28 năm và nỗi niềm đau đáu mang tên Gạc Ma

16:00 | 12/03/2016

3,245 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân kỷ niệm 28 năm trận hải chiến Gạc Ma 14/3/1988 và tri ân sự hy sinh quả cảm của 64 anh hùng liệt sỹ của hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ hải đảo quê hương, phóng viên báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Mã Lương – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để khắc họa sâu hơn tính chất của cuộc chiến oai hùng này.

Mở đầu câu chuyện, Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định: “Chúng ta không thể và không được phép quên đi sự cống hiến xương máu cùng tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của 64 anh em cán bộ, chiến sĩ hải quân trên 2 tàu vận tải 604 và 605 trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Đó là sự thật lịch sử và cần được tuyên truyền rộng rãi tới mọi người dân để biết. Ta không kích động thù hận giữa 2 dân tộc nhưng cũng cần phải nói lên được tinh thần chiến đấu và tri ân sự hy sinh đầy oanh liệt ấy của bộ đội ta”.

da 28 nam tieng song dap dao va noi niem dau dau mang ten gac ma
Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Mã Lương – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Ảnh: Đình Tuệ).

Theo phân tích của tướng Lê Mã Lương, sở dĩ Trung Quốc đã cố tình đánh chiếm cho kỳ được đảo Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam chính vì nó nằm ở vị trí chiến lược, một tiền đồn quân sự quan trọng ở cửa ngõ dẫn từ đất liền Việt Nam ra Trường Sa. Gạc Ma được ví như là một cái đinh chốt chặn ở Biển Đông. Một bước đi xa hơn mà Trung Quốc đã và đang tiến hành ở Gạc Ma đó là sự xuất hiện của các đường băng sân bay.

“Muốn chiếm Biển Đông thì nhất thiết Trung Quốc phải có hệ thống các sân bay quân sự. Vì muốn bay từ đảo Hải Nam xuống phía nam thì máy bay Trung Quốc phải trải qua quãng đường vô cùng xa xôi lên tới hàng ngàn km. Muốn tác chiến thì  phải có hệ thống máy bay tiếp dầu trên không. Tuy nhiên, nước này đã tiến hành bước đến cái đích xa hơn khi ở thời điểm hiện tại, sự xuất hiện của hệ thống đường băng sân bay tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), kết hợp với đường băng trên đá Chữ Thập, Vành Khăn và Gạc Ma ở Trường Sa sẽ tạo ra một địa thế vô cùng nguy hiểm”, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chia sẻ.

da 28 nam tieng song dap dao va noi niem dau dau mang ten gac ma

Nội dung của trận hải chiến Gạc Ma 14/3/1988 rất cần được đưa vào chương trình SGK cho học sinh như một sự tri ân tới anh linh 64 anh hùng liệt sỹ.

Tướng Lê Mã Lương cũng chỉ rõ: “Nắm bắt được vị trí cốt tử của đảo Gạc Ma nên từ thời điểm tháng 3/1988, các nhà cầm quyền Bắc Kinh đã sớm hạ quyết tâm thôn tính bằng được hòn đảo tiền tiêu này nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm ở Biển Đông. Trung Quốc áp đặt cách hành xử thô bạo bằng việc sử dụng vũ lực nhằm cưỡng chiếm Gạc Ma và bắn giết bộ đội ta. Điều này rất đáng lên án và bị dư luận phản đối mạnh mẽ”.

Đồng thời ông cũng nêu quan điểm, việc đưa nội dung của cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới, hải đảo từ năm 1979 – 1988 cần phải được sớm nghiên cứu đưa vào chương trình Sách giáo khoa cho các em học sinh học trong nhà trường. Trước đây chúng ta đã không làm được điều này thì giờ đây, nên chăng càng sớm đưa vào thì càng tốt.

“Cuộc chiến đấu của chúng ta hoàn toàn chính nghĩa trước quân xâm lược Trung Quốc. Lẽ phải thuộc về chúng ta vậy tại sao lại được phép lãng quên điều này. Đặc biệt, sự hy sinh quên mình của 64 liệt sỹ vẫn còn đó và vẫn hòa mình vào tấc biển quê hương mà chưa được trở về với đất mẹ. Chúng ta phải trân trọng và có sự tri ân xứng đáng”, ông nhấn mạnh.

Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng là tác giả của cuốn hồi ký “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” mà chính ông đã dành tâm huyết nhiều năm đi tìm hiểu thông tin, dữ liệu lịch sử liên quan đến sự kiện này nhằm khắc họa chân dung cụ thể của chừng ấy gia đình của 64 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 14/3/1988.

Từ hơn 2 năm nay, ông đã gõ cửa hàng chục nhà xuất bản để in cuốn hồi ký “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do ông đã dày công thu thập các tài liệu, chứng cứ khoa học và 64 hoàn cảnh gia đình khác nhau của 64 liệt sỹ trận Gạc Ma rồi in thành sách, nhưng hiện vẫn chưa được cấp phép in.

Ông bộc bạch: “Đây không chỉ là tâm huyết của tôi mà còn là nỗi niềm đau đáu của 64 gia đình có chồng hay con hy sinh trong cuộc chiến đấu bi hùng đó. Một sự trân trọng cần thiết nếu cuốn sách được xuất bản đó đến tay của bạn đọc sẽ khiến cho hàng triệu trái tim của con người Việt Nam rung động bởi chính tinh thần chiến đấu quả cảm của các anh – Những người lính Bộ đội Cụ Hồ”.

“Trong cuộc chiến không cân sức đó, ta vẫn chiến đấu ngoan cường trước quân xâm lược Trung Quốc đến tận giọt máu cuối cùng. Tuy Gạc Ma đã rơi vào tay đối phương kể từ thời điểm đó nhưng ta vẫn kiên cường đấu tranh và giữ vững chủ quyền đối với đảo Len Đao, Cô Lin cho đến tận ngày nay. Tinh thần anh dũng đó cần phải được hậu thế khắc ghi và tri ân một cách cụ thể nhằm phát huy lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình vốn có của con người Việt Nam”, Tướng Lương bày tỏ.

Đình Tuệ – Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc