Nhắc về Gạc Ma để thế hệ sau không ảo tưởng...

11:25 | 13/03/2016

4,441 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã 28 năm trôi qua, trận chiến Gạc Ma vẫn để lại trong lòng nhiều người những nỗi trăn trở không thể nguôi ngoai. 

Gửi đến Báo điện tử PetroTimes những dòng tâm sự về trận chiến này, TS. Trần Trung Hiếu (GV Trường THPT Phan Bội Châu – Nghệ An) chia sẻ: “Sự thật những gì đã xảy ra vào sáng 14/3/1988, tôi nghĩ phải dùng động từ “xâm chiếm” và “thảm sát” thì mới phản ánh đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc”.

PetroTimes xin lược ghi bức thư nhiều cảm xúc của thầy giáo dạy sử này.

Là một thầy giáo đã hơn 30 năm dạy và nghiên cứu lịch sử, chia sẻ về trận chiến Gạc Ma, thầy Hiếu cho rằng: 28 năm qua, vì nhiều lý do khác nhau mà người ta dường như đã quên dần cuộc chiến đau thương này.

Nhưng theo thầy Hiếu thì những người thân của các liệt sỹ Gạc Ma, những đồng đội còn sống sót sau sự kiện đó và cả những người có trách nhiệm với lịch sử dân tộc đã không quên và không bao giờ quên nỗi đau này.

Vết thương chưa lành, chỗ cắn vẫn còn đau. Và sự kiện Gạc Ma đã phai dần, không mấy người biết đến kể từ khi 2 nước Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào năm 1990.

tran chien gac ma vet thuong chua lanh cho can van con dau
Hải chiến Gạc Ma năm 1988: Vết thương 28 năm 

Hai mươi tám năm, thời gian quá dài và quá đủ để chúng ta nhìn nhận lại một sự thật hiển nhiên dù nó rất phũ phàng và đau xót.

Rất đáng để chúng ta phải trăn trở là tại sao một sự kiện như thế nhưng không hề được nói một từ nào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành? Mặc dù nó cũng đã từng được viết, bổ sung, chỉnh sửa và tái bản nhiều lần sau khi sự kiện này xảy ra?

Và rất nhiều biên niên lịch sử về những sự kiện lịch sử của rất nhiều tài liệu, cuốn sách, kể cả những cuốn “Sổ tay Báo cáo viên” của Ban Tuyên giáo TW nhiều năm cũng không  nhắc đến sự kiện này.

Rất nhiều blog lịch treo tường hàng chục năm qua không hề nhắc đến các sự kiện 17/2/1979 ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây- Nam và các sự kiện liên quan đến chủ quyền biển đảo: 19/1/1974 ở Hoàng Sa; 14/3/1988 ở Gạc Ma (quần đảo Trường Sa)... Kể cả một số cơ quan truyền thông báo chí trước đây cũng ít đề cập những sự kiện này.

Thực tế lịch sử đã khẳng định, Trung Quốc đã có mưu đồ và sự tính toán kỹ càng cho mọi hành động xâm lược lãnh thổ Việt Nam.

Những gì mà các cựu chiến binh kể lại cùng với đoạn băng video gần 20 phút mà Trung Quốc công bố trên internet đã nói lên tất cả bản chất, âm mưu và thủ đoạn của kẻ xâm lược.

Với cách nhìn nhận của một giáo viên Sử, thầy Trần Trung Hiếu nhận định: Chiến tranh thì sự hy sinh, mất mát cũng là khó tránh khỏi. Lâu nay, người ta thường nhắc đến sự kiện này là “hải chiến Trường Sa”, tôi thấy chưa thỏa đáng.

tran chien gac ma vet thuong chua lanh cho can van con dau
Giảng viên  Trần Trung Hiếu.

Sự thật những gì đã xảy ra vào sáng 14/3/1988, tôi nghĩ phải dùng động từ “xâm chiếm” và “thảm sát” thì mới phản ánh đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc .

Cuộc chiến xảy ra trong điều kiện về tương quan lực lượng chênh lệch, giữa một bên là hàng ngàn quân Trung Quốc với nhiều tàu chiến và vũ khí hặng nặng để tấn công và thảm sát những người lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Trung đoàn Công binh 83(quân chủng Hải quân) và lực lượng giữ đảo Lữ đoàn 146 ( Vùng 4 Hải quân).

Trong bối cảnh như thế, quân đội Trong Quốc hung hãn và tham vọng như thế thì những người sẵn sàng ra đảo Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc và xác lập chủ quyền đều xứng đáng là những người anh hùng.

Những loạt đạn chát chúa, những lưỡi lê sắc lạnh của quân thù, những người lính vẫn ngoan cường, dũng cảm quây thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Thiếu úy Trần Văn Phương ngã xuống nhưng vẫn ôm chặt lá cờ loang máu. Sáu mươi tư người đã hy sinh, 9 người bị chúng bắt và đưa về Trung Quốc giam cầm, sau hơn 3 năm chúng mới trả.

Sự thật là Quần đảo Hoàng Sa đã bị xâm chiếm từng phần 42 năm và đảo Gạc Ma đã bị chúng chiếm đóng trái phép 28 năm qua.

Và cứ sau mỗi cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc đã gây ra đối với dân tộc ta, nhân dân ta đã thêm một lần mất đi nhiều xương máu, đất nước ta lại thêm một lần mất đi từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 

Mong muốn có lịch sử có sự nhìn nhận đúng đắn về cuộc chiến này, thầy Trần Trung Hiếu nhắn nhủ: “Chúng ta nhắc lại sự kiện Gạc Ma không phải là việc nhằm  khơi sâu mối thù hằn dân tộc, cũng không phải để kích động hận thù mang tính cực đoan với nước láng giếng. 

Mà nhắc lại để nhắc nhở thế hệ trẻ không nên ảo tưởng về những câu khẩu hiệu, những ngôn từ ngoại giao của các chính khách.

Nhắc lại để thế hệ trẻ cần phải biết tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã ngã xuống vì Tổ Quốc, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc hơn!

Cũng từ sự thật lịch sử đó để chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo cả trong hiện tại và tương lai. Mỗi người hãy ghi nhớ để chúng ta trân trọng hòa bình, để ký ức về Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt.

Hy vọng, những cơ quan có trách nhiệm và đủ thẩm quyền sẽ nhìn nhận đúng sự thật lịch sử, có trách nhiệm với lịch sử và trả lại những giá trị đích thực của lịch sử”.

tran chien gac ma vet thuong chua lanh cho can van con dau

28 năm và nỗi niềm đau đáu mang tên Gạc Ma

Phóng viên báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Mã Lương – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để khắc họa sâu hơn tính chất của cuộc chiến oai hùng này.

tran chien gac ma vet thuong chua lanh cho can van con dau

Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ: Đau 'vết thương' Gạc Ma, nhớ bài học nỏ thần!

TS. Trần Công Trục – nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ đã có những chia sẻ về vị trí, tác động của trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

tran chien gac ma vet thuong chua lanh cho can van con dau

Cựu chiến binh Gạc Ma: 'Chúng tôi không phải bia đỡ đạn!'

Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo khẳng định với phóng viên Báo điện tử PetroTimes: "Sự thật là sự thật. Chúng tôi không đi làm bia đỡ đạn. Chúng tôi đi theo tiếng gọi bảo vệ biển đảo Tổ quốc."  

Huyền Anh (Trích lược)