm phấn khởi khi có điện dường như chỉ tăng lên chứ không dừng lại tại nơi đây. Cô Trần Thị Dung, 50 tuổi vừa đi chợ về vồn vã mời chúng tôi vào nhà uống nước. Cô chia sẻ trong vui sướng: “Cho tới giờ vẫn còn lâng lâng như sống trên mây vì có điện. Trẻ con có đèn để học hành, người lớn có thể xem tivi để cập nhật thông tin thời sự hay tăng năng suất lao động. Nhà sắm thêm được cái tủ lạnh tiện ơi là tiện! Trước kia, cả xóm vừa phải đi làm, vừa tranh thủ đi chợ hàng ngày mới có miếng ăn, giờ cả tuần đi chợ một lần cũng được. Tết này chắc là Tết đặc biệt và ý nghĩa nhất trong cả cuộc đời tôi và người dân ở đây”.

Những ngôi làng đổi thay nhờ có điện
Cô Trần Thị Dung đang vui vẻ quan sát các anh thợ điện kiểm tra thiết bị điện trong nhà

Người dân xung quanh còn chia sẻ thêm cho chúng tôi biết về những đổi thay mang màu sắc tích cực từ khi có điện để dùng. Đi đâu về, trời tối mà thấy bóng đèn sáng là thấy an tâm trong lòng lắm. Tôi cảm thấy rất ấn tượng khi bà con xem ánh điện như một biểu tượng của sự bình yên và an toàn.

Cuộc hành trình của chúng tôi lại tiếp tục ở làng Tân Định. Đây là ngôi làng được bao bọc bởi núi, người dân sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt, chăn nuôi. Vì không có điện nên người dân rất khó ổn định cuộc sống, không thể ở hẳn trong làng. Sau hơn hai năm có điện, cuộc sống nơi đây đã có sự thay đổi đậm nét, rõ rệt hơn hẳn. Không còn cảnh xóm làng thưa thớt dân cư, những khu đất trống đã mọc lên những ngôi nhà gạch khang trang với những diện mạo tươi mới. Khung cảnh tươi vui, nhộn nhịp hiện lên cái vẻ ổn định và phát triển. Quả đúng là có an cư thì mới lạc nghiệp.

Chú Nguyễn Phú, làm việc lại Trạm Kênh Nam của Công ty Thủy nông Đồng Cam chia sẻ: “Từ khi có điện, cuộc sống ở đây “khác cảy” (khác hẳn). Hồi trước, anh em làm ở đây phải chuẩn bị củi để nấu cơm, muối đồ ăn mới để được lâu. Giờ thì tivi, tủ lạnh, bếp điện… không thiếu thứ gì, cuộc sống tiện nghi gấp trăm lần. Kinh tế ở cái làng này cũng đã phát triển hơn hẳn, giờ có điện “nẫu” (người ta) đăng ký nuôi cá trong lồng bè, dẫn điện lên trên hồ để sục khí, xay thức ăn cho các loại cá như cá chình, thác lác, rô phi, chép… Vừa rồi, “nẫu” xuất bán thu về cả mấy trăm triệu”. Chú còn chỉ cho chúng tôi khu du lịch sinh thái đang gấp rút xây dựng để kịp đón khách trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Những ngôi làng đổi thay nhờ có điện
Chú Nguyễn Phú đang tất bật bên các thiết bị điện của mình

Chúng tôi tìm gặp anh Lê Tấn Đạt, là chủ của khu du lịch sinh thái Hồ Hóc Răm. Anh Đạt đang tất bật chuẩn bị những khâu cuối cùng để chuẩn bị khai trương kịp Tết. Anh cho biết bản thân anh là người địa phương, đi bộ đội về, anh xoay ra buôn bán, bôn ba khắp nơi để làm ăn. Mặc dù có đã có chút vốn lại nhận thấy được tiềm năng du lịch tại Tân Định rất cao, nhưng không có điện, anh cũng chẳng dám quay về đầu tư. Và giờ đây, anh đã có thể tự tin quay về làm giàu cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trên chính quê hương mình.

Trong khi chờ các anh thợ điện sửa chữa, thay thế các thiết bị điện và tuyên truyền hướng dẫn sử dụng điện an toàn, anh Đạt vui vẻ tâm sự với chúng tôi về những kế hoạch trước mắt, phương hướng kinh doanh sau này với giọng điệu chứa đầy niềm tin và hy vọng. Tiếng tivi trong phòng vọng ra như một dấu hiệu của sự ấm no, đủ đầy, tôi nghe nó hay như một bản nhạc đệm để cuộc nói chuyện giữa chúng tôi thêm phần sinh động và mang nhiều ý nghĩa.

Chia tay mọi người ra về mà lòng chúng tôi cũng rộn rã như được cộng hưởng với niềm phấn khởi và vui mừng trước sự đổi mới và phát triển tại vùng đất này. Điện đã góp phần quan trọng trong việc cải tạo và nâng tầm cuộc sống cũng như phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Mặc dù liên tục cảm ơn ngành điện nhưng bà con đâu biết rằng, chính chúng tôi cũng phải cảm ơn họ vì đã tạo được động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục hăng say cống hiến cho ngành điện.

Yêu sao ngành điện! Yêu sao công việc mang hy vọng và sự phồn thịnh cho cộng đồng.

Kim Oanh (EVNCPC)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc